Cần nhân rộng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh
(Baonghean) - Trong lúc nông dân ở nhiều nơi chưa tiếp cận phân hữu cơ vi sinh thì ở huyện Tân Kỳ trong 2 năm nay bà con nông dân đã biết ứng dụng công nghệ sản xuất và sử dụng để bón cho cây trồng rất hiệu quả, không những giảm chi phí đầu tư mà còn mang lại nhiều tác dụng khác.
Hiệu quả của phân hữu cơ vi sinh
Một ngày đầu tháng 12, cùng với ông Nguyễn Thái Tý - Chủ tịch Hội làm vườn xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ), chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Cảnh Tài, xóm Cầu Trôi để xem mô hình hiệu quả của cây trồng nhờ bón phân hữu cơ vi sinh. Ông Tài hồ hởi dẫn chúng tôi ra khu vực vườn đồi rộng gần 1 ha, trong khu vườn đó có rất nhiều cây trồng khác nhau. Đứng trong đám ngô xanh tốt (khoảng 1 sào đất), ông Tài cho biết: Trước đây, mảnh đất này không trồng được cây gì vì cằn cỗi. Vừa rồi tôi được Hội Làm vườn xã, huyện hỗ trợ 2 kg chế phẩm sinh học và các phụ phẩm khác để sản xuất 1 tấn phân vi sinh. Sau khi ứng dụng công nghệ ủ phân thành công, tôi bón toàn bộ 1 tấn phân đó vào mảnh đất cằn này để trồng ngô. Đến nay ngô đã được 1 tháng, phát triển tốt, đất đai tơi xốp, giữ được độ ẩm lâu hơn trước. Sắp tới gia đình tôi sẽ tiếp tục sản xuất phân vi sinh để bón cho các loại cây trồng trong vườn.
Ông Nguyễn Thái Tý, cho biết thêm: Đầu năm 2011, Hội làm vườn huyện hỗ trợ cho 19 hộ ở Kỳ Sơn đầy đủ chế phẩm sinh học và phụ phẩm khác để sản xuất phân hữu cơ vi sinh (mỗi hộ sản xuất 1 tấn sản phẩm). Sau khi các mô hình thực hiện thành công, Hội làm vườn xã đã tổ chức cho các hội viên tham quan, hội thảo để hội viên học tập, mở rộng mô hình. Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh đã có, các hộ chủ yếu bón cho cây ăn quả trong vườn đồi. Những hộ thực hiện mô hình, ai cũng thừa nhận là bón phân hữu cơ vi sinh thì cây trồng phát triển nhanh hơn, độ ẩm trong đất cao hơn. Có một số hội viên đã tự tìm mua chế phẩm sinh học và phụ phẩm, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân vi sinh, vì chi phí thấp hơn nhiều so với mua phân bón trước đây, mà hiệu quả lại cao.
Ông Nguyễn Cảnh Tài (người bên phải) ở xóm Cầu Trôi, xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ), cho biết sau khi bón phân hữu cơ vi sinh thì mảnh đất này mới trồng được ngô.
Ở xóm Quỳnh Lưu, xã Tân An, gia đình anh Đậu Tiến Sỹ có 1 ha đất vườn chuyên trồng mía và cam. Năm 2009, anh được Hội làm vườn huyện chọn làm mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Năm đó anh sản xuất được 6 tấn phân hữu cơ vi sinh, bón cho hàng trăm cây cam và vườn mía. Hiệu quả là mặc dù năm đó hạn hán dài ngày nhưng vườn cam của anh vẫn xanh tốt, quả nhiều, ít sâu bệnh. Từ đó đến nay, năm nào gia đình anh cũng sản xuất gần 10 tấn phân hữu cơ vi sinh, nhờ đó mà các loại cây trồng của anh cho năng suất cao, chi phí đầu tư giảm hẳn.
Cần mở rộng mô hình
Đề tài khoa học” Chế biến phân hữu cơ vi sinh quy mô hộ”, do Sở Khoa học – Công nghệ phối hợp với UBND huyện Tân Kỳ thực hiện mô hình điểm tại xã Tân An từ năm 2009. Sở dĩ chọn Tân An làm mô hình điểm là vì xã này có diện tích cây trồng trên đất màu cạn tương đối lớn: cao su, cam, mía; Người dân Tân An phần lớn là công nhân của Nông trường An Ngãi nghỉ hưu, cho nên có khả năng tiếp cận, ứng dụng nhanh. Tân An có vị trí địa lý thuận lợi để có thể mở rộng ra vùng tả ngạn sông Con. Sau 2 năm triển khai, ông Trần Tử Bá – Hội phó Hội làm vườn huyện Tân Kỳ (người trực tiếp triển khai) khẳng định: Trong 2 năm (2009 và 2010), 100 hộ nông dân tại xã Tân An đã ứng dụng thành công công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Đến nay, việc ứng dụng để sản xuất phân hữu cơ sinh học tại huyện Tân Kỳ đã được bà con nông dân chấp nhận và từng bước nhân rộng. Bằng chứng là thời gian qua, ngoài kinh phí hỗ trợ của đề tài và chủ trương hỗ trợ của UBND huyện, đã có 185 hộ tự bỏ tiền ra mua chế phẩm sinh học tại Hội làm vườn huyện để sản xuất phân hữu cơ vi sinh.
Sau 2 năm thực hiện mô hình tại xã Tân An, có thể rút ra một số cái được, đó là: Đã chuyển giao được cho nông dân kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại hộ; Bảo vệ môi trường từ việc thu gom, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp; Tận dụng được sức lao động nhàn rỗi từ nông dân. Sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng ngoài giảm chi phí đầu tư trong trồng trọt, còn tăng tốc độ phát triển cho cây trồng, giữ ẩm chống hạn, chống sâu bệnh, cho năng suất cây trồng cao và tăng độ phì cho đất.
Chứng minh cho việc giảm chi phí, ông Trần Tử Bá đặt phép tính: Để sản xuất ra 1 tấn phân hữu cơ vi sinh, cần có: 2 kg chế phẩm sinh học = 50.000 đồng + 4 kg mật mía (hoặc rỉ mật) = 50.000 đồng + 2 kg đạm urê = 30.000 đồng + 3 kg kaly = 40.000 đồng + 5 kg phân lân = 25.000 đồng + 5 kg vôi bột = 10.000 đồng + 3 ngày công để ủ phân, đẩu, xới = 300.000 đồng. Như vậy tổng chi phí là 505 nghìn đồng, nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp là nông dân tận dụng. Dựa theo thực tế của huyện Tân Kỳ thì theo ông Bá, để đủ phân bón cho cây trồng thì một năm mỗi hộ phải cần ít nhất 5 tấn phân bón vi sinh. Để sản xuất ra 5 tấn phân hữu cơ vi sinh thì phải chi phí hơn 2,5 triệu đồng. Nhưng nếu nông dân mua 1 tấn phân hữu cơ vi sinh tại Xí nghiệp phân bón hữu cơ vi sinh Kỳ Sơn (Tân Kỳ) là trên dưới 3 triệu đồng. Như vậy, sản xuất phân hữu cơ vi sinh tại hộ giảm được 4/5 chi phí. Lấy con số của xã Tân Hợp (Tân Kỳ) để chứng minh rằng, tổng thu trồng trọt của địa phương này trong một năm là 20 tỷ đồng, nhưng đầu tư cho phân bón 6 tỷ đồng. Nếu được sản xuất phân hữu cơ vi sinh thì chi phí cho phân bón chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Để nhân mô hình ra diện rộng cũng cần phải có sự quan tâm của các cấp, ngành vì hiện tại số hộ nghèo trong nông dân còn cao, nhất là vùng miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng nghĩa với việc khó khăn cho đầu tư chi phí. Do vậy, nếu được Nhà nước hỗ trợ chế phẩm sinh học và các loại phụ phẩm khác thì chắc chắn hộ nông dân nào cũng có thể sản xuất được phân hữu cơ vi sinh. Lúc đó, diện tích và sản lượng các loại cây trồng cũng tăng lên.
Ông Nguyễn Duy Thủy – Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, phấn khởi cho biết: “Sản xuất phân hữu cơ vi sinh là công nghệ đơn giản, người nông dân dễ áp dụng, hiệu quả rõ rệt nên được nông dân đồng tình ủng hộ. Sử dụng phân hữu cơ vi sinh rất phù hợp cho vùng miền núi, vì nó tạo được độ ẩm cho đất, chống hạn cho cây trồng. Để khuyến khích nông dân sản xuất phân hữu cơ vi sinh, thời gian tới, UBND huyện Tân Kỳ có chủ trương mở rộng mô hình ra tất cả 266 xóm, bản của 22 xã trong huyện. Mỗi xóm, bản chọn 2 hộ để thực hiện, mỗi hộ được huyện hỗ trợ chế phẩm sinh học. Mong muốn của Tân Kỳ là hộ nông dân nào cũng có điều kiện để sản xuất phân bón này, nhưng ngân sách của huyện có hạn không thể hỗ trợ cho 100% số hộ được”.
Tỉnh ta diện tích cây trồng màu cạn lớn, nhất là vùng trung du miền núi, hơn nữa vùng nông thôn nào cũng sẵn có phụ phẩm nông nghiệp: rơm rạ, thân cây ngô, đậu,... rất thuận lợi để sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Do vậy, tỉnh cần có chủ trương, chính sách giúp nông dân tiếp cận với công nghệ để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, nhằm giảm chi phí đầu tư trong nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng.
Xuân Hoàng