Cẩn trọng với nước ép trái cây trôi nổi

29/05/2015 19:18

Với thời tiết nắng nóng, nhiệt độ lên tới gần 40 độ C trong những ngày qua, một quả chanh để vài ngày đã hỏng, thì một số loại sinh tố, nước ép hoa quả đóng sẵn vẫn được quảng cáo “tươi nguyên” cả năm. Từ kiwi, chanh leo đến nước dâu, nước me… đủ màu xanh, đỏ bắt mắt được bày bán tràn lan tại phố Hàng Buồm hoặc chợ Đồng Xuân (Hà Nội).

Với thời tiết nắng nóng, nhiệt độ lên tới gần 40 độ C trong những ngày qua, một quả chanh để vài ngày đã hỏng

Cốc chanh leo được PV pha chế từ tinh dầu mua trên phố Hàng Buồm. Ảnh: H.Nguyên

Rẻ, đắt cùng... trôi nổi

Sáng 28/5, PV Báo GĐ&XH có mặt tại phố Hàng Buồm, một nơi được coi là “thiên đường nước ép” của Thủ đô. Các cửa hàng bày la liệt lọ, bình đồ uống tinh chế rất bắt mắt. Một số loại có nhãn mác, nhưng phần lớn các loại đồ uống tinh chế được đựng trong hộp hoặc can nhựa to nhỏ, với đủ các màu trắng, xanh, vàng... Bên ngoài các hộp được ghi tên sản phẩm bằng viết tay.

Một chủ cửa hàng cho biết, ở đây thường có hai loại nước hoa quả: siro và sinh tố. Siro là loại chỉ lấy nước ép đã được xử lý. Còn sinh tố thì cũng vẫn là loại quả đó nhưng được ép còn nguyên cả “xác” như quả tươi, đóng sẵn vào chai. “Muốn vị gì cũng có. Kể cả café cũng được tinh chế thật đến mức như café pha bằng phin”, chủ cửa hàng khoát tay. Giá bán của mỗi loại sản phẩm này tùy thuộc vào xuất xứ trong hay ngoài nước. Chẳng hạn, một chai sinh tố chanh leo loại rẻ có giá 70.000đ/chai 1 lít, còn loại đắt là 115.000đ/chai1 lít. Một chai sinh tố kiwi loại rẻ là 95.000 đồng/chai 1 lít, còn loại đắt cũng chỉ là 110.000 đồng/chai 1 lít. Loại rẻ ở đây được người bán cho biết là hàng sản xuất trong nước, còn loại đắt là hàng nhập khẩu.

Tại cửa hàng này, chúng tôi thấy một số hộp nhỏ màu trắng đựng thức uống tinh chế được bày trên giá, không có nhãn mác mà chỉ viết tay tên sản phẩm và không hề có nguồn gốc xuất xứ. Một số sản phẩm khác thì có nhãn mác, tuy nhiên lại toàn chữ nước ngoài, không có tiếng Việt nên rất khó xem được thành phần và không có hướng dẫn sử dụng. Tất cả các loại này đều được sử dụng theo hướng dẫn sơ qua của người bán hàng: “Chai này thêm đường, đá, có thể pha được 10 ly. Còn chai này, nếu chỉ cho vào để có màu sắc bắt mắt thôi thì được nhiều hơn. Nếu cho vào chè hoặc sinh tố với số lượng vừa ăn thì mỗi chai được mấy chục cốc ấy chứ. Biết nói thế nào vì tùy vị đậm nhạt của từng người. Khi pha xong, em cứ nếm thấy vừa miệng là được”.

Chúng tôi với tay lên giá, lấy xuống một chai sinh tố chanh leo. Thông thường, khi muốn giữ loại quả này, phải cho vào tủ lạnh. Nếu nạo ruột ra, pha nước thì phải để trong ngăn mát và chỉ uống trong ngày. Tuy nhiên ở đây, các chai này vẫn còn nguyên cả “xác” quả nhưng có hạn sử dụng tới... 10 tháng. Một số chai sinh tố được chủ quán giới thiệu là: “Loại này là hàng Sài Gòn, ngon lắm. Mua nhiều chị để rẻ cho. Yên tâm, còn nguyên nắp chai chưa khui thì để được cả năm không hỏng”(?).

Nguy hại khôn lường

Không riêng phố Hàng Buồm, ở chợ Đồng Xuân, các thực phẩm để pha chế đồ uống (chủ yếu cho mùa hè) cũng được bày bán. Một số cửa hàng “tế nhị” hơn thì giấu hàng trong nhà, chỉ bày mỗi loại một lọ nhỏ bên ngoài. Khi khách cần, người bán sẽ vào nhà lấy thêm. Mặc dù một số hộp được ghi tay bên ngoài là hàng ngoại nhưng do không có tem mác nên không thể kiểm tra được chất lượng cụ thể. Một số loại hàng được quảng cáo nhập khẩu nhưng không có phụ đề tiếng Việt khiến người mua không biết đâu mà lần.

Trước đây, Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam đã lấy ngẫu nhiên mẫu của một số loại thức uống đường phố ở nội thành Hà Nội như: trà chanh, nhân trần, trà đá... Kết quả xét nghiệm cho thấy: Nước uống đường phố đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ có hại đối với sức khỏe. Cụ thể, 3/9 mẫu có vi khuẩn hiếu khí vượt mức cho phép. Tất cả 9 mẫu đều có mặt vi khuẩn B. cereus và đặc biệt cao ở mẫu nhân trần khô. B. cereus là chỉ tiêu đánh giá nguy cơ gây nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn quan trọng ở các nước. Loại vi khuẩn này có mặt ở khắp nơi trong môi trường và gây bệnh bằng sinh độc tố. 8/9 mẫu vượt mức cho phép về vi khuẩn E.Coli - loại vi khuẩn trong phân, có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy. 4/9 mẫu vượt mức cho phép men, mốc. Các loại nấm mốc sinh độc tố mycotoxin và aflatoxin, gây nhiễm độc cấp và mạn, tăng nguy cơ gây bệnh ung thư. 3/9 mẫu có Pb, Hg, Cd vượt mức cho phép.

Theo GS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa - Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), trong ngành công nghệ thực phẩm, các chất bảo quản, chống mốc, chống nấm vẫn được nhiều nhà sản xuất sử dụng. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ sử dụng có đúng cách không? Có đúng là chất dành cho nhóm thực phẩm không? Nếu người ta dùng hóa chất công nghiệp để bảo quản thì cực kì nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

GS.TS Trần Hồng Côn nói: “Chỉ cần hóa chất sử dụng để bảo quản không được tách hết tạp chất, hoặc sử dụng không đúng loại thì vô cùng nguy hại. Đặc biệt, với các đồ uống trôi nổi thế này, không thể kiểm soát được chất lượng”.

Theo giadinh.net

Mới nhất
x
Cẩn trọng với nước ép trái cây trôi nổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO