Cần phát hiện sớm các dấu hiệu trẻ tự kỷ
(Baonghean,vn) – “ Chiến lược phát triển các kỷ năng cho trẻ tự kỷ và trẻ chuyên biệt” là chủ đề một cuộc hội thảo vừa được tổ chức sáng nay (2/1) tại thành phố Vinh với sự tham gia của các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP Hồ Chí Minh và các chuyên gia về trẻ tự kỷ.
Xuất phát từ những khó khăn trong quá trình giảng dạy cho trẻ tự kỷ, trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ và học tập, trường Mầm non chuyên biệt Biển Dương đã phối hợp cùng chuyên gia tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ thông tin nghiên cứu khoa học mới nhất về vấn đề này.
Bác sỹ Phạm Ngọc Thanh - Nguyên Trưởng khoa Tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng 1 tư vấn về cách phát hiện dấu hiệu tự kỷ |
Chứng tự kỷ khá phổ biến ở trẻ em nhưng việc chẩn đoán và điều trị còn chưa phổ cập. Tại hội thảo, dưới hình thức trao đổi, nhiều kiến thức để giúp phụ huynh phát hiện sớm các dấu hiệu tự kỷ, nhất là ở thời điểm “vàng” từ 18 tháng đến 24 tháng tuổi, cách dạy cho bé tự kỷ chưa có ngôn ngữ đến có ngôn ngữ, cách xử lý những vi khó khăn, các hành vi bùng nổ và những khó khăn trong quá trình học tập ở bậc tiểu học đã được chia sẻ.
Một trong những vấn đề quan trọng trong việc giáo dục trẻ tự kỷ được bác sỹ Phạm Ngọc Thanh - Nguyên Trưởng khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng 1- TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh đó là cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ sở y tế, gia đình và nhà trường. Việc phát hiện trẻ có bị tự kỷ hay không có thể được phát hiện sớm từ những triệu chứng hành vi như không quan tâm đến các trẻ khác đang chơi, có vẻ hằn học với anh chị em, ngồi gào khóc một mình thay vì gọi mẹ hay không để ý lúc cha mẹ đi hay cha mẹ về nhà, không phản ứng mạnh khi được cha mẹ bồng, ôm hôn hay không giơ tay đòi bế ra khỏi nôi khi có người đến bế. /.
An Nhân