Cần sớm giải quyết dứt điểm!

05/02/2015 09:01

(Baonghean) - Vừa qua, Báo Nghệ An nhận được đơn phản ánh của ông Đặng Đình Trọng, xóm 15, xã Phúc Sơn (Anh Sơn), đơn nêu: Mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xử vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng đất năm 2007 giữa ông và ông Thái Bá Tiến, ông cũng đã có đơn yêu cầu thi hành án, tuy nhiên việc thi hành án không thành, đến nay ông Tiến vẫn không chịu trả lại đất cho gia đình ông…

Công trình của gia đình ông Tiến trên đất của gia đình ông Trọng.
Công trình của gia đình ông Tiến trên đất của gia đình ông Trọng.

Trong đơn, ông Đặng Đình Trọng trình bày: Năm 1991 gia đình ông được cấp 1,5 ha đất lâm nghiệp tại xóm 15, xã Phúc Sơn, được UBND huyện Anh Sơn cấp “Sổ lâm bạ hộ gia đình” số 28, ngày 24/9/1991. Năm 1993, vợ chồng ông cắt 1.000 m2 cho gia đình ông Thái Bá Tiến mượn kèm theo thỏa thuận khi nào ông Tiến có đất nơi khác thì phải trả lại phần đất đã mượn. Năm 2007, để tạo điều kiện cho ông Tiến có giấy tờ thế chấp vay tiền ngân hàng, ông Trọng đã làm giấy chuyển nhượng đất đề ngày 08/8/2007 được ban cán sự xóm 15, UBND xã Phúc Sơn xác nhận. Đó chỉ là phần thủ tục để giúp ông Tiến thế chấp vay tiền chứ thực tế gia đình ông không bán đất, không nhận bất cứ khoản tiền nào của gia đình ông Tiến. Khi biết ông Tiến đã có đất nơi khác, ông Trọng yêu cầu ông Tiến trả lại phần đất đã mượn, nhưng ông Tiến lấy lý do đất đã bán và có giấy chuyển nhượng lập ngày 8/8/2007 nên không trả. Ông Trọng đề nghị tòa án xử vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên.

Theo ông Trọng, sau khi 2 cấp tòa đã xử vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng, buộc gia đình ông Tiến trả lại đất cho gia đình ông, đồng thời thanh toán 2 khoản tiền cho ông Tiến về việc đền bù tài sản trên đất. Tuy nhiên, sau đó vào tháng 9/2014 và lần tiếp theo vào ngày 15/10/2014 cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế nhưng đều không thành...

Từ sự việc ông Trọng trình bày, tìm hiểu được biết, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/1/2013, Tòa án nhân dân huyện Anh Sơn đã ra Bản án số 01/2013/DS-ST, nêu rõ: Theo quy định tại Điều 109, 122 và Điều 233 Bộ luật Dân sự thì ông Trọng, bà Nhu và ông Tiến, bà Hồng đã thực hiện không đúng quy định pháp luật khi giao kết hợp đồng. Tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình mà không có sự đồng ý của các con là vi phạm quy định về quyền định đoạt tài sản chung có giá trị lớn, vi phạm về quyền giành ưu tiên mua cho đồng sở hữu, nên thuộc trường hợp vi phạm điều cấm được quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự. Do đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 8/8/2007 giữa ông Trọng, bà Nhu với ông Tiến, bà Hồng vô hiệu toàn bộ.

Tại bản án đã đưa ra kết luận: “Áp dụng Điều 109, 122, 127, 128, 137, 217, 223 Bộ luật Dân sự; Điều 105, Luật Đất đai. Tuyên xử: Vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 8/8/2007 giữa ông Đặng Đình Trọng, bà Nguyễn Thị Nhu với ông Thái Bá Tiến, bà Nguyễn Thị Hồng. Ông Thái Bá Tiến và bà Nguyễn Thị Hồng có nghĩa vụ tháo dỡ, di dời nhà xưởng (xưởng cưa) để trả lại đất cho ông Đặng Đình Trọng, bà Nguyễn Thị Nhu cùng các con với diện tích 976,75m2 nằm trong thửa 213 - tờ bản đồ số 1 - Bản đồ 163, tại xóm 15, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn. Giao cho ông Trọng bà Nhu sở hữu các tài sản sau: Các công trình kiên cố tọa trên đất, cây cối trồng trên đất. Ông Trọng, bà Nhu có nghĩa vụ thanh toán cho ông Tiến và bà Hồng số tiền trị giá các công trình kiến trúc kiên cố tọa lạc trên đất là 189.626.018 đồng cùng công sức trong việc quản lý và tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất số tiền 30.000.000 đồng. Tổng cộng hai khoản là 219.626.018 đồng.

Sau đó, ông Thái Bá Tiến và bà Nguyễn Thị Hồng có đơn kháng cáo với nội dung: Việc mua bán đất giữa gia đình ông và gia đình ông Trọng đã được lập bằng văn bản, có xác nhận của chính quyền địa phương, đúng pháp luật. Số tiền cấp sơ thẩm buộc gia đình ông Trọng bồi thường chưa xứng đáng với công sức gia đình ông bỏ ra trong suốt quá trình sinh sống trên đất. Vì vậy, yêu cầu tòa án phúc thẩm xét xử lại để đảm bảo công bằng cho gia đình ông. Trên cơ sở yêu cầu của gia đình ông Tiến, ngày 9/8/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm. Tại Bản án số 37/2013/DSPT một lần nữa đưa ra quyết định, nêu rõ: “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 8/8/2007 được ký kết giữa ông Đặng Đình Trọng, bà Nguyễn Thị Nhu với ông Thái bá Tiến, bà Nguyễn Thị Hồng là vô hiệu toàn bộ”. Chỉ khác với bản án sơ thẩm trước, tại bản án phúc thẩm yêu cầu gia đình ông Trọng phải thanh toán cho gia đình ông Tiến cả 2 khoản với tổng tiền là 249.626.018 đồng.

Sau khi 2 cấp tòa tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng đất giữa vợ chồng ông Trọng và vợ chồng ông Tiến, gia đình ông Trọng có đơn đề nghị thi hành án, tuy nhiên đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Thiệp, Chi cục trưởng Thi hành án huyện Anh Sơn, cho biết: Vì tình hình thực tế phức tạp nên cơ quan thi hành án phải tạm hoãn. Hiện nay, ông Tiến đang có đơn gửi nhiều nơi, đơn đề nghị giám đốc thẩm, nên Ban Chỉ đạo thi hành án của huyện đang cho hoãn thời gian 6 tháng, đến tháng 3/2015 không có ý kiến của cấp trên sẽ tiến hành thi hành án. Việc này Ban Chỉ đạo đã thông báo cho gia đình ông Trọng, còn về số tiền ông Trọng đã nộp, cơ quan thi hành án đã trả lại cho ông Trọng.

Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải & Cộng sự: Năm 1991, hộ gia đình ông Trọng được cấp 1,5ha đất lâm nghiệp. Theo quy định tại Điều 108, Bộ luật Dân sự năm 2005 thì đây là tài sản chung của hộ gia đình. Việc định đoạt đối với tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được sự đồng ý của các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên. Do đó, Bản án sơ thẩm số 01/2013/DS-ST ngày 29/1/2013 của Tòa án nhân dân huyện Anh Sơn tuyên Hợp đồng chuyển nhượng ngày 8/8/2007 vô hiệu là phù hợp với quy định của pháp luật.

Bản án phúc thẩm số 37/2013/DSPT của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 9/8/2013 có hiệu lực kể từ ngày tuyên án. Các đương sự có trách nhiệm phải thi hành. Căn cứ vào các quy định tại Điều 286, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Điều 48, Điều 49 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực được thực hiện khi có yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị. Trong vụ án này, người có thẩm quyền kháng nghị là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ngoài ra, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự còn ra quyết định hoãn thi hành án dân sự trong trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án không quá 3 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án.

Như vậy, có thể thấy phản ánh của ông Đặng Đình Trọng là có cơ sở. Vì vậy, cơ quan Thi hành án huyện Anh Sơn cần xem xét lại thủ tục, trình tự, thời gian tiến hành thi hành án, cũng như căn cứ tình hình thực tế để sớm giải quyết dứt điểm sự việc.

Qua sự việc này, về phía ông Trọng cần xem đây là bài học đắt giá cho mình, bởi chính việc cho mượn đất ở trong nhiều năm không có ý kiến gì, sau đó là chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật của ông là nguyên nhân dẫn đến hệ lụy về sau. Về phía chính quyền địa phương, cũng cần rút kinh nghiệm trong việc xác nhận giấy chuyển nhượng, là một trong những cơ sở làm phát sinh sự việc.

Quảng An

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Cần sớm giải quyết dứt điểm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO