Cần sớm loại bỏ tư duy bảo hộ
(Baonghean) - Cả tuần nay, gần 40 công ty thành viên của Hiệp hội mía đường Việt Nam đang tận lực hiệp sức với nhau để đấu tranh phản đối việc cho phép Công ty Hoàng Anh-Gia Lai (HAGL) nhập 30 nghìn tấn đường từ Lào về để tinh luyện rồi xuất qua đường tiểu ngạch. Vì sao lại có chuyện này? Theo đại diện Hiệp hội, hiện nay lượng đường trong nước cung cấp đã thừa so với nhu cầu tiêu dùng nội địa. Cụ thể, niên vụ 2012 - 2013 lượng đường đang dư thừa là 400 nghìn tấn, niên vụ 2013 - 2014 dự kiến sẽ tiếp tục dư thừa khoảng 600 nghìn tấn nữa.
Nếu nhập thêm về thì sẽ ế chồng, ế chất. Nhưng lý do chính là đường do HAGL sản xuất tại Lào có giá chỉ vào khoảng 4.320 đồng/kg. Trong khi giá đường của các nhà máy sản xuất trong nước là từ 9.000 - 11.000 đồng/kg. Nếu phải cạnh tranh với HAGL thì các doanh nghiệp của Hiệp hội chắc chắn là “lấm lưng, trắng bụng” ngay trên sân nhà. Và vấn đề cần trao đổi, làm rõ ở đây là có nên cấm nhập, có nên tiếp tục dang tay bảo hộ cho những ngành, những người, những đơn vị làm ăn bí bét mãi. Mà ngành mía đường là một ví dụ cụ thể. Vì cứ o bế mãi như thế không hẳn là giúp người mà có khi lại là hại người.
Bài học nhãn tiền là trong bao năm qua chúng ta dựng một hàng rào thuế quan và các loại thuế phí cao ngất ngưởng để cản bước tiến của xe nhập ngoại, tạo môi trường êm ả, tĩnh lặng không cần cạnh tranh cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Nhưng rồi đến hôm nay, công nghiệp ô tô của nước ta hầu như dẫm chân tại chỗ nếu như không muốn nói là con số không, ngoài vài ba công ty với các nhà máy chuyên lắp ráp sản phẩm cho các tập đoàn, công ty ô tô nước ngoài. Còn người dân thì phải sử dụng xe ô tô với giá cao hàng nhất nhì thế giới. Trong khi đó, chỉ sau 5 năm theo đuổi, In-đô-nê-xia đã biến kế hoạch xe chiến lược thành hiện thực, nhằm cung cấp cho tiêu dùng nội địa và thực hiện tham vọng xuất khẩu nhờ cam kết AFTA cắt giảm thuế nhập khẩu ôtô về 0% vào 2018. Và mới đây, Indonesia làm toàn bộ Đông Nam Á ngạc nhiên khi liên tiếp trình làng những dòng xe giá rẻ dưới 10 nghìn USD tại triển lãm Jakarta. Còn chúng ta không có gì, sau gần 20 năm theo đuổi với khá nhiều chiến lược phát triển. Có thể ví công nghiệp ô tô Việt Nam giống như một đứa trẻ luôn sống trong vòng tay bao bọc quá kỹ lưỡng, quá cẩn thận của bố mẹ nên cớm nắng, cớm gió không thể trưởng thành dù đã ở tuổi thanh niên.
Trở lại với chuyện mía đường. Vấn đề cần làm rõ là vì sao đường của ta làm ra giá thành cao đến vậy. Trong khi người ta phải tốn thêm tổn phí vận chuyển cùng các loại thuế, phí khác nữa vậy mà khi về đến ta giá vẫn rẻ hơn già nửa. Phải làm rõ vấn đề đó ra để có giải pháp khắc phục, giúp cho ngành mía đường vươn lên đủ sức đương đầu với bất cứ đối thủ nào đến bất cứ từ đâu. Thế mới là giúp chứ không nên cấm cản người khác cạnh tranh. Không nên viện dẫn những lý do “ngoài chuyên môn” như phải làm tốt công tác xã hội, phải bảo đảm thu nhập cho người trồng mía nên giá thành đội lên… Sản phẩm làm ra không có sức cạnh tranh, không bán được thì lấy đâu ra tiền mà “bảo đảm thu nhập”. Hơn nữa, cứ bảo hộ mãi sẽ khiến cho người ta ỷ lại mà thui chột, mà mất đi chí hướng vươn lên, trở thành kẻ tự ti, yếm thế trước người khác.
Người Việt ta vốn dĩ không thế. Còn nhớ, ngay trong thời kỳ Pháp thuộc, người Việt ta bị người Tây chèn ép đủ điều, vậy mà vẫn có một doanh nhân Bạch Thái Bưởi vươn lên ngang hàng với các nhà tư sản Pháp quốc lừng lẫy thế giới. Ông Bạch Thái Bưởi không những không nhận được sự bảo hộ từ nhà nước mà còn bị chính nhà nước thuộc địa hiệp lực với các ông Tây tư sản cản trở, gây khó bằng nhiều thủ đoạn nham hiểm, vậy mà ông vẫn “dong buồm ra biển lớn với dáng vóc tự tin, đàng hoàng”. Con người ta chỉ có thể đương đầu và đứng vững trước mọi sóng gió của thời cuộc để vượt lên đỉnh sóng khi đã dạn dày sương gió vì đã được tôi luyện trong những thử thách khắc nghiệt của cuộc đời. Đi cùng với đó là trí tuệ, là bản lĩnh, là ý thức tự lực, tự cường, chứ không phải dựa vào sự bảo hộ của nhà nước hay của bất cứ ai khác.
Việc cấm hay không cấm nhập đường của HAGL là quyền quyết định của Chính phủ, các bộ ngành có liên quan, không nên lạm bàn. Nhưng chắc chắn phải sớm thay đổi cách suy nghĩ. Phải lớn lên từ trong tư duy, bắt đầu từ việc loại bỏ dần những hành vi bảo hộ. Để không riêng ngành mía đường mà ở tất cả các ngành nghề khác từng bước đứng vững trên đôi chân của chính mình và ngày càng cứng cáp, tự tin vươn ra biển lớn. Lộ trình thực hiện các cam kết AFTA, TPP đang tới gần. Các hàng rào kỹ thuật được dựng lên để bảo hộ sản phẩm trong nước sẽ bị dỡ bỏ và lúc đó tất cả đều phải tự lực cánh sinh không dựa dẫm vào Nhà nước được nữa.
Cần phải sớm loại bỏ tư duy bảo hộ là vì thế.
Duy Hương