Cần sớm làm cho ví, giặm lan tỏa nhanh
(Baonghean) - Những ai đến Nghệ An hẳn đều không thể quên những “đường nét” hồn quê đích thực của dân ca ví, giặm được phác họa trong những làn điệu cổ, với lối hát đối đáp độc đáo qua năng lực sáng tạo, tài hoa của chính những người dân lao động hiếm nơi nào có được, nay đã góp phần làm giàu thêm kho báu nghệ thuật của nhân loại.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao bằng vinh danh của UNESCO cho các nghệ nhân - những chủ nhân của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh: Sỹ Minh |
Nhân dân Nghệ An nói riêng và Nghệ - Tĩnh nói chung rất vui sướng, tự hào khi dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhưng đằng sau niềm vui lớn ấy, lại lo rằng chặng đường phía trước của việc bảo tồn di sản quý giá đó vẫn còn lắm thách thức.
Có người nói: “Một người không thể giữ được một nền nghệ thuật, vì người ấy sẽ già, rồi mất đi. Do đó phải làm cho nhiều người yêu, hiểu được giá trị, biết giữ gìn hồn cốt loại hình nghệ thật đó như mình, thì mới giữ được cái văn hóa của ông cha chúng ta để lại”. Nên để dân ca ví, giặm phát triển, trường tồn, thì điều cần thiết không phải chỉ chú trọng bảo tồn ở xứ Nghệ, mà phải sớm đưa loại hình nghệ thuật này đến được với công chúng nhiều vùng quê trong cả nước và cả thế giới. Về việc cụ thể trước mắt, không chỉ cần quản lý tốt các hoạt động biểu diễn, mà còn phải ra sức nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu dân ca cổ, khuyến khích sáng tác mới. Tích cực và phát huy đưa loại hình dân ca ví, giặm vào trường học, mở thêm các trung tâm dạy hát dân ca, có chính sách thành lập các câu lạc bộ hát dân ca ví, giặm ở các hội đồng hương Nghệ An tại các vùng, miền trong cả nước.
![]() |
Một buổi tập của CLB Dân ca Nam Đàn. Ảnh: Trần Hải |
![]() |
CLB Dân ca phường Vinh Tân (TP. Vinh) hát ví trên sông. Ảnh: Trường Sinh |
Mở rộng mối quan hệ, hợp tác để các nghệ sỹ tên tuổi có điều kiện đưa dân ca ví, giặm giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn một dòng dân ca đặc sắc của Việt Nam thông qua các chuyến lưu diễn ở nước ngoài. Cũng mong rằng, UBND tỉnh nên có những đãi ngộ riêng đối với các nghệ nhân đã có công lưu giữ, bảo tồn, truyền dạy dân dân ca ví, giặm để họ phát huy thật tốt vai trò lưu giữ và trao truyền ấy.
Phải kịp thời làm cho dân ca ví, giặm lan tỏa nhanh, lan tỏa rộng - đó là cách bảo tồn hiệu quả nhất!
Lê Văn Trí
MTTQ Anh Sơn
TIN LIÊN QUAN |
---|