Cần nâng nhận thức cho gia đình người bệnh

(Baonghean) Thời gian qua, các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với gia đình bệnh nhân trong việc chăm sóc, quản lý. Tuy nhiên, công tác này đang gặp không ít khó khăn.

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, hiện nay tỉnh ta có 13.312 bệnh nhân tâm thần, trong đó có 4.420 bệnh nhân đã qua điều trị tại bệnh viện, 4.544 bệnh nhân ở 137/479 xã đã được thụ hưởng chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng (Đây là những bệnh nhân chưa có điều kiện vào điều trị nội trú để làm sổ). Các bệnh nhân thuộc chương trình được các bác sỹ đến khám, cấp sổ, cấp thuốc tại trạm y tế xã phường, bệnh nhân đỡ phải đi xa. Việc điều trị này hiện đang rất hiệu quả. Tuy vậy, số bệnh nhân được thụ hưởng dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng vẫn còn rất ít, mới được khoảng xấp xỉ 30% so với mức bình quân của cả nước là 70%.

                                         Kiểm tra sức khoẻ bệnh nhân tâm thần.

Nguyên nhân đầu tiên là do khó khăn về nguồn kinh phí. Theo Chương trình mục tiêu bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng thì đến năm 2015 phải phủ kín 100% xã. Như vậy, với Nghệ An, từ nay đến năm 2015, mỗi năm chương trình phải triển khai mới ở 88 xã trong khi nguồn kinh phí Trung ương cấp chỉ gần 1 tỷ đồng/năm. Thực tế, ngành Y tế Nghệ An đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2012 là triển khai được 20 xã mới với tổng kinh phí là 966 triệu đồng, song đến hết tháng 9/2012 khi mới triển khai được 10 xã thì đã hết nguồn. Sự thiếu hụt này xuất phát từ việc phải duy trì hoạt động cho 127 xã đã triển khai trước đó, cộng thêm giá thuốc tăng (chiếm tới 2/3 nguồn được cấp).

Một khó khăn khác sự thiếu hợp tác từ phía bệnh nhân, bỏ thuốc, không uống thuốc hoặc uống thiếu liều. Đơn cử là trường hợp anh Chu Ngọc Khánh ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu.  Anh Khánh bị bệnh hoang tưởng, rối loạn tâm thần từ 7 năm nay, biểu hiện bệnh luôn nghĩ mình là cán bộ làm công ty nọ, công ty kia, nói lảm nhảm một mình, cứ hở ra lại bắt xe khách đường dài bỏ đi khắp nơi làm gia đình đi tìm rất vất vả. Không uống thuốc, bệnh ngày một nặng nên chị gái là Chu Thị Hường đưa anh vào điều trị nội trú dài ngày…. Yếu tố tâm lý, điều kiện sống cũng có thể khiến bệnh phát và tái phát.

Chị Nguyễn Thị  Thanh, Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ cho biết: Hiện Tân Kỳ có 207 bệnh nhân tâm thần, trong đó có nhiều bệnh nhân mặc dù được chăm sóc uống thuốc đầy đủ nhưng vẫn phát bệnh, đơn cử như bệnh nhân Vi Xuân Long, xã Đồng Văn, tái phát bệnh do uống quá nhiều rượu, hay trường hợp gia đình bệnh nhân Nguyễn Hồng Phúc, xóm Bắc Sơn, xã Nghĩa Phúc, cuộc sống túng quẫn đâm ra cáu bẳn… Cũng theo chị Thanh, khó khăn còn đến từ chính người nhà bệnh nhân. Đó là tình trạng giấu bệnh, nếu không con số thực tế bệnh nhân bị bệnh sẽ lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, đội ngũ phụ trách công tác tâm thần tại địa phương còn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên khoa tâm thần.

Đánh giá về công tác quản lý, chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng của tỉnh thời gian qua, bác sỹ Ngân Thị Xuyến - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho hay: Qua công tác kiểm tra, giám sát tại 125 trạm y tế xã, phường, thị trấn cho thấy phần lớn các đơn vị y tế cơ sở đã chấp hành và thực hiện tốt việc theo dõi diễn biến bệnh, cấp phát thuốc, chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng. Tuy nhiên, do nhận thức về bệnh tâm thần còn hạn chế ở một số cán bộ y tế nên việc tiếp xúc để thăm khám, chăm sóc cho bệnh nhân còn khó khăn, cho thuốc chưa theo sát diễn biến của bệnh. Ở bệnh nhân vẫn còn tình trạng mặc cảm, dùng cúng bái để chữa bệnh, điều trị bằng các thuốc an thần cổ điển, không có thuốc bổ trợ.

Thực tế cho thấy, để công tác phòng chống, chữa, điều trị bệnh tâm thần đạt hiệu quả, cần tăng nguồn kinh phí để hỗ trợ việc giám sát, triển khai, cung cấp thuốc điều trị; ngành Y tế tổ chức nhiều hơn các đợt tập huấn, truyền thông về chăm sóc sức khỏe tâm thần, thu hút nguồn nhân lực làm công tác tâm thần; tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là từ gia đình người bệnh, chuyển từ giấu bệnh sang hợp tác cùng cơ sở y tế trong sử dụng thuốc điều trị cho người bệnh…

Thành Chung

tin mới

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

Giải pháp ‘vàng’ phát hiện ung thư đường tiêu hóa

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các bệnh lý tiêu hóa ngày càng phổ biến vì những thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý và căng thẳng tâm lý gây nên. Phương pháp nội soi dạ dày và đại tràng thường được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý này. Vậy có nên nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc?

Loãng xương

Chế độ ăn cho người bệnh loãng xương

Chế độ ăn đúng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương hiệu quả. Do đó, việc đảm bảo dinh dưỡng đối với những người mắc bệnh cơ xương khớp nói chung và người mắc bệnh loãng xương nói riêng là rất quan trọng.