Cần sớm giải quyết chế độ chính sách cho ‘liệt sĩ trở về’ ở TX Hoàng Mai

Hoài Thu 26/07/2022 15:51

(Baonghean.vn) -  Ngày 25/7 vừa qua, phóng viên Báo Nghệ An đã liên hệ với các cơ quan chức năng để cập nhật tiến trình giải quyết chế độ chính sách đối với ông Nguyễn Duy Phổ ở phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai. Ông Phổ tham gia chiến đấu ở chiến trường phía Nam và lưu lạc ở Campuchia gần nửa thế kỷ. Năm 2020 ông được một người tốt bụng đưa về quê nhà sau hơn 40 năm gia đình nhận giấy báo tử.

Tiếp tục chờ văn bản hướng dẫn

Theo hồ sơ liệt sĩ trước đây, ông Nguyễn Duy Phổ ở phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai tham gia nhập ngũ tháng 10/1978, được chứng nhận đã hy sinh ở Mặt trận phía Nam vào tháng 1/1981.

Tháng 2/2020, ông Nguyễn Duy Phổ bất ngờ được bà Châu Bích Huệ quê ở Châu Đốc, An Giang liên hệ với gia đình đưa về quê hương Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai sau hơn 40 năm.

Những ngày tháng 7 này, ông Nguyễn Duy Sinh - em trai “liệt sĩ trở về” Nguyễn Duy Phổ cho hay, từ lúc trở về đến nay anh trai của ông hiện sức khoẻ không được tốt, thường xuyên ốm, có lúc phải nhập viện điều trị. Song dù là người có công với cách mạng, nhưng chưa có chế độ chính sách nên không được hưởng quyền lợi ưu tiên nào trong thăm khám, chữa bệnh.

Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hoàng Mai bàn giao hồ sơ cho ông Nguyễn Duy Phổ để chờ thực hiện theo Pháp lệnh ưu đãi người có công mới ban hành. Ảnh: HT

“Chính quyền địa phương, chòm xóm cũng thường xuyên hỏi han, quan tâm, nhưng gia đình bấy lâu nay vẫn mong ngóng Nhà nước nhanh chóng giải quyết chế độ cho anh trai, để anh được động viên và hỗ trợ phần nào trong chăm sóc sức khoẻ” – ông Sinh bày tỏ.

Trước đó, sau khi ông Phổ trở về, theo quy định của pháp luật, ngày 23/2/2020, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hoàng Mai và chính quyền địa phương đã thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công và Giấy chứng nhận liệt sĩ của ông Nguyễn Duy Phổ. Lúc này, giấy tờ tuỳ thân duy nhất của ông Phổ là tấm thẻ căn cước công dân Campuchia. Đến tháng 9/2020, thủ tục cấp chứng minh nhân dân cho ông Nguyễn Duy Phổ mới được hoàn tất do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Từ tháng 9/2020 đến nay, sau hơn 2 năm, việc thực hiện các chế độ chính sách cho ông Nguyễn Duy Phổ vẫn chưa có kết quả. Nguyên nhân, theo Thiếu tá Trần Anh Hùng - Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các chế độ chính sách đối với ông Nguyễn Duy Phổ vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Quốc phòng mới có thể thực hiện được.

Một số giấy tờ trong hồ sơ đề nghị xét duyệt cho ông Nguyễn Duy Phổ được hưởng chế độ chính sách. Ảnh: HT

Như vậy, sau khi chờ Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được ban hành, người dân cũng như các cấp ngành, đơn vị còn phải chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Pháp lệnh mới có thể giải quyết hồ sơ xin được hưởng chế độ chính sách.

Ngày 20/4/2022, sau khi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ chính sách các cấp. Sau khi tập huấn thì ngành Lao động – thương binh và Xã hội tiếp tục giải quyết các chế độ cho người có công với cách mạng theo luật định. “Còn đối với các đơn vị quân đội, hiện Bộ Quốc phòng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nên các hồ sơ giải quyết chế độ chính sách vẫn đang tạm dừng chưa thực hiện, bao gồm cả hồ sơ của ông Nguyễn Duy Phổ” - Thiếu tá Trần Anh Hùng cho biết.

Ngày 25/7/2022, cán bộ Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng cho biết, hiện tại đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ theo Quyết định 62/2011-QĐ-TTg quy định chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã trình hồ sơ của ông Nguyễn Duy Phổ lên Quân khu 4 vào ngày 20/5/2022 theo đợt thứ 57, số thứ tự 51. Vì ông Nguyễn Duy Phổ là trường hợp đặc biệt, lại không còn giữ được các giấy tờ nên theo Quyết định 62, ông đang được các cấp xem xét hưởng chế độ trợ cấp 1 lần và được hưởng bảo hiểm y tế từ 80 – 100%.

Ban Chính sách Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Kỳ tích "liệt sĩ trở về"

Suốt gần 40 năm thờ cúng "liệt sĩ Nguyễn Duy Phổ", người mẹ già nay đã 90 tuổi cũng như anh em, họ hàng bất ngờ vỡ òa trong niềm vui hội ngộ vào tháng 2/2020. Ông Phổ được bà Châu Bích Huệ quê ở An Giang giúp đỡ, đưa về quê hương.

Theo bà Huệ cho biết, năm 1979, người dì của bà Huệ ở Campuchia đã phát hiện ông Phổ bị thương ở vùng đầu, nằm bất tỉnh bên suối. Dì của bà Huệ đã cứu chữa cho ông Nguyễn Duy Phổ, sau đó vì ông Phổ bị mất trí nhớ nên được mẹ nuôi đặt tên là Hùng, rồi lấy vợ và có 1 đứa con. Khoảng hơn chục năm sau, bà Huệ trở lại Campuchia thăm dì, và bắt đầu thuyết phục ông Phổ nhớ lại địa chỉ quê hương để giúp ông đoàn tụ với gia đình. Sau nhiều lần tìm kiếm theo trí nhớ mơ hồ của ông Phổ, đã mấy lần bà Huệ khi thì vào Hà Tĩnh, khi ra Nghệ An nhờ các cơ quan chức năng tra cứu thông tin tìm địa chỉ bà mới đưa được ông Phổ về TX Hoàng Mai.

Đại gia đình vui mừng đón ông Nguyễn Duy Phổ trở về sau 40 năm báo tử. Ảnh: HT

Bà Châu Bích Huệ kể rằng, năm 1979, khi mới là cô bé mười lăm, mười sáu tuổi, từ quê hương Châu Đốc (An Giang), bà được mẹ cho sang thăm nhà dì ruột ở tỉnh Công Pông Chàm, đất nước Campuchia. Một lần ra con suối gần nhà người cô, cô bé Châu Bích Huệ bắt gặp một người đàn ông mặc đồ quân nhân Việt Nam nằm bất tỉnh bên bờ suối, đầu tóc, mặt mũi bê bết máu. Cô đã chạy về nhà báo cho bà cô biết, rồi cả hai cô cháu đưa người bị thương về nhà. Người đàn ông đó chính là ông Nguyễn Duy Phổ.

Lúc đó, bà Châu Bích Huệ cho hay, hai cô cháu đã run rẩy, có phần sợ hãi khi xử lý vết thương cho ông Phổ bởi máu chảy quá nhiều. “Tôi và bà cô đã phải lấy dao lam cạo tóc của anh Phổ, rồi rửa vết thương, máu me dính bết. Khi cạo tóc mới thấy đầu đạn vẫn còn găm trên đầu anh Phổ, một phần găm vào da đầu, hai phần trồi ra ngoài. Tôi nhổ đầu đạn ra khỏi đầu anh. Hai cô cháu chăm sóc, điều trị cho anh suốt 7 tháng trời mới có thể bình phục, đi lại được”, bà Huệ nhớ lại.

Bà Huệ cũng cho biết, lúc đó, tuy đã bình phục sau 7 tháng trời điều trị, chăm sóc, nhưng ông Nguyễn Duy Phổ bị mất trí nhớ, chỉ biết mình tên là Phổ, quê ở Hà Tĩnh, còn tất cả thông tin về gia đình, đơn vị ông đều không nhớ. Cảm thông cho hoàn cảnh của người quân nhân Việt Nam, dì của bà Châu Bích Huệ là bà Ba Cheét đã nhận ông Phổ làm con nuôi, nhập quốc tịch Campuchia và đặt tên là Hùng. Sau nhiều lần thuyết phục, rồi gom tiền (bà Huệ làm nghề bán vé số) đi tìm kiếm thông tin gia đình, bà Huệ đã đưa được ông Phổ về TX Hoàng Mai vào tháng 2/2020.

Mới nhất

x
Cần sớm giải quyết chế độ chính sách cho ‘liệt sĩ trở về’ ở TX Hoàng Mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO