Cần tỉnh táo trước những thông tin 'giật gân'

Nguyên Nguyên 22/08/2021 09:25

(Baonghean.vn) -Tin giả, tin thiếu chính xác hay còn gọi là “Fake news” từ lâu nay đã len lỏi ở nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nhiều khi làm cho cộng đồng phát hoảng, mất phương hướng...

“Hóng hớt”

Cái bệnh “hóng hớt” hầu như ai cũng mắc phải. Bởi xã hội đầy rẫy kênh thông tin, trong khi mỗi cá thể không thể tách rời xã hội đó. Thông tin đúng hay sai, lúc này không thể tin vào chính mình nữa. Thế rồi, có nhiều người đã tin vào những “bạn phây”, khi thấy Facebook “có vẻ là thật”.

Điển hình nhất là ngày 19/8 vừa qua, một số tài khoản Facebook đã đăng thông tin rằng “thành phố Vinh sẽ áp dụng 16+ trong phòng chống dịch Covid-19”. Từ fake news này, nhiều người “hóng hớt” đã nhanh tay chia sẻ một cách thiếu kiểm chứng. Hệ quả là người dân thành phố được một phen chạy “té khói”, nháo nhào mua sắm đủ các kiểu. Các chợ và cửa hàng, siêu thị nhỏ bỗng dưng chật người, chen nhau mua sắm. Nhiều nhà mua thực phẩm ghim chật tủ lạnh, còn để ra các góc nhà.

Tin đồn thiếu chính xác về Chỉ thị 16+ ở TP Vinh ngày 19/8, làm rất nhiều người chạy
Tin đồn thiếu chính xác về Chỉ thị 16+ ở TP Vinh ngày 19/8, làm rất nhiều người chạy "nháo nhào" mua sắm. Ảnh NN chụp màn hình

Thế rồi khi thông tin chính thống đưa ra, chính quyền tỉnh, thành phố không quyết định áp dụng chỉ thị 16+ như đồn đoán. Nhiều người lại quay ra chửi “bạn phây” này nọ đã làm cho gia đình mình và khối phố một phen “điên đảo”, thậm chí nguy cơ làm lây lan dịch bệnh khi chen nhau mua hàng hóa. Một số người còn “đăng đàn” đề nghị Công an, lực lượng chức năng xử lý nghiêm những người đăng tin ban đầu.

Thông tin thiếu kiểm chứng nêu trên cũng dễ lý giải cho cái bệnh “hóng hớt” của mỗi người. Đó là người đăng tin đầu tiên chỉ mới nghe được một luồng thông tin nào đó đã vội vàng “đưa ngay cho nóng” trong khi chưa có kết luận chính thức của chính quyền hay cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Những người đăng thông tin này đã bị lực lượng chức năng xử phạt theo pháp luật. Ảnh: TH

Với nhiều người, bệnh “hóng hớt” đã thành mãn tính, cùng với đó là lại muốn nhanh tay chia sẻ thông tin thật nhanh để chứng tỏ mình có nguồn thông tin quan trọng. Ngay cả một vài người làm báo lâu năm đã có lúc đưa tin thiếu chính xác trên mạng xã hội như vụ “bác sĩ Khoa nhường máy thở của ba mẹ để cứu sản phụ song thai” ở TP Hồ Chí Minh đầu tháng 8/2021. Mới đầu hành vi của họ cũng đơn giản nghĩ mình nắm rõ thông tin chính xác, lan tỏa “điều có ích” cho xã hội. Thế nhưng thực tế không phải vậy. Hành vi đó đã bị các lực lượng chức năng xử phạt theo quy định của pháp luật.

Bình tĩnh tiếp nhận, xử lý thông tin

Sau vụ thông tin thiếu chính xác về 16+ trong phòng dịch Covid-19 ở TP Vinh, rất nhiều người mới “ngẩn ngơ” nhìn lại bản thân mình. “Ừ nhỉ! Mới nghe nói thôi mà. Đã nghe loa phường thông báo chi mô?...”. Sau vụ việc, nhiều người đưa ra kết luận là: “Phải bình tĩnh chờ phát ngôn chính thức từ người có thẩm quyền, hoặc văn bản, thông báo của các cấp chính quyền về các vấn đề mà mình đang quan tâm. Và một nguồn tin chính xác nữa là thông tin từ các cơ quan báo chí chính thống”.

Khổ nhất là tâm lý một số người "nhẹ dạ cả tin", vội tin vào những gì “bạn phây” đăng tải, đã like, bình luận và share - chia sẻ thông tin, càng làm cho xã hội rối ren. Ngay như chiều 20/8, TP Hà Nội quyết định kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 6/9 với khuyến cáo “ai ở đâu, ở yên đó” để chống dịch Covid-19 hiệu quả. Thế nhưng, một số tài khoản Facebook đã tung tin “TP sẽ cấm người dân di chuyển trong 7 ngày, ở nhà sẽ ở nhà 7 ngày, ai đến công sở thì ở 7 ngày, ai đến phân xưởng thì ở tại phân xưởng 7 ngày…”. Thông tin này sai với chỉ đạo của chính quyền thành phố. Ngay trong tối 20/8, VTV đã nêu thông tin trên là giả và lực lượng chức năng đang vào cuộc điều tra, làm rõ…

Thông tin lan truyền trên mạng xã hội ngày 20/8 ở Hà Nội là tin giả. Ảnh vov
Thông tin lan truyền trên mạng xã hội ngày 20/8 ở Hà Nội là tin giả. Ảnh VOV

Nhìn vào những vụ việc tung tin thiếu chính xác trong khi xã hội căng mình chống Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng, những người đưa “tin giả”, bên cạnh vi phạm pháp luật, còn thể hiện “khiếm khuyết về đạo đức”, gây hậu quả khôn lường. Tất nhiên, tất cả những người có hành vi đó đều bị xử lý theo pháp luật. Vấn đề còn lại là ý thức của chúng ta – những người tiếp nhận thông tin cần bình tĩnh, phân tích, đối chiếu thấu đáo để không “lạc lối”.

Tin giả, tin thiếu chính xác hay còn gọi là “Fake news” từ lâu nay đã len lỏi ở nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nhiều khi làm cho cộng đồng phát hoảng, mất phương hướng. Trước những bài học của nhiều người va vấp, mỗi người dân cần bình tĩnh khi tiếp cận thông tin.

Đặc biệt khi tiếp nhận những thông tin có tính "giật gân", câu like, câu view.. trên mạng xã hội, chúng ta phải cảnh giác, đề phòng, có sự đối chiếu với thông tin từ hệ thống chính quyền các cấp và thông tin từ báo chí chính thống; không nên chia sẻ một cách tùy tiện, nếu không cẩn thận thì dễ mắc phải lỗi phát tán tin giả.

Có thể nói, sự cảnh giác, tỉnh táo trước các thông tin "giật gân" trên mạng xã hội của mỗi người dân chính là một trong những "lá chắn thép" ngăn chặn, đẩy lùi và loại bỏ cả những tin giả “lấp ló” quanh ta!.

Tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên không gian mạng

Tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên không gian mạng

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát với tốc độ nhanh tại Việt Nam thì làn sóng tin giả, tin bịa đặt cũng “té nước theo mưa”. Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Mới nhất
x
Cần tỉnh táo trước những thông tin 'giật gân'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO