Cần nâng sức chứa nước của hệ thống hồ đập

13/03/2015 14:24

(Baonghean) - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa, đến nay, các hồ đập trên địa bàn tỉnh có dung tích lớn từ 10 - 70  triệu m3 đã được sửa chữa, nâng cấp ở mức bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, số lượng hồ chứa có dung tích từ 1 - 3 triệu m3 (chủ yếu do các địa phương quản lý) chưa được tu sửa thường xuyên, vì vậy nhiều công trình bị xuống cấp, rò rỉ gây tổn thất nước. 

(Baonghean) - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa, đến nay, các hồ đập trên địa bàn tỉnh có dung tích lớn từ 10 - 70 triệu m3 đã được sửa chữa, nâng cấp ở mức bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, số lượng hồ chứa có dung tích từ 1 - 3 triệu m3 (chủ yếu do các địa phương quản lý) chưa được tu sửa thường xuyên, vì vậy nhiều công trình bị xuống cấp, rò rỉ gây tổn thất nước.

Nhiều hồ đập xuống cấp

Hồ chứa nước Thị Long ở xóm Quang Nhân, xã Quang Thành - Yên Thành có dung tích khoảng 700.000 m3 nhưng nhiều năm qua không đảm bảo nước tưới, gây nhiều khó khăn cho bà con. Bà Nguyễn Thị Minh, người dân xóm Quang Nhân cho hay: “Đập nước ở đây chỉ tưới được đến giai đoạn lúa sắp làm đòng trổ bông là cạn nước, chúng tôi phải bơm tát từ các ao để “cứu” lúa...”.

Hệ thống cống lấy nước hồ Nhà Trò (Tân Thành - Yên Thành).
Hệ thống cống lấy nước hồ Nhà Trò (Tân Thành - Yên Thành).

Được biết, hồ chứa lâu nay chưa được nâng cấp, bờ đập đắp bằng đất, xuất hiện nhiều điểm rò rỉ thất thoát nước lớn, lượng nước trong đập chỉ còn 30%. Ông Hoàng Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết: Toàn xã có 31 hồ chứa nhỏ, nhưng chỉ nâng cấp sửa chữa được 4 hồ chứa, còn lại đang bị xuống cấp, mực nước tại các hồ chứa chỉ đạt từ 30 - 40%. Vụ xuân này xã gieo cấy 240 ha lúa, nhưng theo dự báo khoảng 70% diện tích lúa vào giai đoạn làm đòng, trổ bông sẽ bị thiếu nước.

Yên Thành có trên 200 hồ đập nhỏ, tưới cho trên 3.000 ha lúa tập trung ở các xã Minh Thành, Quang Thành, Thịnh Thành… Từ năm 2010 đến nay, bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, huyện mới nâng cấp, sửa chữa mới được 14 hồ đập nhỏ, còn lại là do các địa phương tự duy tu sửa chữa thô sơ nên hầu hết bị xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tích nước phục vụ sản xuất. Cụ thể, chỉ tưới được khoảng trên 2.000 ha, còn lại là thiếu nước, bà con các xã phải chủ động tưới lúa bằng các biện pháp bơm tát từ các ao, hồ….

Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc đứng chân trên địa bàn huyện quản lý 17 hồ đập lớn, nhỏ thuộc 4 huyện Đô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu tưới cho trên 7.000 ha lúa, nhưng cũng rất khó đảm bảo nước tưới, nhất là giai đoạn lúa làm đòng, trổ bông do các hồ đập tích nước kém, bị rò rỉ, thất thoát nước. Thời gian qua, vì nguồn kinh phí khó khăn nên đơn vị mới nâng cấp được 10 hồ chứa lớn, các hồ chứa loại trung bình chưa được nâng cấp, lượng nước chỉ đạt từ 30 - 50%. Như hồ Kẻ Sặt ở Tiến Thành - Yên Thành đạt 45%, do bị rò rỉ ở mái thượng lưu, rất khó đáp ứng nước tưới cho 179 ha lúa vụ xuân. Hồ Đồn Húng ở Hậu Thành tưới cho trên 200 ha lúa nhưng chỉ đạt 50% dung tích nước, thân đập nhiều mối, hạ lưu đập bị thấm, có 3 vị trí bị rò rỉ. Hồ chứa Đồi Tương ở Quỳnh Vinh (TX.Hoàng Mai), mực nước chỉ đạt 40%; hồ chứa khe Đá Mài mực nước chỉ đạt 35%…

Nghệ An là địa phương có nhiều hồ đập nhất cả nước với 625 hồ đập lớn, trong đó có trên 60 hồ đập do các doanh nghiệp quản lý. 10 năm trở lại nay, toàn tỉnh nâng cấp, sửa chữa được trên 90 hồ đập. Còn lại phần lớn các hồ đập nhỏ do địa phương quản lý có thời gian sử dụng từ 30 - 40 năm, cá biệt có hồ đã được xây dựng cách đây trên 50 năm, thi công không đồng bộ và chưa được nâng cấp sửa chữa nên dẫn đến xuống cấp trầm trọng…

Ông Phạm Hữu Văn, Phó chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: Các hồ chứa bị rò rỉ nước, thấm qua thân đập, mái đập, rò rỉ nước qua cả mang cống, lòng hồ bị bồi lắng, tràn xả nước chật hẹp… Trong khi đó, công tác vận hành, quản lý hồ cũng có nhiều hạn chế. Đơn cử, với các hồ chứa nhỏ do xã, hợp tác xã quản lý thì việc duy tu sửa chữa thường xuyên không thực hiện, hoặc quản lý nhưng không có hồ sơ công trình, tài liệu thiết kế ban đầu; người quản lý chưa qua lớp đào tạo, không chuyên trách, chỉ biết đóng và mở cống. Đây cũng là nguyên nhân khiến công trình xuống cấp.

Điển hình như hồ chứa Tây Nguyên (Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu) có dung tích 1,2 triệu m3, tưới cho trên 200 ha được xây dựng từ năm 1966, đến năm 2009 được tu sửa, nâng cấp. Công trình được giao cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Thắng quản lý. Đơn vị này lại giao cho tư nhân bảo vệ và vận hành đóng, mở cửa cống mà chưa được qua một lớp đào tạo, tập huấn nào về sử dụng, vận hành hồ chứa, nên việc quản lý hồ chứa rất khó khăn. Do vậy, đã dẫn đến việc vỡ hồ chứa vào tháng 9/2012.

Theo ông Văn thì hệ thống hồ chứa trên địa bàn tỉnh ta tưới cho trên 20.000 ha lúa, nhưng vụ xuân này các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý chỉ đạt từ 30 - 45% trữ lượng. Lượng nước chỉ đủ tưới cho khoảng từ 12.000 -14.000 ha lúa chủ yếu từ các hồ đập lớn. Diện tích lúa còn lại thiếu nước trầm trọng trong giai đoạn lúa làm đòng trổ bông. Chính vì thế, vụ xuân này nhiều xã vận động bà con chuyển đổi 30 ha lúa sang cây màu.

Tích cực triển khai các giải pháp

Để khắc phục những hạn chế của hồ chứa nhỏ, các địa phương đã đưa ra các giải pháp khắc phục. Tại xã Quang Thành, ngay đầu vụ sản xuất xã huy động được trên 800 lao động, tập trung duy tu sửa thân đập, mang cống, hệ thống kênh dẫn từ hồ chứa. Riêng Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc đang nâng cấp hồ Nhà Trò ở Tân Thành (Yên Thành) và hồ Ba Tùy ở Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) tổng trị giá trên 30 tỷ đồng. Tận dụng mùa này trữ lượng nước cạn, đơn vị thi công đã tập trung thực hiện các công đoạn sửa chữa. Hiện hồ chứa Nhà Trò đã thi công được trên 50% khối lượng công trình, thi công xong phần cống lấy nước, đắp xong thân đập.

Ông Trần Mạnh Dũng, Cán bộ địa chính xã Tân Thành, Yên Thành chia sẻ: Đập Nhà Trò lâu nay xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy khi tiến hành xây dựng nâng cấp thì bà con đã đồng lòng chuyển 2 vụ lúa với diện tích 131 ha sang trồng cây màu (huyện Yên Thành hỗ trợ bà con 50% tiền giá giống cây trồng). Để người dân ổn định sản xuất, đơn vị thi công cần đẩy nhanh tiến độ để tích nước được vào mùa mưa năm nay.

Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Ban quản lý Dự án ngành NN và PTNT tỉnh cho biết thêm: Nhiều hồ không được xây dựng theo tiêu chuẩn và chất lượng, do đó việc nâng cấp, duy trì bảo dưỡng là rất cấp bách. Từ năm 2007 đến nay, các dự án do Ban quản lý đã duy tu, nâng cấp được 7 hồ chứa với tổng kinh phí trên 350 tỷ đồng. Hiện nay đang thi công nâng cấp hồ chứa Thạch Tiền ở Hưng Nguyên và hồ Đá Mài ở Đô Lương trị giá trên 40 tỷ đồng. Năm 2015, Nghệ An được Dự án WB 5 (vốn Ngân hàng Thế giới) cho vay trên 160 tỷ đồng để nâng cấp hồ đập. Trong năm 2016, Ngân hàng Thế giới tiếp tục cho vay trên 1.100 tỷ đồng để duy tu nâng cấp hệ thống hồ đập giai đoạn 2016 - 2020. Dự án được chia làm 3 giai đoạn, xây dựng nâng cấp đồng bộ 90 hồ đập. Tiêu chí của Ngân hàng Thế giới và nhà tư vấn là đánh giá, rà soát các hồ đập ách yếu, hư hỏng nặng nhất để thi công.

Để chủ động đối phó với tình hình hạn hán trong vụ xuân năm nay, trước vụ gieo cấy, Sở NN & PTNT đã giao cho các địa phương cân đối nguồn nước để gieo cấy lúa; vận động nhân dân chuyển đổi diện tích lúa vùng cao cưỡng sang trồng màu. Trong khi nguồn vốn Nhà nước hạn chế đầu tư công, chưa nâng cấp được nhiều hồ chứa, các địa phương cần huy động sức dân để duy tu, đào đắp sửa chữa các hồ đập nhỏ ách yếu. Tập trung đặt các trạm bơm dã chiến bơm nước “hồi quy” ở khe suối, sông cụt để dành nước lòng hồ cho vụ hè thu.

Văn Trường

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Cần nâng sức chứa nước của hệ thống hồ đập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO