Cần quan tâm đúng mức đội ngũ trí thức KHCN

27/05/2014 22:22

(Baonghean) - Nghệ An được xem là miền “đất học”, sản sinh ra nhiều thế hệ tài năng, nhiều nhà khoa học tên tuổi trên mọi lĩnh vực cho đất nước, như: Tạ Quang Bửu, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Tài Cẩn… và thế hệ lớp trẻ kế cận làm khoa học cũng chiếm tỷ lệ khá lớn so với cả nước. Nhưng đến nay, tỉnh vẫn nằm trong top những tỉnh nghèo. Trong đó, khoa học công nghệ được xem là chìa khóa của sự phát triển lại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Các nhà khoa học, quản lý khoa học tiêu biểu được UBND tỉnh biểu dương nhân Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam (18/5).
Các nhà khoa học, quản lý khoa học tiêu biểu được UBND tỉnh biểu dương nhân Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam (18/5).

Phát triển đội ngũ làm khoa học gắn với thực tiễn phát triển KT-XH

Nghệ An là tỉnh có lợi thế lớn về nguồn nhân lực khoa học công nghệ cũng như cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển khoa học và công nghệ. Từ kết quả điều tra khảo sát và số liệu của Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Nghệ An năm đến 2020, đội ngũ trí thức ngành khoa học công nghệ có trình độ cao đẳng trở lên trên địa bàn tỉnh hiện có là 5.571 người (trong tổng số nguồn nhân lực 13.840 người) chiếm 40,14%, trong đó, số có trình độ cao: GS, PGS có 97 người, chiếm 1,74%; tiến sỹ và bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa 2 có 258 người, chiếm 4,6%; thạc sỹ, bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa I là 1.404 người, chiếm 25,2%; đại học, cao đẳng 3.829 người, chiếm 68,7%.

Cán bộ khoa học và công nghệ có học vị cao tập trung trong hai lĩnh vực: khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế (chiếm gần 50%) và khoa học kỹ thuật (chiếm khoảng 24%), còn lại phân bố ở 3 lĩnh vực y dược, nông lâm ngư nghiệp và khoa học tự nhiên. Về cơ cấu: Lĩnh vực GD - ĐT có đội ngũ cán bộ đông nhất, tiếp đến là lĩnh vực nông lâm nghiệp. Tuy đội ngũ tri thức đông đảo về số lượng nhưng trên thực tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Khu vực sản xuất rất thiếu cán bộ đầu đàn. Đặc biệt, Nghệ An rất thiếu cán bộ giỏi về quản lý kinh tế, sâu về chuyên môn, am hiểu về công nghệ cao, thiếu kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật lành nghề.

Bàn về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Thái Tự - người đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, cho rằng: Nguồn nhân lực khoa học tỉnh ta hiện nay không phải thiếu, tuy nhiên vấn đề hiện nay là chưa tập hợp, thu hút được đội ngũ ấy lại. Chưa kết hợp được giữa nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực chất lượng cao và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Thực tế hiện nay, cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng, mảng khoa học cơ bản đang rất thiếu và yếu. Đây được xem là lĩnh vực khoa học cốt lõi để giải quyết các bài toán khoa học tiếp theo nhưng hiện chúng ta thiếu quan tâm vấn đề này: ngay từ những chính sách đào tạo trên ghế nhà trường cho thấy còn chưa phù hợp và quan tâm đúng mức.

Nghệ An là địa phương có truyền thống hiếu học, học giỏi. Hàng năm tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học khá cao, là tỉnh đứng trong tốp các tỉnh có tỷ lệ học sinh đậu đại học cao trong cả nước, có nhiều học sinh đậu thủ khoa. Nhưng khi tốt nghiệp, số trở về làm việc, cống hiến cho tỉnh rất ít. Trong những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm đến chính sách thu hút, xây dựng và phát triển đội ngũ tri thức khoa học công nghệ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai, cơ chế, chính sách đó còn nhiều hạn chế, chưa thể “trải thảm đỏ” để thu hút được những tri thức khoa học thực sự có tâm huyết làm việc, cống hiến cho quê hương.

Cần có cơ chế khuyến khích, đãi ngộ kịp thời

Nhận thức rõ tầm quan trọng nhân lực KH&CN và xuất phát từ tình hình thực tế, vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20 khẳng định “Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc”. Trong đó, có những nội dung quan trọng: xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN; tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để đội ngũ cán bộ KH&CN phát triển bằng tài năng và hưởng quyền lợi xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình; đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ KH&CN; có chính sách tiếp tục sử dụng cán bộ KH&CN trình độ cao đã hết tuổi lao động.

Cũng theo TS. Nguyễn Thái Tự, khoa học không chỉ là quan tâm tới đội ngũ đang công tác mà cần quan tâm tới đội ngũ làm khoa học kế cận. Tỉnh ta có Trường Đại học Vinh - một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia. Để giải quyết được những vấn đề kinh tế - xã hội dứt khoát phải có một đội ngũ cán bộ khoa học đa ngành. Cần đầu tư để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học, cung cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu của trường. Tạo điều kiện để thầy trò tập trung giải quyết những vấn đề thực tiễn tỉnh nhà đang đặt ra, cũng chính là tạo điều kiện để trường nâng cao chất lượng đào tạo. Đó là sự hợp tác mà hai bên đều có lợi. Mô hình hợp tác giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Đại học Cần Thơ là bài học của cả nước. Đại học Cần Thơ là đại học của Đồng bằng sông Cửu Long. Ngược lại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã nuôi dưỡng để Đại học Cần Thơ nâng cao chất lượng đào tạo.

Để khoa học thực sự trở thành công cụ, phương tiện phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cần đầu tư nâng cao năng lực KHCN nội sinh cho các đơn vị, cơ quan KHCN hiện có, cụ thể là các viện, trường trên địa bàn để giải quyết các nhiệm vụ KH-CN phục vụ phát triển KT-XH. Nghiên cứu và triển khai cơ chế gắn kết các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp cùng phối hợp nghiên cứu và phát triển công nghệ và sản phẩm mới.

Và cần có cơ chế vinh danh, đãi ngộ kịp thời đối với đội ngũ làm khoa học. Hàng năm, lãnh đạo tỉnh tổ chức gặp mặt các tri thức khoa học công nghệ tiêu biểu để chia sẻ thông tin kinh tế xã hội và kêu gọi, huy động, tập hợp trí tuệ của đội ngũ tri thức khoa học giải quyết các nhiệm vụ phát triển KHCN gắn với KT-XH của tỉnh. Qua đó nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ tri thức khoa học, phát huy và sử dụng tốt nguồn trí lực KHCN phục vụ cho phát triển. Bên cạnh đó, tổ chức tốt Lễ trao giải thưởng Lao động sáng tạo KH&CN hàng năm nhằm tôn vinh, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học. Đó là những giải pháp rất quan trọng. Nhưng, thiết nghĩ, quan trọng nhất hiện nay là Nhà nước và các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất cần tin tưởng và giao nhiều việc hơn, đặt ra nhiều bài toán khó hơn cho các nhà khoa học. Giải các bài toán khó là sứ mệnh của các nhà khoa học, đồng thời qua đó, họ cũng được trả công thỏa đáng, có thu nhập và đời sống tốt hơn.

Hy vọng với những chủ trương định hướng mới của Đảng và Nhà nước, trong đó mới đây nhất là Nghị quyết 20 về KH&CN và những chính sách của tỉnh sẽ góp phần giải quyết được bài toán nhân lực khoa học công nghệ, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức tỉnh nhà phát huy truyền thống quê hương, cống hiến nhiều hơn nữa trí tuệ và sức lực, góp phần đưa kinh tế - xã hội Nghệ An phát triển tương xứng với tiềm lực KH&CN tỉnh.

Thanh Hoa

(Sở KH&CN)

Mới nhất

x
Cần quan tâm đúng mức đội ngũ trí thức KHCN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO