Cần sự vào cuộc đồng bộ
(Baonghean) - So với những năm trước đây, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trên biển ở Nghệ An đã giảm đáng kể nhờ sự đấu tranh tích cực của các cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, buôn lậu và gian lận thương mại trên biển đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi…
(Baonghean) - So với những năm trước đây, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trên biển ở Nghệ An đã giảm đáng kể nhờ sự đấu tranh tích cực của các cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, buôn lậu và gian lận thương mại trên biển đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi…
Những năm 2000 trở về trước, hoạt động buôn lậu trên biển ở Nghệ An diễn ra cực kỳ phức tạp. Đã có thời, Thị xã Cửa Lò và các huyện ven biển như Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu tràn ngập hàng lậu; người dân cả nước đổ dồn đến Nghệ An du lịch thì ít mà cốt yếu là để mua hàng lậu như điện, điện tử... Nguyên nhân khiến nạn buôn lậu, hàng giả tung hoành là do những sản phẩm này thường có giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng, đặc biệt là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Từ năm 2000 trở lại đây, nhờ sự vào cuộc tích cực, đấu tranh mạnh mẽ của các cơ quan chức năng tình trạng buôn lậu đã giảm hẳn. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được mọi người dân hưởng ứng. Nguyên nhân khách quan đó là thị trường hàng hóa đã bão hòa, hàng hóa được sản xuất trong nước có chất lượng cao, giá cả lại rẻ nên hàng lậu, hàng kém chất lượng bị loại trừ.
Nói như vậy, không có nghĩa là tình trạng buôn lậu trên biển đã chấm dứt. Ông Nguyễn Đình Khoa, Phó Đội trưởng Đội phòng chống buôn lậu đường biển, Chi cục Hải quan Nghệ An cho biết: Trong năm 2013, đội đã phá 6 chuyên án, trong đó có 3 chuyên án pháo nổ với tổng số lượng 114 kg, 1 chuyên án hàng điện tử và 2 chuyên án xe ô tô tạm nhập – tái xuất. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 35 triệu đồng, tổng số tiền bán hàng tịch thu là 608 triệu đồng. Đầu năm 2014 này, đội đã phối hợp cùng bộ đội biên phòng Nghệ An bắt 1 vụ, thu 8 kg pháo nổ. Các thủ đoạn buôn lậu trên biển hiện nay rất tinh vi, rất khó để phát hiện cũng như bắt giữ; hàng lậu bây giờ không đơn thuần là hàng tiêu dùng mà là các loại hàng “cao cấp” hơn như khoáng sản và xăng dầu. Lực lượng Hải quan dẫu đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, mật phục, xây dựng nguồn tin cơ sở nhưng vẫn chưa thể bắt được các đối tượng này… Việc buôn lậu xăng dầu đang diễn ra với tính chất nhỏ lẻ - một số người hám lợi đã mua lại những xăng dầu thừa của các tàu thuyền nhập cảng để bán. Còn việc phòng, chống buôn lậu khoáng sản gặp rất nhiều khó khăn khi các lực lượng chức năng Nghệ An không thể xác định liệu khoáng sản xuất đi sẽ cập cảng nội địa hay xuất lậu sang Trung Quốc. Hiện nay, mỗi tháng Đội phòng chống buôn lậu đường biển đều tổ chức các tàu, ca nô thực hiện 1 lần tuần tra, kiểm soát công khai từ Quỳnh Lưu về đến cảng Bến Thủy nhằm răn đe các đối tượng vi phạm. Ngoài ra, tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát bí mật khác. Để làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu đường biển, đội tích cực cắm chốt cũng như nắm nguồn tin trên địa bàn, tích cực phối hợp với lực lượng biên phòng, công an, quản lý thị trường và chính quyền các địa phương…
Các chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Lò – Bến Thủy kiểm tra tàu thuyền chở hàng hóa. |
Kề vai sát cánh với lực lượng Hải quan trên mặt trận phòng, chống buôn lậu đường biển ở Nghệ An là lực lượng biên phòng, mà cụ thể là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Lò – Bến Thủy. Trao đổi về tình hình hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại trên biển, Trung tá Trần Quang Trung, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Lò – Bến Thủy cho hay: Hiện nay, buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên biển đã giảm nhiều so với trước song vẫn còn tồn tại với hình thức nhỏ lẻ và mang tính thời vụ với các mặt hàng như vật liệu nổ, pháo nổ, hàng điện tử cũ… Dự báo, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, nhất là lợi dụng việc xuất, nhập khẩu các mặt hàng như xăng dầu, khoáng sản để gian lận thương mại trốn thuế, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ sẽ có chiều hướng gia tăng.
Từ đầu năm 2014 đến nay, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Lò – Bến Thủy đã có 4 kế hoạch để đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; gần nhất là mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại từ ngày 15/5 – 30/6/2014, với nhiều biện pháp nghiệp vụ được sử dụng đồng bộ. Tuy vậy, việc phát hiện và bắt giữ các đối tượng đang gặp rất nhiều khó khăn. Trung tá Trần Quang Trung lý giải: Rất khó để đấu tranh với gian lận thương mại khi điều kiện nhân lực, vật lực hạn chế. Ví dụ, trong hoạt động xuất nhập khẩu khoáng sản, trên địa bàn Thị xã Cửa Lò có 4 công ty được Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu quặng tồn kho. Nhưng lực lượng Biên phòng và Hải quan không thể xác định được liệu đó có phải là quặng tồn kho hay là mới khai thác, quặng có xuất xứ từ mỏ được cấp phép hay thổ phỉ, không có máy móc và con người để xác định hàm lượng của quặng. Đối với những chuyến hàng như thế này, Đồn thực hiện việc báo cáo lên trên để các cấp theo dõi, kiểm tra… Riêng với mặt hàng xăng dầu thì từ đầu năm đến nay, lực lượng biên phòng chưa phát hiện vụ việc nào. Còn mặt hàng than, Đồn đã lập các trạm kiểm soát, đặc biệt ở khu vực Cảng Bến Thủy để theo dõi các tàu vận chuyển than từ các tỉnh phía Bắc về theo đúng sự chỉ đạo của Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Qua giám sát thấy rằng hầu hết các tàu nhập than về Nghệ An đều chở hàng về đúng điểm.
Biết là có gian lận thương mại, buôn lậu trên biển nhưng vẫn chưa thể phát hiện, bắt giữ - điều này đang là sự trăn trở, “món nợ trách nhiệm” của lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng nói riêng và các lực lượng chức năng ở tỉnh ta nói chung. Nguyên nhân sâu xa là do các biện pháp, trang, thiết bị của lực lượng chức năng chưa theo kịp những hành vi, thủ đoạn của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại; Các văn bản quy phạm pháp luật chưa được bổ sung kịp thời nên không có cơ sở để xử lý; chế tài áp dụng cho hành vi vi phạm chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe… Để ngăn chặn vấn nạn này cần biện pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất vẫn phải là công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân để mọi người tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng, tích cực giám sát các hành vi sai trái để báo cho cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Thanh Sơn