Cần tăng cường công tác giám sát, quản lý

24/09/2014 09:15

(Baonghean) - Gần đây, dư luận trong đảng và nhân dân băn khoăn, thậm chí bất bình về tình trạng một số đảng viên sau khi được nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt đảng ở địa bàn cư trú. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của đảng trong nhân dân. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng này?

(Baonghean) - Gần đây, dư luận trong đảng và nhân dân băn khoăn, thậm chí bất bình về tình trạng một số đảng viên sau khi được nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt đảng ở địa bàn cư trú. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của đảng trong nhân dân. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng này?

Không còn là chuyện hiếm

Chi bộ khối Tân Thành 2 (phường Lê Mao, TP Vinh) có 30 đảng viên, trừ 4 đảng viên trẻ thì đều là cán bộ về nghỉ hưu. Trong đó có những đảng viên mặc dù đã ở tuổi 75 đến trên 80 tuổi song vẫn tích cực tham gia và là nòng cốt trong các phong trào, hoạt động ở khối phố, khu dân cư. Những tấm gương như đảng viên Nguyễn Xuân Uông, 79 tuổi, bị tai biến nhẹ nhưng vẫn không làm đơn xin miễn sinh hoạt mà còn nắm giữ tổ trưởng tổ đảng, đảm nhận công tác khuyến học của khối; hay như đảng viên Hồ Thị Tình, tuổi gần 80, vẫn làm tổ trưởng hội phụ nữ đều đặn đến từng nhà nhắc nhở bà con giữ gìn vệ sinh, tuyên truyền vận động ủng hộ khi có có yêu cầu. Bên cạnh những cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu, tuổi đã cao những vẫn tích cực với “việc làng, việc khối” như vậy, thì theo bí thư Chi bộ Nguyễn Ngọc Thúy: “Thật đáng buồn khi có những người nghỉ hưu, tuổi đang còn sung sức, hoàn cảnh gia đình không khó khăn nhưng về hưu là không nộp hồ sơ tham gia sinh hoạt đảng ở nơi cư trú”. Cũng theo đồng chí Nguyễn Ngọc Thúy cho biết, từ năm 2010 lại nay, thông qua việc theo dõi thấy trên địa bàn khối có 2 trường hợp là đảng viên sau khi về nghỉ hưu không nạp hồ sơ để tham gia sinh hoạt đảng.

Mô hình trồng cây cảnh, cây ăn quả của đảng viên, bệnh binh Phùng Trọng Nghĩa, khối Bắc Hải, phường Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò.
Mô hình trồng cây cảnh, cây ăn quả của đảng viên, bệnh binh Phùng Trọng Nghĩa, khối Bắc Hải, phường Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò.

Tình trạng đảng viên về hưu không nộp hồ sơ đảng ở nơi cư trú hoặc có nộp nhưng không tham sinh hoạt đảng, có thể nói đã, đang diễn ra ở nhiều địa bàn và ở nhiều đối tượng như: công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, có cả cán bộ lãnh đạo các cơ quan đầu ngành cấp tỉnh; cán bộ trung cao cấp trong lực lượng quân đội, công an...

Theo báo cáo của Thành ủy Vinh, chỉ tính từ năm 2012 đến tháng 6 năm 2014, ở 6 Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy (Đảng ủy Khối Các cơ quan cấp tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, Đảng ủy Công an tỉnh, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đảng ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Đại học Vinh), có 102 đảng viên nghỉ hưu nhưng chưa chuyển hồ sơ sinh hoạt đảng về cho Thành ủy Vinh. Thêm vào đó, có 13 đảng viên trực thuộc 2 Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp mặc dù đã chuyển hồ sơ sinh hoạt đảng qua Thành ủy Vinh nhưng chưa chuyển về Đảng ủy phường, xã và Chi ủy khối, xóm hoặc có chuyển nhưng không tham gia sinh hoạt. Số đảng viên nêu trên được tập trung nhiều ở các phường Hưng Bình (17 đảng viên), phường Hà Huy Tập (12 đảng viên), phường Trường Thi (11 đảng viên), phường Lê Mao (10 đảng viên), phường Hưng Phúc (7 đảng viên)...

Còn ở huyện Đô Lương, thông qua nắm hồ sơ sinh hoạt đảng chuyển về Huyện ủy, hiện tại trên địa bàn huyện có 24 đảng viên không nộp hồ sơ đảng viên về nơi cư trú, còn số đảng viên thực tế về hưu không tham gia sinh hoạt vẫn chưa thể nắm chính xác. Có ý kiến cho rằng, nếu được thống kê đầy đủ số đảng viên nghỉ hưu từ các Đảng bộ trên địa bàn tỉnh và từ các Đảng bộ khác trong cả nước chuyển về (nơi mà đảng viên trước khi về nghỉ hưu công tác) thì con số này trên địa bàn cả tỉnh sẽ còn lớn hơn. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp đảng viên về hưu mặc dù vẫn sinh sống nơi cư trú nhưng lại chuyển giấy sinh hoạt và hồ sơ đảng về quê để tránh sự “hỏi han” của chi ủy nơi cư trú; có trường hợp lại chuyển hồ sơ về nơi cư trú nhưng rồi về quê sinh sống, thỉnh thoảng mới vào nơi cư trú để sinh hoạt, “tránh” phải làm cán bộ khối, xóm…

Đâu là nguyên nhân?

Trao đổi trực tiếp với chính những người trong cuộc và được nghe muôn ngàn lý do, giải thích cho tình trạng này. Có người cho rằng, “Thôi, về hưu rồi thì nghỉ ngơi cho khỏe, không muốn tham gia sinh hoạt chi bộ hay hội họp gì nữa. Thứ nữa bản thân về hưu có cống hiến được gì nữa đâu mà tham gia sinh hoạt”. Có ý kiến thì lo sẽ trở thành “cán bộ nguồn của khối, xóm” nên không muốn “công khai” mình là đảng viên. Có người thì cho rằng “chất lượng sinh hoạt chi bộ còn hình thức, nội dung đơn điệu”… Còn đồng chí Nguyễn Ngọc Thúy – Bí thư Chi bộ khối Tân Thành 2 (phường Lê Mao, TP Vinh), cho rằng: “Vấn đề cốt lõi nhất vẫn là do nhận thức về Đảng của một số đảng viên thuộc diện này còn mơ hồ. Mặt khác, có một số trường hợp động cơ vào Đảng của họ là vì mục đích cá nhân, chứ không phải vì mục đích, lý tưởng và sự nghiệp của Đảng; họ muốn vào Đảng để có cơ hội thăng tiến, đề bạt làm lãnh đạo nên khi về hưu thì không muốn tham gia sinh hoạt đảng”. Nhìn nhận ở góc độ khác, đồng chí Trần Sỹ Lộc - Bí thư Chi bộ khối Quang Phúc (phường Hưng Phúc, TP Vinh), cho rằng, việc đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm theo quy định của cấp trên, những đảng viên về hưu không giữ chức vụ trong cấp ủy, đoàn thể thì chỉ được bình xét ở mức hoàn thành nhiệm vụ, như vậy không tạo được động lực, sự khích lệ đối với các đảng viên năng nổ, tích cực.

Theo đồng chí Đậu Văn Thanh – Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Hiện tượng đảng viên nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt đảng hiện nay mà theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đó là tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng của một bộ phận đảng viên. Nguyên nhân chính là do tư tưởng cơ hội, cá nhân, bản lĩnh chính trị không vững vàng trước những khó khăn, tồn tại, hạn chế của tổ chức đảng của một số đảng viên. Nếu đảng viên nhận thức đúng về Đảng, về trách nhiệm của người đảng viên thì bản thân mỗi đảng viên phải vào cuộc để xây dựng Đảng, tham gia đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ để chi bộ thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Còn nếu đảng viên chờ một môi trường tốt để về sinh hoạt thì Đảng cũng không cần những đảng viên như vậy. Về phía tổ chức đảng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, vai trò của một số tổ chức đảng giảm sút, chưa thực sự trở thành hạt nhân chính trị để lãnh đạo hệ thống chính trị ở địa phương; có nơi quyền lợi của đảng viên không được đảm bảo, thậm chí khi bị xâm hại không được bảo vệ. Việc một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thiếu gương mẫu, tham nhũng, độc đoán, chuyên quyền; nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra liên tiếp không được giải quyết..., phần nào đã tác động đến tâm lý, tư tưởng của đảng viên. Trong khi đó, công tác quản lý, theo dõi của các tổ chức đảng đối với đảng viên chưa thực sự tốt, nên chưa có giải pháp kịp thời để chấn chỉnh tình trạng bỏ sinh hoạt đảng trong đảng viên.

Cần có giải pháp kịp thời

Hiện tượng đảng viên về hưu không tham gia sinh hoạt đảng, theo một số ý kiến thì không ảnh hưởng đến tổ chức, sức mạnh của từng TCCS đảng, bởi số lượng đảng viên này so với tổng số đảng viên hiện có ở từng tổ chức đảng hiện nay đang chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên vấn đề đáng quan tâm đó là những hệ lụy, ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý phấn đấu vào Đảng, mục tiêu, lý tưởng của thế hệ trẻ, những nhân tố tích cực, những con người vừa hồng, vừa chuyên rất cần cho Đảng. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường – Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan cấp tỉnh, cho biết: Toàn bộ Đảng bộ Khối Các cơ quan cấp tỉnh có hơn 4.300 đảng viên, số đảng viên về hưu không tham gia sinh hoạt đảng chỉ ở con số hàng chục.

Mặc dù, hiện tượng đảng viên về hưu không tham gia sinh hoạt đảng chưa phải là tình trạng phổ biến, nhưng với nhận thức và mong muốn các đảng viên thuộc Đảng ủy Khối Các cơ quan cấp tỉnh là cán bộ những cơ quan đầu ngành cấp tỉnh khi nghỉ hưu về nơi cư trú vẫn phải là những đảng viên nòng cốt, gương mẫu trong các phong trào ở địa phương, góp phần nâng cao uy tín cho Đảng ủy Khối nói riêng và uy tín của đảng viên là cán bộ, công chức nói chung khi về với nhân dân. Cho nên, khi phát hiện đảng viên về nghỉ hưu vẫn không tham gia sinh hoạt đảng thông qua việc các chi bộ khối, xóm báo lên, Đảng uỷ Khối đã báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời chủ động rà soát lại số đảng viên về hưu trong mấy năm gần đây. Qua khảo sát cho thấy, có một số đảng viên đã về hưu nhưng vẫn đang để hồ sơ đảng tại cơ quan mình làm việc khi chưa về hưu. Sau khi rà soát, Đảng ủy Khối đã yêu cầu các tổ chức đảng phải chuyển hồ sơ Đảng cho các đảng viên về nơi cư trú, đồng thời quy định, các đảng viên về hưu 1 tháng là phải chuyển giấy sinh hoạt và hồ sơ đảng về nơi cư trú.

Theo một số ý kiến từ các đảng bộ cơ sở, chi bộ đảng, trước đây, đảng viên chuyển sinh hoạt đảng từ nơi này đến nơi khác chỉ được cầm theo “Giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt đảng”, còn toàn bộ hồ sơ đảng viên đều được chuyển qua đường công văn, cho nên các tổ chức đảng nơi mà đảng viên chuyển đến sẽ nắm và quản lý được đảng viên về sinh hoạt ở cơ quan, địa phương mình. Nhưng hiện tại, đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng từ nơi này đến nơi khác được mang cả giấy giới thiệu cùng với hồ sơ “gốc” của đảng viên. Vì vậy, khi đến cơ quan, đơn vị mới hoặc về địa phương nơi nghỉ hưu, nếu không muốn tham gia sinh hoạt đảng, họ không nộp giấy chuyển sinh hoạt và hồ sơ đảng viên là xong! Về nguyên tắc, tổ chức đảng ở đơn vị mới không nhận được giấy giới thiệu sinh hoạt đảng, thì dù biết chắc người này là đảng viên cũng không công nhận là đảng viên. Còn tổ chức đảng ở đơn vị cũ đã chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên do mình quản lý trước đó thì đã hết trách nhiệm. Từ thực tiễn đặt ra, theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Đảng ủy phường Hưng Phúc (Thành phố Vinh), kiến nghị: Khi đảng viên về nghỉ hưu, hồ sơ sinh hoạt đảng từ cơ quan công tác cần chuyển thẳng về cho Đảng bộ địa phương, không nên chuyển hồ sơ cho đảng viên. Có như vậy tổ chức đảng ở địa phương mới nắm được đảng viên khi chuyển về, từ đó giảm bớt tình trạng đảng viên “tự ra khỏi Đảng” bằng cách chuyển sinh hoạt đảng như hiện nay.

Cần quy định về tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại đảng viên nghỉ hưu thật sát đúng, hợp lý, hợp tình hơn. Gần đây, khi một số Đảng bộ trên địa bàn tỉnh tiến hành rà soát đảng viên về hưu không tham gia sinh hoạt đảng thì đã có một số đảng viên rậm rịch tự tìm đến các tổ chức đảng để nộp hồ sơ và xin sinh hoạt đảng, điều này đặt ra giải pháp là cần tăng cường công tác quản lý, giám sát đảng viên chặt chẽ hơn. Thực tế lâu nay, các tổ chức đảng mới chỉ quản lý đảng viên ở “đầu vào” (tức lúc kết nạp), còn “đầu ra” chưa quan tâm đúng mức, mới chỉ dừng lại ở việc nắm số đảng viên bị khai trừ, kỷ luật, qua đời… chứ số đảng viên bỏ sinh hoạt dưới nhiều hình thức, lý do khác nhau vẫn chưa nắm được.

Vì thế có nơi, đảng viên đã chuyển sinh hoạt từ lâu nhưng vẫn còn trong danh sách quản lý, ngược lại có những đảng viên về địa phương nhưng không tham gia sinh hoạt, tổ chức đảng cũng không nhắc nhở, thậm chí không biết. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm người đảng viên về công tác xây dựng Đảng khi thuận lợi cũng như khi khó khăn. Đồng thời, cần quy định về tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại đảng viên nghỉ hưu thật sát đúng, hợp lý, hợp tình hơn. Theo Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đậu Văn Thanh, giải pháp mang tính xuyên suốt là cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cả về lý luận và thực tiễn của tổ chức đảng các cấp, khẳng định vai trò, chức năng của tổ chức đảng luôn là hạt nhân lãnh đạo, là chỗ dựa tinh thần đắc lực của đảng viên để thực hiện tròn nhiệm vụ của mình.

Điều lệ Đảng không quy định tuổi “nghỉ hưu” cho đảng viên. Mỗi đảng viên đừng tự biến mình thành “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” theo như đánh giá của Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Ngược lại, cần thấy tự hào khi mình là đảng viên và phải tự giữ lấy quyền lợi chính trị của mình để làm gương cho thế hệ trẻ. Con đường đến với Đảng của mỗi đảng viên đều không phải dễ, cho nên cần phải tiếp tục tham gia sinh hoạt để đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền địa phương, có như vậy mới thực sự xứng đáng là “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Bài, ảnh: Mai Hoa

Cần tăng cường công tác giám sát, quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO