Cần xây dựng thương hiệu cho Làng nghề nước mắm Phú Lợi
(Baonghean) - Hàng trăm năm nay, người dân Làng nghề Phú Lợi (Quỳnh Dị, Quỳnh Lưu) luôn tự hào về sản phẩm nước mắm đặc biệt của quê hương mình. hiện nay, trước sự cạnh tranh của nhiều hãng nước mắm trên thị trường, nước mắm Quỳnh Dị cần được “chắp cánh” về thương hiệu…
Hương vị không thể trộn lẫn
Với cách chế biến đặc trưng tạo ra những hương vị khác biệt với các loại nước mắm khác đã tạo nên tên tuổi nước mắm Quỳnh Dị. Những năm 1990- 2000 là khoảng thời gian mà nghề nước mắm ở Quỳnh Dị thịnh vượng nhất. Lúc đó, nước mắm Quỳnh Dị làm đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Hàng được xuất đi nhiều tỉnh miền Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… Có nhiều hộ, nghề sản xuất nước mắm đã được lưu truyền hơn 4 đời. Vì thế, năm 2005, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận làng nghề cấp tỉnh với tên gọi Làng nghề nước mắm Phú Lợi.
Gia đình bà Trần Thị Ơng (xóm Phú Lợi 2, xã Quỳnh Dị) là một trong những hộ làm nghề lâu đời. Bản thân bà Ơng, cũng đã làm nghề được hơn 40 năm nay. Ban đầu là phụ giúp bố mẹ, rồi sau khi lấy chồng và ra ở riêng, bà tiếp tục sản xuất nước mắm. Mỗi năm, gia đình bà Ơng sản xuất được khoảng 1.500 lít nước mắm cốt từ lượng nguyên liệu khoảng 50 tấn cá. Cá được muối khoảng 12-14 tháng là chín và cho ra loại nước mắm có mùi thơm, màu vàng sậm, trong vắt và sánh.
Sản xuất nước mắm theo phương pháp cổ truyền ở Quỳnh Dị.
Bà Ơng chia sẻ: Khi sản xuất nước mắm, mỗi địa phương sẽ có một bí quyết riêng. Không những thế, mỗi gia đình có những bí quyết được giữ theo hình thức cha truyền con nối. Muốn có được loại nước mắm ngon, trước tiên phải có một nguồn nguyên liệu ngon. Nguyên liệu chủ yếu mà người dân Quỳnh Dị hay sử dụng là cá cơm. Cá phải tươi và được rửa sạch trước khi đưa vào ủ. Sau khi lựa chọn được cá tươi, thì tiến hành trộn cá với muối. Trong quá trình ủ, để tạo hương vị riêng cần thêm vào đó các loại phụ gia như vừng rang, gạo rang, đường kính... Khi trời nắng phải đánh khuấy để cá chín đều và sau hơn 1 năm là có thể sử dụng được. Ngoài phương pháp đánh khuấy, người dân còn sử dụng phương pháp gài nén, thời gian để cho ra được nước mắm là từ 15-20 tháng. Vì thế, nước mắm sẽ có vị đậm đà hơn.
Do cách muối cá như thế nên hàm lượng đạm trong nước mắm Quỳnh Dị luôn ở mức trên 35 độ đạm. Nhiều hộ dân đã giàu bằng nghề sản xuất nước mắm; nhà cửa, đường sá được xây dựng khang trang, rộng rãi. Đời sống nhân dân được nâng cao.
Cần lắm một thương hiệu
Sản phẩm nước mắm Quỳnh Dị nổi tiếng là thế, nhưng hiện nay, khâu tiêu thụ vẫn đang mạnh ai nấy lo. Mỗi năm, cả xã Quỳnh Dị sản xuất được khoảng hơn 2 triệu lít nước mắm. Trong đó có hàng chục hộ chế biến từ 50-100 tấn chượp/năm. Hộ ít thì cũng chế biến khoảng 20-30 tấn chượp. Sản phẩm nước mắm Quỳnh Dị được tiêu thụ khá mạnh vào những năm 2005 - 2008. Thế nhưng, bước sang năm 2009 đến nay, sản lượng tiêu thụ giảm hẳn. Đặc biệt là từ khi các nhãn hiệu nước mắm sản xuất theo công nghệ hiện đại như Chin su, Nam Ngư ra đời và quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì nước mắm được chế biến theo phương pháp cổ truyền nói chung rất khó tiêu thụ.
Một số hộ sản xuất lớn bán theo đơn đặt hàng, còn lại chủ yếu là bán lẻ trong huyện và các vùng phụ cận. Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, xóm Phú Lợi 1, xã Quỳnh Dị, nói: Lâu nay, gia đình vẫn bán hàng cho các mối thân quen. Khi thì họ đến lấy, có khi họ gọi điện và chúng tôi chở đi. Ngoài ra, gia đình cũng phải đi bán lẻ tại các cửa hàng tạp hóa, đại lý. Mặc dù tham gia vào làng nghề nhưng khâu tiêu thụ vẫn đang là nhà nào biết nhà đó. Họ có đề nghị chúng tôi đăng ký nhãn hiệu, nhưng gia đình sợ tốn kém tiền bạc nên vẫn chưa làm.
Bà Trần Thị Hệ là một người sản xuất nước mắm lâu năm tại xã Quỳnh Dị. Hiện nay, toàn bộ cơ sở bà đã giao lại cho người con trai là Nguyễn Văn Thành quản lý. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về những khó khăn trong khâu tiêu thụ, bà Hệ thở dài: “Càng ngày, nước mắm Quỳnh Dị tiêu thụ càng khó khăn hơn nhiều so với trước đây. Năm nay, giá nguyên liệu rồi các loại chi phí khác tăng cao nên giá thành nước mắm cũng sẽ giao động. Tuy nhiên, gia đình vẫn giữ mức giá bán như cũ vì chúng tôi chủ yếu bán cho khách quen và bán nhỏ lẻ qua các tư thương.
Không chỉ yếu về khâu quảng bá, đăng ký xây dựng thương hiệu mà nước mắm được chế biến theo phương pháp thủ công còn hạn chế là có độ mặn cao, khi ăn thường phải mất công pha chế; khi nước mắm để lâu sẽ có màu đen, đây là điểm yếu của nước mắm Quỳnh Dị. Hơn nữa, việc đóng gói sản phẩm chưa hợp lý, mẫu mã chưa bắt mắt người tiêu dùng nên khó cạnh tranh trên thị trường. Hầu hết, các hộ làng nghề nước mắm Phú Lợi đều đang ở quy mô hộ, nên việc thu gom khối lượng lớn để đáp ứng những đơn hàng lớn hay thâm nhập vào các siêu thị, đại lý cũng đang gặp khó. Vì vậy, việc xây dựng, củng cố và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nước mắm của Làng nghề Phú Lợi là vô cùng cần thiết.
Bài, ảnh: Phạm Bằng