Cần những mô hình chuyển đổi nghề nghiệp thiết thực, hiệu quả

18/04/2013 19:15

Với việc Tổ máy số 2 phát điện vào cuối tháng 2/2013 vừa qua, có thể nói đến giờ này công trình Thủy điện Hủa Na đã hoàn thành cơ bản. Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm đang được người dân và chính quyền quan tâm, là việc chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống cho người dân...

(Baonghean) - Với việc Tổ máy số 2 phát điện vào cuối tháng 2/2013 vừa qua, có thể nói đến giờ này công trình Thủy điện Hủa Na đã hoàn thành cơ bản. Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm đang được người dân và chính quyền quan tâm, là việc chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống cho người dân...

Ông Trịnh Đình Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết: Dự án Thủy điện Hủa Na có 13 điểm tái định cư tại 3 xã. Theo kế hoạch, dự án sẽ có một đề án tổng thể về chuyển đổi nghề nghiệp, mỗi điểm tái định cư sẽ có một “tiểu đề án” hỗ trợ sản xuất nông – lâm nghiệp cụ thể để ổn định cuộc sống cho bà con. Tại Piêng Cu, xã Tiền Phong, điểm tái định cư đầu tiên của dự án thủy điện, người dân về đây ở đã sang năm thứ 3, theo lộ trình tháng 3/2012, huyện Quế Phong đã có quyết định phê duyệt đề án hỗ trợ sản xuất cho điểm tái định cư Piêng Cu giai đoạn 2012-2. Tiếp đó, vào tháng 8/2012, UBND huyện phê duyệt dự toán kinh phí hỗ trợ sản xuất Nông – Lâm năm 2012, mục đích làm điểm trước khi triển khai ra các điểm khác. Kinh phí để thực hiện đề án này ban đầu khoảng 3,33 tỷ đồng để tiến hành các hạng mục cơ bản như tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mua giống con, cây giống, hỗ trợ vật tư…

Dù chỉ là điểm tái định cư đầu tiên, nhưng do chủ đầu tư là Công ty CP Thuỷ điện Hủa Na chưa chuyển kinh phí hỗ trợ nên không chỉ Piêng Cu mà điểm khác cũng chưa triển khai được. Sau nhiều lần chờ đợi, kiến nghị không được, người dân tái định cư và lãnh đạo huyện Quế Phong đã gặp gỡ, trao đổi với chủ đầu tư, đồng thời kiến nghị với tỉnh, nhưng chưa có kết quả.



Ông Lô Văn Din, bản Hủa Na 2 làm chuồng nuôi gà.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, không chỉ nợ dân kinh phí hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp, còn một số lượng không nhỏ kinh phí đền bù nhà đầu tư chưa chuyển trả hết cho dân. Theo quy định, sau khi di dời dân đến nơi ở mới, ngoài đất ở và đất vườn, mỗi nhân khẩu sản xuất nông nghiệp được giao ít nhất 200 m2 đất ruộng nước và 3 ha đất lâm nghiệp trở lên mỗi hộ. Nhưng đến thời điểm này, ngoại trừ điểm tái định cư Piêng Cu đã được giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp để sản xuất thì các điểm còn lại người dân vẫn chưa có đất để sản xuất?!

Hàng ngày, người dân không có việc làm, chủ yếu trông chờ vào gạo cứu trợ ổn định cuộc sống mỗi tháng 30kg/khẩu (trong 4 năm) và tiền đền bù trước đây. Trên thực tế, để có tiền trang trải cho cuộc sống, người dân vẫn phải vào nơi ở cũ tìm và khai thác lâm sản, một số khác dù chưa được giao đất nhưng tranh thủ phát nương, làm rẫy gieo trồng ven vùng tái định cư. Giống cây và con chăn nuôi, chủ yếu do người dân mang giống con từ nơi ở cũ ra.



Trang trại ở Khu tái định cư Đồng Văn chưa có con giống để nuôi.

Một đại diện lãnh đạo huyện Quế Phong cho biết: Thực ra, trên địa bàn xã Tiền Phong, Đồng Văn (nơi có dân tái định cư Thủy điện Hủa Na đến) có một số mô hình doanh nghiệp tổ chức làm tăm hương, thu hút lao động và sử dụng nguyên liệu địa phương (cây lùng, nứa), nhưng quy mô quá nhỏ, sử dụng quá ít lao động. Một hướng mới mà huyện đang khuyến khích người dân mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ, mọi sự mới chỉ bắt đầu.

Điều đáng lo nhất, là do dân chưa có đất sản xuất và nghề nghiệp để làm ăn, ổn định cuộc sống nên về lâu dài sẽ phát sinh phức tạp về mặt an ninh, trật tự xã hội. Nếu tình trạng này kéo dài, chỉ cần vài năm nữa, tái nghèo sẽ diễn ra kéo theo nhiều hệ lụy khác. Thống kê của ngành Y tế huyện, từ địa bàn khá sạch về ma túy, đến nay, cùng với Tiền Phong, Thông Thụ, Đồng Văn là những xã có diễn biến phức tạp nhất về tệ nạn xã hội, số người nghiện hút và nhiễm HIV tăng nhanh trong vài năm lại đây.

Tại cuộc làm việc mới đây với đoàn giám sát của HĐND tỉnh, lãnh đạo huyện Quế Phong đề xuất với tỉnh. Yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn trả đầy đủ kinh phí đền bù, hỗ trợ theo quy định và tổ chức giao đất sản xuất, đất rừng cho người dân, chính quyền các cấp cũng nên quyết liệt và sâu sát hơn trong việc chỉ đạo, tìm mô hình chuyển đổi nghề nghiệp làm ăn cho nhân dân.

Một cán bộ từng làm công tác di dời, tái định cư cho một số dự án đầu tư trên địa bàn huyện tâm sự: Để ổn định cuộc sống, người dân tái định cư, vấn đề không chỉ là lo cái ăn cái ở cho đồng bào mà quan trọng nhất là định hướng, mở lối cho người dân làm ăn. Nếu không có việc làm, trong khi người dân cùng một lúc nhận được rất nhiều tiền thì rất đáng lo ngại?

Đa phần người dân ở đây còn tâm lý trông chờ, ỷ lại. Một số hộ tái định cư tự nguyện của Thủy điện Hủa Na khi có chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm thì không đi học theo kế hoạch mà xin nhận tiền để dùng vào việc khác, sau đó quay lại gây áp lực với chính quyền là không thể chấp nhận.

Giải pháp cho vấn đề này là cùng với việc khẩn trương giao đất sản xuất cho người dân, phải cung cấp ngay con và cây giống, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con. Có như vậy, các đề án, kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ sản xuất cho bà con tái định cư mới mang lại hiệu quả, thiết thực!


Bài, ảnh: Nguyễn Hải

Mới nhất
x
Cần những mô hình chuyển đổi nghề nghiệp thiết thực, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO