Cần nhân rộng các mô hình hiệu quả

07/04/2012 14:35

(Baonghean) - Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện Tương Dương, qua 3 năm thực hiện đã mang lại hiệu quả, tạo động lực để đồng bào các dân tộc vùng cao này sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giúp các hộ nghèo phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo...

(Baonghean) - Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện Tương Dương, qua 3 năm thực hiện đã mang lại hiệu quả, tạo động lực để đồng bào các dân tộc vùng cao này sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giúp các hộ nghèo phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo...


Sau khi có các văn bản hướng dẫn của cấp trên, ngày 5/3/2009, UBND huyện Tương Dương đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện NQ30a. Định kỳ hàng tháng, BCĐ huyện họp một lần để tổ chức đánh giá công tác triển khai. Huyện đã xây dựng 5 tiểu dự án và phân công chủ tịch, các phó chủ tịch phụ trách. Trên cơ sở các hạng mục được cấp duyệt, BCĐ đã triển khai các mô hình có ưu thế cao trong việc giảm nghèo bền vững, như: mô hình nuôi lợn đen địa phương, nuôi lợn rừng, nuôi nhím, trồng cỏ.




Nguồn vốn 30a hỗ trợ công tác đào tạo nghề ở Tương Dương.

Hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nghề cho học sinh và đồng bào dân tộc, bên cạnh thực hiện NQ30a, việc lồng ghép với các chương trình khác nhau cũng được thực hiện một cách nhanh chóng. Trong đó có chương trình hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh phổ thông, hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông, khuyến lâm.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ địa phương, phục vụ cho công tác triển khai thực hiện NQ30a, huyện Tương Dương đã luân chuyển 6 cán bộ các cấp, ngành về các xã, tuyển dụng 49 trí thức trẻ đến công tác tại các xã đặc biệt khó khăn (trong đó, đã có 19 người chuyển sang làm công chức xã, 1 người chuyển sang dự án làm phó chủ tịch xã, còn 29 người hoạt động tại các xã).


Ngoài việc đẩy nhanh công tác hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở huyện, xã và thôn bản trong 3 năm qua cũng được chú trọng.




Tham quan mô hình nuôi lợn rừng của gia đình anh Trương Văn Chiến ở làng Bãi Sa, xã Tam Quang.

Bên cạnh nguồn vốn được cấp từ ngân sách Trung ương, huyện Tương Dương còn tranh thủ được sự ủng hộ của 3 doanh nghiệp tài trợ với tổng giá trị hơn 47 tỷ đồng. Trong đó, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hỗ trợ 17 tỷ đồng; Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hỗ trợ 26 tỷ đồng xây dựng 8 công trình; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ 4 tỷ đồng.


Tương Dương còn tập trung cho các đề án hỗ trợ làm nhà cho các hộ nghèo. Đến nay, huyện đã xây dựng được trên 2.112 nhà/kế hoạch 2.112 nhà, đạt 100% theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg.


Với những việc đã làm được, tại Tương Dương hiện nay, điều dễ dàng nhận thấy nhất chính là đời sống của nhân dân đã có những thay đổi nhất định, nhất là với các hộ nghèo. Nếu như năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo là 57,4%, thì đến năm 2011 đã giảm xuống còn 48%. Nhiều công trình cơ sở, vật chất, hạ tầng đã được xây dựng, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.


Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng năng lực điều hành một số xã còn yếu, người dân còn thiếu động lực vươn lên thoát nghèo, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Vì thế, hiệu quả đem lại trong quá trình thực hiện NQ30a chưa được như mong muốn.


Đặng Nguyễn

Mới nhất
x
Cần nhân rộng các mô hình hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO