Cần xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề

25/11/2013 18:31

(Baonghean) - Hiện trên địa bàn huyện Hưng Nguyên có 5 làng nghề được công nhận và một số làng có nghề như rượu nếp Hưng Tân, mộc Hưng Long, gò hàn Hưng Thịnh, ép dầu lạc Hưng Xuân. Mặc dù các làng nghề đã được công nhận khá lâu, thế nhưng hiện chưa có làng nghề nào xây dựng được thương hiệu sản phẩm.

Làng nghề bánh đa, kẹo lạc Đông Nhật (xã Hưng Châu) mặc dù đã có từ lâu và sản phẩm khá chất lượng nhưng hiện vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. Vì vậy, bánh đa, kẹo lạc sản xuất tại làng Đông Nhật – Hưng Châu song nhãn mác lại đặt tên không phải của làng. Hiện trong làng có 20 hộ chuyên sản xuất bánh đa, kẹo lạc với thu nhập bình quân từ 150 triệu đến 200 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên với thu nhập từ 1,5 – 3 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Phú – một trong những hộ chuyên sản xuất kẹo cu đơ của làng nghề cho biết: Nhờ nghề gia truyền này mà anh chị nuôi 4 người con trưởng thành. Từ chỗ chỉ bán được 5 gói kẹo lạc mỗi ngày, chuyển sang làm cu đơ, chị Phú đã bán được 10 gói, rồi lên 20 gói, 50 gói... Đến nay sản phẩm của gia đình đã được bày bán trên các sạp hàng ở chợ Vinh, chợ Xuân An, đền Củi – Hà Tĩnh.

Để có đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường, anh chị vay thêm vốn, thuê người làm, đóng gói. Trong nhà lúc nào cũng có hai nhân công thường xuyên, lương tháng từ 1,5 – 2 triệu đồng/người. Những lúc thời vụ, anh chị phải thuê thêm nhân lực mới đủ hàng để giao. Ngoài bán ra thị trường, cu đơ của chị Phú còn được nhiều khách hàng quen đặt mua làm quà biếu mỗi lần đi xa hay có khách đến chơi nhà. Trung bình mỗi ngày cơ sở của chị Phú sản xuất hơn 100 bao cu đơ các loại. Đời sống gia đình ngày càng khấm khá hơn nhờ nghề làm kẹo lạc. Tuy nhiên chị Phú cũng có nhiều trăn trở: “Buôn bán thương trường nhiều năm nên chị biết, trước đây do đời sống còn khó khăn nên người tiêu dùng chưa để ý đến thương hiệu, nhãn mác của sản phẩm. Nhưng hiện nay, khi khắp nơi các làng nghề truyền thống đang duy trì và phát triển mạnh thì việc đặt tên cho sản phẩm của mình là điều rất quan trọng. Có như thế mới khẳng định được thương hiệu sản phẩm của làng nghề đó khác với sản phẩm của các làng nghề khác như thế nào. Nếu không có thương hiệu, nhãn mác ghi rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng, người tiêu dùng rất ngại mua vì sợ hàng không chất lượng, hoặc nếu có chuyện gì xảy khi sử dụng sản phẩm thì biết kêu ai”.

Nghề sản xuất bánh đa, kẹo lạc của Làng nghề Đông Nhật – Hưng Châu mang lại thu nhập ổn định cho bà con.
Nghề sản xuất bánh đa, kẹo lạc của Làng nghề Đông Nhật – Hưng Châu mang lại thu nhập ổn định cho bà con.

TIN LIÊN QUAN

Cũng như các làng nghề khác, rượu Phúc Mỹ cũng chưa xây dựng được thương hiệu. Phúc Mỹ là một trong những làng có nghề nấu rượu truyền thống từ bao đời nay, thời điểm hưng thịnh cả làng có tới 250 hộ tham gia nấu rượu, theo thời gian giảm xuống 120 hộ và nay duy trì 100 hộ chuyên nấu rượu nếp cổ truyền. Rượu Phúc Mỹ uống êm, có mùi thơm đặc trưng của nếp Hưng Châu nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Để có một nồi rượu ngon, theo chị Nguyễn Thị Nhung – người có thâm niên nấu rượu trên 10 năm cho biết: Rượu ngon phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trước hết là phải chọn loại men Bắc Giang (ngon hơn các loại men khác vì có mùi vị thuốc bắc đặc trưng), nếp phải là nếp ta (dòng 98).

Gia đình chị Nhung, mỗi ngày trung bình nấu 3 nồi rượu được thành phẩm khoảng 30 lít, theo giá thị trường hiện nay, mỗi lít rượu là 35 ngàn đồng, như vậy mỗi ngày gia đình chị thu về hơn 1 triệu đồng chưa kể phụ phẩm của rượu cung cấp đủ nuôi 10 con lợn thịt trong chuồng. Tuy nhiên, điều mà chị Nhung cùng các hộ trong làng nghề Phúc Mỹ trăn trở nhất hiện nay là thương hiệu rượu Phúc Mỹ vẫn chưa có trên thị trường, chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhiều gia đình trong làng nghề vẫn phải mượn thương hiệu rượu của các làng nghề khác để bán.

Bà Bá Thị Dung – Phó phòng Nông nghiệp huyện chia sẻ: Thực ra các làng nghề đã được công nhận nhưng vẫn đang tự thân vận động. Sau khi được công nhận làng nghề, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh trong xây dựng đường giao thông nông thôn vào các làng nghề để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển sản phẩm thì huyện, xã cũng chưa vào cuộc hỗ trợ chính sách, khai thác thị trường đầu ra cho sản phẩm để phát triển làng nghề bền vững… mà tất cả vẫn phụ thuộc vào sự năng động của chính các hộ trong làng nghề. Mang tiếng là làng nghề nhưng sản phẩm làm ra chưa có thương hiệu, mạnh ai nhà ấy tự tiêu thụ, tự tìm đầu ra. Chính vì thế, vừa qua, huyện Hưng Nguyên đã giao phòng Nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn xã Hưng Châu trước mắt tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rượu nếp làng Phúc Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Hải – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hưng Châu – người được UBND xã Hưng Châu giao nhiệm vụ trực tiếp xâu nối với các ban, ngành liên quan để xây dựng thương hiệu sản phẩm rượu Phúc Mỹ cho biết: Gia đình ông cũng chuyên nghề nấu rượu, nghề cha truyền con nối của làng Phúc Mỹ. Tuy nhiên, rượu làng Phúc Mỹ ngon nhưng trên thị trường vẫn chưa nhiều người biết, người ta mới biết đến rượu Nghi Phú, Nghi Ân là chủ yếu. Làm thế nào để khẳng định thương hiệu rượu nếp Phúc Mỹ, bánh đa kẹo lạc Đông Nhật là điều mà bà con làm nghề luôn đau đáu. Trước mắt, xã Hưng Châu đang tập trung xây dựng thương hiệu rượu nếp Phúc Mỹ. Hiện nay, đã tiến hành xây dựng lô gô cho sản phẩm mang tên “Đặc sản rượu nếp Hưng Nguyên – làng Phúc Mỹ xã Hưng Châu” và đang tiến hành khẩn trương các bước tiếp theo như thành lập Hiệp hội làng nghề, tiến hành tham quan học hỏi các làng nghề nấu rượu đã có thương hiệu như rượu Làng Vân – Bắc Giang để học tập quy trình sản xuất rượu theo hướng công nghiệp nhưng vẫn giữ nguyên vẹn hương vị của sản phẩm…

Với những khởi động khẩn trương như vậy, hy vọng một thời gian không xa nữa, các làng nghề trên địa bàn huyện Hưng Nguyên sẽ sớm xây dựng được thương hiệu riêng, khẳng định sản phẩm đặc trưng của quê hương mình.

Bài, ảnh: Thanh Thủy

Mới nhất
x
Cần xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO