Cần sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở xã, xóm
(Baonghean) - Phản ánh với Thường trực Huyện ủy Đô Lương, nhiều bí thư, phó bí thư chi bộ và cấp ủy viên của 15 Đảng bộ xã phía Tây huyện bức xúc vì bộ máy quá cồng kềnh, phụ cấp lại thấp.
Tại cuộc đối thoại giữa Thường trực Huyện ủy Đô Lương với khoảng 400 bí thư, phó bí thư chi bộ và cấp ủy viên của 15 Đảng bộ xã phía Tây huyện, nhiều vấn đề được sáng tỏ.
Vấn đề vô cùng thời sự được đề cập là số người đảm nhận các chức danh ở xã, xóm còn quá cồng kềnh, nhiều người không có việc để làm; trong khi ngân sách chi trả chế độ cho đội ngũ này lớn, nhưng đối với từng cá nhân thì lại quá thấp, thậm chí có những chức danh ở xóm không có chế độ. Mặt khác, do bố trí nhiều người và chức năng của một số tổ chức trùng lặp, tạo sự nhìn nhau, ỷ lại, đùn đẩy, ảnh hưởng đến công việc chung.
Từ hàng loạt vấn đề được nêu ra ở trên, một số ý kiến đề xuất Thường trực Huyện ủy Đô Lương cần sắp xếp, bố trí và tinh giản một số chức danh ở xã và xóm. Ông Nguyễn Thái Sỹ - Bí thư Chi bộ xóm Yên Đình, xã Yên Sơn nêu dẫn chứng, ở một số chức danh như tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - môi trường đều đang bố trí 2 người, nhưng thực tế chỉ cần 1 người; hay 3 chức danh công chức nông nghiệp, khuyến nông, thú y cũng nên theo hướng bố trí 1 công chức nông nghiệp để kiêm nhiệm 2 công việc còn lại.
Bên cạnh đó, đội ngũ bán chuyên trách ở cấp xã cũng còn quá lớn và cần phải xem xét để thực hiện một số chức danh kiêm nghiệm.
Bí thư Chi bộ 5, Đảng bộ xã Quang Sơn (Đô Lương) Nguyễn Trung Hồng nêu tình trạng công tác phát triển đảng viên khó khăn, hiện chi bộ đã 11 năm chưa kết nạp đảng viên nào. Ảnh: Mai Hoa |
Ví dụ, Thường trực Hội Phụ nữ có thể kiêm chuyên trách dân số; 2 Thường trực Hội Cựu chiến binh có thể kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam và Hội Thanh niên xung phong... Bên cạnh đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhiều ý kiến ở cuộc đối thoại cũng đề cập nhiều đến đội ngũ những người đảm nhận các chức danh ở xóm. Ông Nguyễn Xuân Dũng - Bí thư Chi bộ 3, xã Thịnh Sơn kiến nghị, cần cơ cấu lại đội ngũ này theo hướng kiêm nhiệm, đồng thời tăng sự liên kết giữa các chi đoàn, chi hội.
Ngoài chế độ phụ cấp cho các chức danh theo chính sách của tỉnh, mỗi năm huyện Đô Lương trích ngân sách chi 1,8 tỷ đồng để hỗ trợ cho đội ngũ cấp phó các chi đoàn, chi hội, đồng thời giao cấp xã chi ngân sách địa phương hỗ trợ thêm. |
Đồng tình với ý kiến đề xuất của cơ sở, tuy nhiên, theo Bí thư Huyện ủy Đô Lương Trương Hồng Phúc, liên quan đến số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, bán chuyên trách cấp xã được quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 của Chính phủ; bởi vậy, huyện sẽ tổng hợp đề xuất để kiến nghị lên các cấp.
Cũng theo Bí thư Trương Hồng Phúc, riêng đội ngũ cán bộ cấp xóm thuộc thẩm quyền cấp huyện, thì thời gian qua, Đô Lương đã tích cực chỉ đạo kiêm nghiệm ở nhiều chức danh như: Bí thư kiêm xóm trưởng, Phó Bí thư kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận; đồng thời khuyến khích một số nơi thực hiện kiêm nhiệm liên chi hội, nghĩa là một người vừa là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, vừa là Chi hội phó Nông dân; hay Chi hội phó Hội Cựu Chiến binh kiêm Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi..., liên chi đoàn với việc gộp một số xóm trong một chi đoàn...
Mai Hoa
TIN LIÊN QUAN |
---|