Cần những biện pháp đồng bộ và quyết liệt

31/07/2012 17:16

(Baonghean) Trong cuộc làm việc mới đây giữa Cục Chăn nuôi và UBND tỉnh Nghệ An, một nhận định đáng lo ngại về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được đưa ra, đó là dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn lan rộng với tốc độ khá nhanh, diễn biến phức tạp.

Điểm phát dịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh là xã Phúc Thành (Yên Thành). Ngay sau khi dịch xảy ra, công tác phòng chống dịch được ngành Thú y và địa phương triển khai kịp thời và quyết liệt. Tuy nhiên, diễn biến dịch không dừng lại mà ngày càng lan rộng. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, đến ngày 29/7, trên địa bàn tỉnh có 3 huyện có ổ dịch bệnh tai xanh chưa qua 21 ngày, với 13 xã có lợn bị bệnh. Số lợn nái và lợn thịt ốm phải tiêu hủy lên đến 704 con, cùng với đó là 652 lợn con theo mẹ cũng bị buộc tiêu hủy. Toàn tỉnh có 3 điểm phải công bố dịch là xã Phúc Thành (Yên Thành), Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) và Thị trấn Dùng (Thanh Chương).



Phun thuốc khử trùng phòng chống dịch lây lan tại chốt kiểm dịch Thanh Chương. Ảnh: Thanh Mai

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - ông Phan Đình Hà cho biết: Dịch tai xanh bùng phát trước hết tại Thị trấn Dùng, ở một gia đình chuyên đi thu mua nước rác các nhà hàng về chăn nuôi lợn. Hiện trên địa bàn huyện có 3 điểm dịch là Thị trấn Dùng, Thanh Hưng và Thanh Đồng. Theo ông Hà, Thanh Chương đã chỉ đạo làm rất tốt công tác phòng chống dịch, nhưng dịch vẫn xảy ra là do nhiều nguyên nhân. Đàn lợn chỉ được tiêm phòng các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng và lở mồm long móng, chỉ có tác dụng hạn chế được một phần nguy cơ mắc bệnh tai xanh. Trong khi đó, lực lượng cán bộ thú y quá “mỏng” đối với một địa phương có địa bàn rộng, ngành chăn nuôi phát triển cũng như số lượng chợ trên địa bàn là rất lớn (gần 50 chợ). Khi có dịch, huyện đã cố gắng làm tốt việc chốt chặn lợn và sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, tuy nhiên, vào ngày 17/7, vẫn phát hiện được 3 xe máy chở thịt lợn từ Vinh lên Thanh Chương tiêu thụ. Theo ông Hà, cần có sự thống nhất về cơ chế hỗ trợ ở các địa phương, đồng thời khi có dịch, phải có được sự quản lý nghiêm ngặt trên địa bàn toàn tỉnh, nếu không, chúng tôi sẽ không thể kiểm soát hết lượng sản phẩm từ lợn ở các địa phương khác vận chuyển đến Thanh Chương theo hình thức nhỏ lẻ.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh năm nay, phải thấy rằng, ngành chức năng cũng như các địa phương đã tích cực và quyết liệt. Ngành chuyên môn và các huyện tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo các trạm kiểm dịch phối hợp với công an, quản lý thị trường ngăn chặn, hạn chế gia súc từ những tỉnh có dịch vào Nghệ An tiêu thụ. Các huyện trọng điểm về chăn nuôi như Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc vào cuộc quyết liệt, tăng cường kiểm tra các điểm tập kết, buôn bán lợn. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch hiện gặp rất nhiều khó khăn. Dịch tai xanh là loại bệnh nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh, cần được giám sát ngay từ đầu. Thế nhưng, giá vắc xin phòng chống dịch tai xanh cao (trên 40.000 đồng/liều), trong khi 1 liều vắc xin lở mồm long móng chỉ 17.000 đồng, người dân đã không tiêm. Thậm chí, nhiều loại vắc xin được Nhà nước hỗ trợ, việc tiêm phòng cũng rất khó khăn do ý thức người chăn nuôi còn thấp. Vì vậy, đàn gia súc hầu như chỉ được tiêm phòng khi có dịch xảy ra và cũng chỉ ở vùng dịch và vùng uy hiếp từ nguồn của nhà nước. Bên cạnh đó, năm nay, những điểm bùng phát đầu tiên của dịch tai xanh hầu như đều tại những địa phương mà các năm trước chưa bị dịch, cho thấy nguyên nhân xảy ra dịch một phần do công tác vận chuyển, giết mổ chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Đến nay, Cục Thú y đã cấp cho Nghệ An 40.000 liều vắc xin khẩn cấp phòng chống dịch tai xanh. Nguồn vắc xin này được phân bổ cho các huyện Yên Thành (13.000 liều), Thanh Chương (8.000 liều) và Quỳnh Lưu (7.000 liều) và hiện trong kho của Chi cục Thú y tỉnh vẫn còn 12.000 liều dự phòng dành sử dụng trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Năm - quyền Cục trưởng Cục Thú y, thì nguồn vắc xin của Cục cũng rất hạn chế, hiện trong kho chỉ còn 80.000 liều, chỉ dành dự phòng khi có dịch xảy ra, không thể đáp ứng hết nhu cầu của các địa phương. Vì vậy, Nghệ An cần huy động thêm nguồn của tỉnh, trong điều kiện khó khăn hiện tại, cũng chỉ nên tiêm ở những nơi có dịch và địa bàn liền kề theo hình thức tiêm từ ngoài vào trong để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Trong điều kiện chăn nuôi như hiện nay, dịch xảy ra là điều khó tránh, nên để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, chúng ta cần có các biện pháp nhằm phát hiện sớm, xử lý tiêu hủy nhanh. Thực tế, vẫn tồn tại tình trạng nhiều cán bộ thú y cơ sở giấu dịch để điều trị, chỉ khi không chữa được mới báo, làm dịch có điều kiện lây lan nhanh trên diện rộng. Năm nay, theo chỉ đạo của ngành Nông nghiệp, lực lượng cán bộ thú y cơ sở phải báo ngay khi có nghi ngờ về dịch bệnh tai xanh. Trong quá trình chờ kết quả, trạm thú y các huyện phải chịu trách nhiệm kê đơn thuốc và hướng dẫn bà con tự chăm sóc để tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Các địa phương tổ chức để người dân cam kết tuyệt đối không bán chạy, không mua lợn ốm làm thịt, không ăn thịt lợn ốm, đồng thời tiến hành thông báo trên hệ thống loa truyền thanh danh sách những hộ có lợn nghi bị bệnh để các hộ chăn nuôi khác không tiếp xúc, tránh lây lan.

Theo khuyến cáo của ngành Thú y, để hạn chế sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh tai xanh, nếu trong vùng có hiện tượng nhiều lợn nái bị sẩy thai, bà con phải báo ngay cho chính quyền để có biện pháp xử lý kịp thời. Bởi đó rất có thể là dấu hiệu của dịch bệnh tai xanh. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường chăm sóc, tiêm phòng các loại vắc xin khác như dịch tả, tụ huyết trùng để giảm nguyên nhân chết kế phát. Trước mắt, theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tài chính và Sở NN&PTNT có trách nhiệm tham mưu, trình UBND tỉnh phương án về nguồn kinh phí mua vắc xin tai xanh dự phòng. Về lâu dài, tỉnh cần có cơ chế, chính sách để chuyển từ chăn nuôi nhỏ sang chăn nuôi có giám sát, chăn nuôi tập trung, mua con giống có nguồn gốc rõ ràng và được ngành Thú y kiểm định.


Phú Hương

Mới nhất
x
Cần những biện pháp đồng bộ và quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO