Cần thực hiện tốt quy trình trong hoạt động giám sát

17/10/2012 14:19

Làm thế nào để thực hiện được quyền giám sát có hiệu quả, phát huy được vai trò, vị thế của HĐND là vấn đề được hết sức quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã xây dựng chương trình giám sát cụ thể và các kỳ họp HĐND tỉnh đầu năm đều có nghị quyết riêng về hoạt động giám sát tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động công tác này đạt hiệu quả.

(Baonghean) Làm thế nào để thực hiện được quyền giám sát có hiệu quả, phát huy được vai trò, vị thế của HĐND là vấn đề được hết sức quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh đã xây dựng chương trình giám sát cụ thể và các kỳ họp HĐND tỉnh đầu năm đều có nghị quyết riêng về hoạt động giám sát tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động công tác này đạt hiệu quả.

Tuy vậy, cử tri mong muốn trong quá trình giám sát phải linh hoạt hơn nữa; đoàn giám sát không chỉ xem xét trong giới hạn báo cáo của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát mà cần mở rộng xem xét các vấn đề thu thập được qua các kênh thông tin khác nhau trong tình hình thực tế. Trong giám sát cũng cần phân biệt giám sát với thanh tra để tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp với quyền hạn và nhiệm vụ của các cơ quan chức năng khác.

Lựa chọn vấn đề để giám sát là quan trọng. Nghệ An là một tỉnh lớn, dân đông, không thể đi hết cả địa bàn và càng không thể giám sát hết các vấn đề bức xúc, nổi cộm, mà cần phải lựa chọn vấn đề nhạy cảm, vấn đề cử tri quan tâm, để đạt hiệu quả cao. Kết luận giám sát phải “đúng” và “trúng”. Yêu cầu của mỗi đợt giám sát là phải đánh giá đúng tình hình, khẳng định được những mặt đã làm được, cần phát huy; đồng thời cũng chỉ ra được những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ, những sai sót cần sửa chữa và đưa ra được những kiến nghị giúp cho việc chỉ đạo quản lý của cơ quan Nhà nước tốt hơn.

Thông báo kết quả giám sát phải kịp thời đến UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết. Kiến nghị giám sát phải khả thi, có căn cứ pháp lý và phù hợp với thực tiễn, có mốc thời gian, thẳng vấn đề tránh trình trạng nêu chung chung, mỗi kiến nghị cần xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện (UBND tỉnh hay sở, ngành) tránh tình trạng kiến nghị không rõ cơ quan, địa phương có trách nhiệm giải quyết nên không cơ quan nào coi đó là trách nhiệm của mình, dẫn đến các kiến nghị đó không ai giải quyết.

Nếu làm được các quy trình thường xuyên trong công tác giám sát thì hiệu quả giám sát ngày càng cao, cử tri sẽ đồng tình và luôn tin cậy ở người đại biểu. Muốn làm được quy trình ấy, ngoài trách nhiệm, cần có bản lĩnh, lương tâm, trí tuệ và sự đồng cảm với cử tri để cử tri tin tưởng giao phó.


Trần Hữu Đức

Cần thực hiện tốt quy trình trong hoạt động giám sát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO