Cần nơi neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền

01/03/2015 09:10

(Baonghean) - Đầu năm mới 2015 này, ngư dân vùng biển Lạch Cờn (TX. Hoàng Mai) vẫn “nuôi” hy vọng cũ là có một nơi neo đậu, tránh trú tàu thuyền. Bởi trong những năm qua, việc di chuyển sang đất Tĩnh Gia (Thanh Hóa) tìm nơi neo đậu, tránh trú cho tàu thuyền mỗi khi có giông bão đang là nỗi lo âu...

Trên con tàu công suất 720 CV chứa đầy những thùng cá cơm tươi với hàng chục ngư dân đang hối hả bốc dỡ, chuyển hàng cho thương lái, chủ tàu, anh Nguyễn Văn Tùng, xóm Đồng Lực, xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) cho biết: Với 24 tấn cá cơm, sau khi bán, tổng thu được khoảng 240.000.000 đồng. Đây là chuyến đi có lãi chút ít. Theo anh, nghề cá vất vả, đầu tư lớn, chi phí nhiều, có không ít rủi ro xẩy đến bất chợt nên với chuyến ra ngư trường như vậy, được xem là thành công. Tuy nhiên, anh Tùng cũng như nhiều ngư dân vẫn còn nhiều lo âu, nhất là khó khăn trong tìm nơi neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền mỗi khi bão về.

Tàu cá của ngư dân xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu) trên cửa biển Lạch Cờn.
Tàu cá của ngư dân xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu) trên cửa biển Lạch Cờn.

Đến nay, ở vùng Lạch Cờn - nơi có cả nghìn tàu, thuyền lớn bé của ngư dân 2 xã Quỳnh Lập, Quỳnh Phương - chưa có nơi neo đậu tránh trú bão. Mỗi khi có bão, nếu là tàu đang ở ngư trường thì tìm cách tránh trú gần khu vực đó, còn nếu đã về đến vùng biển quê nhà thì phải kéo ra vùng tránh trú bão của xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia thuộc tỉnh Thanh Hóa. Như năm vừa qua, khi bão về thì cũng đúng lúc phần lớn tàu ghé về Lạch Cờn xuống hàng; mọi người hối hả chuyển cá cho thương lái, dỡ xong hàng lại rồng rắn kéo ngược ra xã Hải Thanh tránh bão. "Mỗi lần như vậy, tôi mất trên 200 lít dầu đi lại, cùng tiền ăn nghỉ cho anh em trông coi tàu và các phụ phí khác, tổng cộng mất khoảng 10 triệu đồng. Ở Quỳnh Lập có trên 200 tàu và xã Quỳnh Phương khoảng 500 tàu. Tính ra mỗi lần bão đến, chỉ riêng ngư dân bên Quỳnh Lập đã mất trên dưới 2 tỷ đồng. Mà mỗi năm đâu chỉ có một lần tránh bão...", anh Nguyễn Văn Tùng nhẩm tính.

Mất kinh phí do đi tìm nơi tránh trú bão đã là một vấn đề, nhưng rủi ro trong quá trình di chuyển tránh trú bão còn đáng lo ngại hơn. Theo Chủ tịch Hội Nông dân, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề cá xã Quỳnh Lập, anh Nguyễn Văn Nho, từ năm 2013 – 2014, ngư dân trên địa bàn thị xã có ba tai nạn nghiêm trọng trên đường tìm nơi tránh trú bão. Đó là vụ tai nạn xảy ra với tàu cá, công suất 560 CV của anh Nguyễn Quốc Hà, xóm Đồng Tiến vào tháng 9/2013. Khi có bão, anh đã đưa thuyền tránh trú tại xã Hải Thanh (Tĩnh Gia - Thanh Hóa). Trên đường vào bến neo đậu, tàu của anh Hà đã quệt vào hệ thống dây truyền tải điện, dây điện rơi xuống tàu gây nổ bình ắc quy, cháy máy tàu. Dù may mắn là không có tai nạn về người nhưng sau đó hệ thống đường dây điện bị hỏng, anh Nguyễn Quốc Hà buộc phải chịu mọi trách nhiệm để khắc phục sự cố.

Thời điểm đó, UBND Thị xã Hoàng Mai cùng cán bộ xã Quỳnh Lập đã ra Tĩnh Gia, đề nghị chính quyền và ngành Điện lực giúp đỡ nên sự cố được khắc phục, nhưng chi phí mà anh Hà phải bỏ ra trên 60 triệu đồng. Còn trong năm 2014, tàu cá của ông Lê Đức Quế cũng ở xóm Đồng Tiến, tránh bão tại đảo Bạch Long Vỹ đã va phải bãi đá ngầm. Tàu mới đóng trong năm 2014, ra ngư trường hai chuyến thì gặp nạn, hư hỏng nặng nề, sau khi bão tan, ông Quế đã phải thuê tàu kéo về sửa chữa hàng trăm triệu đồng. Cũng trong năm, tàu của ông Đoàn Bình, mới đóng được 3 tháng, trên đường tránh bão ở Hải Thanh (Tĩnh Gia - Thanh Hóa) về thì va phải bãi đá ngầm. Khi tàu bị nạn, do sóng biển quá lớn đã đánh vỡ toàn bộ tàu, chỉ vớt được hệ thống máy, thiệt hại của ông Đoàn Bình lên tới 1 tỷ 700 triệu đồng.

Ở xã Quỳnh Lập và Quỳnh Phương, người dân sống chủ yếu nhờ nghề khai thác hải sản. Cùng với các nguồn vốn từ ngân hàng, ngư dân cùng nhau góp vốn mua mới, đóng mới tàu cá, thay thế các phương tiện nhỏ trước đây để vươn khơi khai thác hải sản. Nếu như trước đây tàu cá của ngư dân Quỳnh Lập chỉ khoảng trên 50 chiếc với công suất từ 20 CV - 90 CV thì nay đội tàu đã lên tới 213 chiếc, trong đó có 28 tàu công suất từ 165 CV đến 300 CV; 61 tàu công suất từ 300 – 400 CV; 57 tàu công suất từ 400 CV trở lên. Ở thị xã có những tàu lớn với công suất trên 1.000 CV, có trị giá nhiều tỷ đồng, đảm bảo khai thác dài ngày trên biển. Với đội ngũ tàu như vậy, ngư trường khai thác của ngư dân trải rộng từ khu vực vùng biển miền Trung đến quần đảo Hoàng Sa, đảo Bạch Long Vỹ và cả vùng đánh cá chung với ngư dân Trung Quốc.

Cũng vì đầu tư nhiều kinh phí cho tàu cá nên ngư dân càng ý thức hạn chế các rủi ro có thể xảy ra. Đến nay, Hiệp hội nghề cá Quỳnh Lập đã kiện toàn 20 tổ hợp tác khai thác thủy sản; 100% phương tiện được trang bị máy ECOM liên lạc đường dài, chủ động thông tin liên lạc về luồng cá cũng như kịp thời ứng phó khi có thông tin có tàu gặp nạn. Nếu có thông tin cấp cứu thì các tàu cá ở gần phải có trách nhiệm hợp tác, kịp thời ứng cứu... "Dẫu vậy, mỗi khi bão về là mỗi lần ngư dân rất khổ. Mới đây, khi tổng kết công tác Hội Nông dân thị xã, chúng tôi đã kiến nghị chính quyền thị xã báo cáo lên cấp trên để đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân..." - anh Nguyễn Văn Nho, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Quỳnh Lập cho biết.

Theo tìm hiểu, từ ngày 21/9/2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4269/QĐ.UBND-NN, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Lạch Cờn, dọc sông Hoàng Mai và xây kè bảo vệ ở Quỳnh Dị, Quỳnh Phương. Tổng kinh phí thực hiện trên 95 tỷ đồng. Đến ngày 26/3/2012, xét đề nghị của chủ đầu tư là UBND huyện Quỳnh Lưu, UBND tỉnh đã có Quyết định số 879/QĐ.UBND-NN phê duyệt điều chỉnh (giai đoạn 1) dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Lạch Cờn. Ngoài những giải pháp, quyết định còn bổ sung xây dựng thêm hệ thống phao báo hiệu, cột báo hiệu và biển báo hiệu khoang thông thuyền với tổng kinh phí thực hiện trên 118 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước theo Chương trình xây dựng cơ sở tránh trú bão tại Quyết định số 288/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiến độ thực hiện dự kiến trong 24 tháng kể từ ngày khởi công. Khu neo đậu tránh trú bão ở Lạch Cờn dự kiến đảm bảo cho khoảng 600 tàu ra vào tránh trú bão, hạn chế thiệt hại thiên tai gây ra. Dẫu vậy, theo ông Trần Minh Chiểu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập, cho đến thời điểm hiện tại, dự án đầu tư khu neo đậu tránh trú bão Lạch Cờn chưa khởi động, trong khi Đảng ủy, chính quyền và nhất là ngư dân Quỳnh Lập vẫn luôn mong chờ có nơi tránh, trú bão cho tàu mỗi khi bão đến.

Ông Chiểu ưu tư: "Mỗi năm thường có chừng 5 - 6 cơn bão, mỗi lần như vậy ngư dân mất khoảng 2 - 3 tỷ đồng, đó là chưa kể thiệt hại của các xã khác. Chúng tôi cùng ngư dân kiến nghị lên cấp trên nhiều lần rồi. Mới đây, trong dịp tổng kết công tác quốc phòng, an ninh năm 2014 của xã, ngư dân lại tiếp tục có ý kiến đề nghị xã kiến nghị lên cấp trên. Chúng tôi cũng đề nghị lên Thị ủy, UBND thị xã vào cuộc quyết liệt hơn, góp phần giảm thiểu việc mất an toàn cũng như thiệt hại cho ngư dân mỗi khi giông bão về".

Thấu hiểu niềm mong mỏi của cán bộ và ngư dân khu vực biển Lạch Cờn, Ông Lê Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hoàng Mai, chia sẻ: "Trong những cuộc họp, chúng tôi thường đem vấn đề xây dựng khu tránh trú bão Lạch Cờn ra bàn, tuy nhiên, trong khó khăn chung, để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng là điều không đơn giản. Trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị cấp trên xem xét để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân...". Thực tế, Nhà nước đã đầu tư rất lớn để xây dựng hạ tầng nghề cá, đảm bảo cho ngư dân an tâm vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, trong khó khăn chung của nền kinh tế, việc đầu tư cùng một lúc cho tất cả các hạng mục ở nhiều địa phương là một điều thực sự khó khăn. Chung sức, chung lòng để vượt qua khó khăn là điều rất cần trong thời điểm hiện tại. Dẫu vậy, vẫn mong muốn dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Lạch Cờn sớm được triển khai...

Bài, ảnh: Nhật Lân

Mới nhất
x
Cần nơi neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO