Cần tăng nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn chính sách của người lao động

Thu Huyền 21/10/2021 10:20

(Baonghean.vn) - Hiện nay nhu cầu vay vốn chính sách trên địa bàn Nghệ An rất lớn, nhất là lực lượng lao động trở về từ các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của đại dịch song nguồn vốn cấp từ trung ương hạn chế nên việc đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động gặp nhiều khó khăn.

Sáng 21/10, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh họp Ban đại diện Hội đồng quản trị phiên họp thường kỳ lần thứ 69. Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện chủ trì phiên họp.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Trần Khắc Hùng báo cáo hoạt động quý III/2021. Ảnh Thu Huyền
Giám đốc NHCSXH tỉnh Trần Khắc Hùng báo cáo hoạt động quý III/2021. Ảnh: Thu Huyền

Đến 30/9/2021, tổng nguồn vốn đạt 9.672 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt 2.433 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 13/20 chương trình tín dụng đang tiếp tục thực hiện cấp vốn.

Một số chương trình có doanh số cho vay lớn như: Cho vay hộ mới thoát nghèo 636 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo 635 tỷ đồng, cho vay xây dựng công trình nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn 360 tỷ đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 347 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ việc làm 140 tỷ đồng,… 07/20 chương trình còn lại không phát sinh doanh số do hết thời gian thực hiện, chỉ thực hiện quản lý và thu hồi nợ.

Đồ họa: Hữu Quân
Đồ họa: Hữu Quân
Đến 30/9/2021, tổng dư nợ đạt 9.644 tỷ đồng/20 chương trình tín dụng chính sách, đạt tốc độ tăng trưởng 7,06%, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 theo Nghị quyết Ban đại diện HĐQT tỉnh đề ra.
Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Chi nhánh đã thực hiện giải ngân gần 3,9 tỷ đồng cho 24 doanh nghiệp để thực hiện trả lương cho 854 lao động. Cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 1.814 khách hàng/45,2 tỷ đồng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Có 673 khách hàng được vay vốn bổ sung để khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hộ nghèo các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng đại dịch với số tiền 30,4 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An phát biểu tại phiên họp. Ảnh Thu Huyền
Bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thu Huyền

Tuy vậy, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, có những thời điểm 21/21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh phải thực hiện Chỉ thị số 15,16 của Thủ tướng Chính phủ làm ảnh hưởng lớn việc thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách nói riêng. Toàn tỉnh phải ngừng giao dịch nhiều phiên tại xã, kết quả thu lãi trong quý III thấp, hoạt động kiểm tra giám sát trên tất cả các kênh không thực hiện được theo tiến độ theo kế hoạch đã xây dựng, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch còn thấp.

Chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn đi lao động nước ngoài không giải ngân được, người lao động không thể làm thủ tục xuất cảnh.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Ban đại diện HĐQT các cấp đã rất trách nhiệm, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động an toàn, đạt kết quả khả quan, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của tỉnh nhà.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thu Huyền
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thu Huyền

Hiện nay nhu cầu vay vốn trên địa bàn Nghệ An rất lớn, nhất là lực lượng lao động trở về từ các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của đại dịch song nguồn vốn cấp từ trung ương hạn chế nên việc đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban đại diện giao thành viên Ban đại diện Sở Tài chính và phòng Tài chính tham mưu UBND cùng cấp bố trí nguồn ngân sách năm 2022 để ủy thác NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; chỉ đạo quyết liệt để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách tín dụng cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động do ảnh hưởng đại dịch theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ.

Linh động chuyển nguồn, chỉ đạo giải ngân nhanh nguồn vốn các chương trình, đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất và an sinh xã hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Mô hình vay vốn NHCSXH phát triển kinh tế trang trại mang lại hiệu quả cao tại huyện Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền
Các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác cần chỉ đạo các đơn vị cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền vận động các thành viên vay vốn và người dân tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng và tiết kiệm; thực hiện nghiêm túc công tác bình xét vay vốn đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đúng hồ sơ, thủ tục; không để xảy ra tình trạng cho vay chồng chéo các chương trình, vay vượt hạn mức, hộ gia đình có nhiều người đứng tên vay vốn; bám sát tình hình hoạt động tại cơ sở để chỉ đạo, đôn đốc thu nợ, thu lãi và xử lý nợ kịp thời.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm vay vốn; xây dựng mạng lưới tổ tiết kiệm vay vốn đội ngũ Ban quản lý tổ đảm bảo các tiêu chí cho mô hình Tổ khi áp dụng ngân hàng số trong thời gian tới./.

Mới nhất

x
Cần tăng nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn chính sách của người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO