Cần quan tâm chuyện "đầu ra"

05/05/2014 17:29

(Baonghean) - Cách đây ít năm tại một cuộc thi sắc đẹp của đất nước Nhật, có một thí sinh khi được hỏi tự hào về điều gì nhất ở đất nước mình, cô gái đã rất tự tin khi nói rằng: Đó chính là các công trình vệ sinh công cộng. Trong nhận thức của nhiều người xứ ta, nói đến nhà vệ sinh là dường như khiến họ nghĩ đến một thứ gì đó mất vệ sinh, khiếm nhã và bất lịch sự. 

(Baonghean) - Cách đây ít năm tại một cuộc thi sắc đẹp của đất nước Nhật, có một thí sinh khi được hỏi tự hào về điều gì nhất ở đất nước mình, cô gái đã rất tự tin khi nói rằng: Đó chính là các công trình vệ sinh công cộng. Trong nhận thức của nhiều người xứ ta, nói đến nhà vệ sinh là dường như khiến họ nghĩ đến một thứ gì đó mất vệ sinh, khiếm nhã và bất lịch sự.

Ấy là vì ở ta chưa có công trình vệ sinh công cộng nào đáp ứng được yếu tố vệ sinh, môi trường và cũng chưa có cái “toa lét” nào được đầu tư xây dựng đủ quy chuẩn và thẩm mỹ. Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới công trình vệ sinh công cộng là một trong những yếu tố thể hiện nền văn hóa, văn minh.

Công trình vệ sinh công cộng trong khuôn viên cửa hàng xăng dầu tại tỉnh Noọng Khai – Thái Lan.
Công trình vệ sinh công cộng trong khuôn viên cửa hàng xăng dầu tại tỉnh Noọng Khai – Thái Lan.

Con người sinh sống, lao động, học tập với những tính cách, trạng thái tâm lý, tình cảm khác nhau. Tùy theo từng thời điểm nhưng ai cũng phải trải qua những “hỷ - nộ - ái - ố” khác nhau. Nhưng cái chuyện “đầu ra” thì không một người bình thường nào tự cho rằng mình kiềm chế được. Ấy vậy mà hiện nay vẫn tồn tại quan niệm: “Đầu vào là chính, đầu ra là phụ”. Suy nghĩ này không chỉ trở thành thói quen cố hữu của người dân mà cả trong tư duy của các nhà quản lý đô thị, du lịch và vệ sinh môi trường. Chẳng thế mà đi khắp Thành phố Vinh sẽ chẳng thể tìm nổi một công trình vệ sinh công cộng để giải quyết cái nỗi buồn khổ, bức bách của con người. Thực ra trước đây Vinh từng có một số nhà vệ sinh phục vụ người đi đường, khách tham quan và nhu cầu công cộng nói chung. Tuy nhiên, không hiểu sao tất cả đều biến mất dần. Ở khu vực nhà C7 - Chung cư Quang Trung (đối diện với vườn hoa Công viên cây xanh Cửa Bắc) từng có một công trình vệ sinh công cộng nhưng hơn 10 năm nay nó đã bị trưng dụng và biến thành ki - ốt vẽ quảng cáo, rồi kinh doanh của cá nhân. Chẳng biết cái sự lời lãi của hộ kinh doanh cao đến mức nào, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều người đến Vinh phải bụm quần, vạch áo “khoan cắt bê tông” dưới gốc cây, bên lề đường.

Cái chuyện đô thị Vinh không có công trình vệ sinh công cộng nào khiến rất nhiều người bức xúc. Anh Đặng Văn Quyết, ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương kể câu chuyện cười chảy nước mắt. Vào một ngày đầu năm đẹp trời, anh cùng vợ con đánh đường từ quê đến Vinh tham quan ngắm cảnh. Khi đang vui thú dạo phố phường thì “nỗi buồn” không ai mong muốn tìm đến anh. Đi hết đường này đến phố nọ chẳng biết “thổ lộ” vào đâu, chân hết co rồi duỗi, người hết vặn bên này vẹo bên kia. Phút thông minh đột xuất, chị vợ anh chợt nghĩ đến Bến xe Vinh. Vậy là phóng xe như điên. Của đáng tội, trong một ngày kém may mắn anh bị cảnh sát giao thông tuýt còi, xử phạt vì lỗi vượt đèn đỏ. Mặt cắt không còn giọt máu, anh sợ đến nỗi quên mất cái khoản “đi sau”. Chẳng biết giải thích thế nào, đành phải để cho cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt, giữ giấy tờ xe, may mà không bị giữ xe nên còn có phương tiện mà chở vợ con về nhà. Khi kể câu chuyện này, anh vẫn hồn nhiên “Đến dừ vẫn thấy vừa “cức” vừa tức cười”.

Đây chỉ là một trong không biết bao nhiêu câu chuyện đã và đang diễn ra ở thành phố đô thị loại I - trung tâm kinh tế - văn hóa của khu vực Bắc miền Trung trong tương lai gần. Phải lúc nào đó các vị lãnh đạo đô thị rơi vào tình cảnh tương tự thì mới thấy được mức độ quan trọng của vấn đề “đầu ra”. Có vẻ như cuộc sống ngày càng hiện đại, càng phát triển, nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng thì cái tư duy về “đầu ra” càng tụt hậu.

Công trình Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên đỉnh Dũng Quyết được xây dựng từ năm 2005 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2008. Đền to là thế, đẹp là thế, thu hút rất đông du khách đến chiêm bái, thưởng ngoạn, chỉ có điều mãi đến tận thời điểm này (tháng 3/2014) hạng mục nhà vệ sinh mới được đầu tư xây dựng. Cả một thời gian dài du khách nào ‘buồn” thì lẩn vào một bụi cây nào đó và “thênh thang cùng thiên nhiên”.

So sánh một chút với Thái Lan. Ở một số tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan, cho dù đời sống của họ thuộc vùng trũng của xứ sở Chùa Tháp, nhưng công trình vệ sinh công cộng thì không chê vào đâu được. Trên quốc lộ, cứ cách khoảng năm, bảy mươi cây số lại có một cây xăng ven đường. Đó không chỉ là điểm đổ xăng thông thường như xứ ta, mà thực sự là hệ thống công trình vệ sinh rất văn minh. Trong khuôn viên cây xanh có siêu thị mini, có khuôn viên nghỉ ngơi, tiệm cà phê và nhất là có nhà vệ sinh vô cùng sạch sẽ. Cái “toa-lét” được thiết kế, trang trí rất tinh tế ai vào một lần không thể quên. Nói đến điều này lại nhớ đến xứ ta với hình ảnh rất “thiên nhiên”, đó là thi thoảng bên đường lại dừng một chuyến xe khách, nam thanh, ông già ào xuống vệ đường nhấp nhô ngồi đứng. Còn những nữ tú, bà lão kín đáo hơn nhưng cũng bắt buộc phải thụp xuống đâu đó. Tất cả vẫn nghĩ: Ai nhớ được mặt mình giữa muôn nẻo đường đời. Và đã thành một thói quen khó bỏ.

Trở lại với Thành phố Vinh – đô thị loại 1, trung tâm vùng Bắc miền Trung, ông Nguyễn Trung Châu – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh thừa nhận rằng, việc cho đến thời điểm này Vinh chưa xây dựng được một công trình vệ sinh công cộng nào là một thực tế đáng buồn. Trong bối cảnh xã hội càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao thì chuyện cái “nhà cầu” ở đô thị không còn là chuyện nhỏ. Nó thể hiện trình độ dân trí, văn minh của một đô thị. Chính vì vậy, lãnh đạo Thành phố Vinh cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp đáp ứng nhu cầu tối thiểu, thiết yếu của con người.

Bài, ảnh: Đào Tuấn

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Cần quan tâm chuyện "đầu ra"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO