Cần phát huy hiệu quả hệ thống truyền thanh

(Baonghean) - Nhằm phổ biến những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, những năm qua công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Trong đó, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở của các xã, phường, thị trấn là một trong những hình thức được chú trọng. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả của hình thức này, cần quan tâm giải quyết một số khó khăn.

Vai trò của truyền thanh

Cũng như mọi ngày, cứ đầu sáng sớm, sau một chương trình ca nhạc với những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, đúng 5h30 người dân xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) lại được nghe giọng đọc quen thuộc của phát thanh viên Văn Tuấn (Đài Truyền thanh xã). Một sáng, sau khi đọc bài báo “Huy động sức dân ở Tào Sơn” nói về cách triển khai xây dựng nông thôn mới tại xã Tào Sơn (Anh Sơn) được đăng tải trên báo Nghệ An, phát thanh viên Văn Tuấn tiếp tục tuyên truyền về các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách dân số, về Luật Bảo vệ môi trường… 6h kém 15 chương trình phát thanh kết thúc, cũng là lúc bà con í ới gọi nhau ra đồng.

Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tâm, xóm 7 phấn khởi cho hay: “Với nhà nông chúng tôi, truyền thanh xã là nơi để bà con biết được các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người nông dân, để từ đó mà làm theo. Cùng tâm trạng, ông Trần Văn Hùng, xóm 8 cho biết: Nông dân không có điều kiện đọc sách, báo, lại bận việc mùa vụ, nên thông qua đài truyền thanh của xã phát hằng ngày, chúng tôi đã cập nhật được thông tin thời sự, tiếp thu được chủ trương của Đảng, Nhà nước. Cũng nhờ có chiếc loa truyền thanh mà bà con được nghe những câu chuyện pháp luật, nêu cao tinh thần cảnh giác đối với những hành vi thủ đoạn lừa đảo như mua hàng có khuyến mãi, xuất khẩu lao động chui… mà trước đây một số người thường mắc phải dẫn đến tiền mất tật mang”.

Được biết, là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng xác định được tác dụng to lớn của hệ thống truyền thanh trong tuyên truyền chủ trương, chính sách và pháp luật nên đến nay 14/14 xóm trên địa bàn xã có cụm loa truyền thanh.

Phát thanh viên Lê Thị Thuý Vân (Đài Truyền thanh phường Thu Thủy, TX. Cửa Lò) đọc văn bản tuyên truyền pháp luật.

Không riêng gì xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn), từ xác định hiệu quả của truyền thanh cơ sở trong việc tuyên truyền pháp luật, phường Thu Thuỷ (TX Cửa Lò) cũng đã đầu tư đồng bộ hệ thống loa máy cho 6/6 khối. Bà Lê Thị Thuý Vân, cán bộ Tư pháp phường Thu Thuỷ cho biết: So với các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật khác thì, truyền thanh cơ sở là một trong những hình thức đưa các văn bản pháp luật đến được với người dân nhanh nhất. Từ việc lấy ý kiến nhân dân cho việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tới việc biểu dương, khen ngợi các cá nhân, tập thể trong việc phát triển kinh tế, làm giàu. Qua đây đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân từ tư tưởng, nhận thức đến hành động, từ đó thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thuý - Trưởng phòng tuyên truyền PBGDPL (Sở Tư pháp) cho biết: Đối với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật thì hệ thống truyền thanh cơ sở được xem là công cụ hữu hiệu, đóng vai trò cầu nối quan trọng để kịp thời đưa các thông tin, văn bản pháp luật đến với người dân. Qua khảo sát hiệu quả của các hình thức tuyên truyền PBGDPL thì truyền thanh cơ sở chiếm 70%.

Cần sớm giải quyết những khó khăn

Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 445/480 xã, phường, thị trấn có Đài truyền thanh (chiếm 92,7%). Tuy nhiên, trong số đó có tới 150 đài đã hư hỏng hoàn toàn, 200 đài đã xuống cấp, hoạt động không ổn định. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác này chủ yếu kiêm nhiệm, với mức phụ cấp thấp… là những khó khăn ảnh hưởng đến công tác truyền thanh cơ sở.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, công an viên kiêm phát thanh viên Đài Truyền thanh xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) cho biết: Là xã miền núi, dân cư sống phân tán, mùa mưa thường xảy ra sấm sét nên không những khó khăn đối với người làm công tác truyền thanh, mà còn khó khăn cho việc thực hiện các chương trình phát sóng. Trong khi đó, với mức phụ cấp kiêm nhiệm như tôi hàng tháng chỉ được nhận 315.000 đồng. Ông Võ Văn Hải, Trưởng phòng Văn hoá huyện Thanh Chương cũng cho rằng: Với mức phụ cấp hiện nay là quá thấp nên rất khó để phát huy hiệu suất làm việc của cán bộ đài phát thanh cơ sở. Chưa nói đến, phần đa cán bộ làm công việc này còn mang tính kiêm nhiệm, công tác đào tạo chưa bài bản, trên địa bàn huyện Thanh Chương có đến 8/40 đài đã bị hỏng… nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hữu Dung - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng: Để hệ thống đài truyền thanh cơ sở thực sự là công cụ tuyên truyền, là cầu nối đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân ở cơ sở, rất cần sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền trong việc tạo điều kiện về kinh phí, thời gian để cán bộ Tư pháp và cán bộ Văn hoá phối kết hợp xây dựng kế hoạch tuyên truyền thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó cần xác định thời gian tuyên truyền vào thời điểm phù hợp với tập quán sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân địa phương.

Cùng với đó, cần quan tâm bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm, loa truyền thanh cơ sở; có chính sách hỗ trợ tương xứng đối với đội ngũ làm công tác truyền thanh, có như vậy đội ngũ này mới thực sự trở thành “chân rết” đưa thông tin pháp luật đến với mọi người dân, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Theo Quyết định số 10/2008/QĐ-UBND ngày 18/1/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh, ngân sách xã chi cho hoạt động thường xuyên của Đài với mức thấp nhất: 250.000 đồng/đài/tháng; Chế độ phụ cấp cho cán bộ phụ trách Đài là 203.000 đồng/người/tháng; Trường hợp cán bộ của Đài có các hoạt động kiêm nhiệm khác thì mức chế độ được hưởng 50% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm.

Bài, ảnh: Đặng Nguyễn

tin mới

Bắt cóc trẻ em bị xử lý như thế nào?

Bắt cóc trẻ em bị xử lý như thế nào?

(Baonghean.vn) - Chị Nguyễn Thị V. ở huyện Tân Kỳ hỏi, thời gian gần đây, tôi có đọc thông tin về một số vụ việc bắt cóc trẻ em trên báo chí. Vậy hành vi bắt cóc trẻ em theo quy định của pháp luật bị xử lý như thế nào?

Bất lực trước 'sim rác'?

Bất lực trước 'sim rác'?

(Baonghean.vn) - Mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn "sim rác". Tuy nhiên, trên thực tế "sim rác" vẫn hoành hành, gây phiền phức cho người dân và khó khăn trong công tác quản lý. 

Va chạm xe máy, 2 học sinh tử vong

Va chạm xe máy, 2 học sinh tử vong

(Baonghean.vn) - Sáng 21/9, Công an xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai ) thông tin trên địa bàn vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 2 học sinh tử vong và 3 em bị thương nặng.

Lò ngói '3 không' mọc lên hàng loạt ở Tân Kỳ

Lò ngói '3 không' mọc lên hàng loạt ở Tân Kỳ

(Baonghean.vn) -Sau khi xoá bỏ lò gạch, ngói thủ công, những tưởng trật tự xây dựng, quy hoạch cơ sở sản xuất tại xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) sẽ được lập lại. Thế nhưng, "cái sảy nảy cái ung" nhiều hộ gia đình lại “hùa” nhau xây dựng các cơ sở sản xuất ngói màu không nung một cách trái phép.

Vụ ‘đất tặc’ trên lòng đập Hổng Cốc: Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị huyện Nam Đàn kiểm tra, báo cáo trước ngày 26/9

Vụ ‘đất tặc’ trên lòng đập Hổng Cốc: Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị huyện Nam Đàn kiểm tra, báo cáo trước ngày 26/9

(Baonghean.vn) - Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị huyện Nam Đàn kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.

Bàn giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Bàn giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp

(Baonghean.vn) -Để chuẩn bị đón đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4, chiều 20/9, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (viết tắt là IUU). Cuộc họp do đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.