Cần xem lại quy hoạch trồng cao su ở Nghệ An
(Baonghean) - Cơn bão số 10 và số 11 vừa qua đã làm hàng chục ngàn ha cao su của Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị bị đổ gãy. Riêng Quảng Bình, bão số 11 đã làm 13.797 ha cao su bị gãy đổ, chiếm khoảng 60% diện tích cao su của Quảng Bình, thiệt hại ước khoảng 3.500 tỷ đồng, gần bằng 3 năm thu thuế của cả tỉnh Quảng Bình. Nói thế để thấy được mất mát quá lớn từ trận bão số 11 đã gây ra cho Quảng Bình, một tỉnh nghèo của miền Trung.
Cao su là cây thân gỗ, có chiều cao khoảng 20m, rễ trụ ăn sâu 1,5m. Cây cũng có khả năng chịu nắng hạn 4-5 tháng. Cao su thích hợp nhất là trồng ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, thích hợp với đất rừng, yêu cầu là đất tốt, thoát nước. Cây 5 tuổi là có thể thu hoạch mủ và thời gian thu hoạch mủ kéo dài từ vài ba chục năm.
Nhưng cây cao su có đặc điểm là giòn và dễ gãy, đặc biệt là không chịu được bão gió từ cấp 8 trở lên. Nếu gió mạnh sẽ làm cho lượng bốc hơi qua lá tăng lên, cành thân càng thêm giòn, dễ gãy. Tốc độ gió 3m/s cây phát triển không bình thường, bởi vậy nên trồng nơi kín gió.
Vài năm gần đây, mủ cao su có giá nên cao su được nhiều địa phương đua nhau trồng. Đã có nhiều phương án trồng cao su được lựa chọn: cao su tiểu điền, cao su của nông, lâm trường, của các doanh nghiệp… Tập đoàn Cao su Việt Nam với nhiều công ty thành viên cũng tỏa rộng xuống các tỉnh miền Trung, miền Bắc để mở mang diện tích.
Nghệ An cũng vậy, không ồ ạt như các tỉnh khác nhưng dự án cao su của Nghệ An cũng là một dự án tầm cỡ với qui hoạch 17.000 ha, được triển khai ở Thanh Chương, Anh Sơn, Quế Phong, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Nghệ An hiện có 8.841 ha cao su, trong đó dự án của Công ty Cao su Nghệ An khởi động từ năm 2007, đến nay tỉnh ta mới trồng được gần 2.000 ha, tập trung ở Anh Sơn, Thanh Chương, Quế Phong.
Từ thảm cảnh cao su sau bão số 11 vừa qua ở Quảng Bình, nên chăng cần xem lại qui hoạch trồng cao su ở tỉnh ta. Năm 2010, hơn 7 vạn cây cao su ở Tân Kỳ cũng bị gãy đổ khi gặp bão. Cao su là cây khi trồng yếu tố đầu tiên cần xem xét là thời tiết rồi mới đến khí hậu, thổ nhưỡng. Liệu những vùng qui hoạch trồng cao su của tỉnh ta có kín gió, đã có rừng vành đai chắn gió bảo vệ hay chưa, đất quá dốc hay không. Đất quá dốc, không có mạch nước ngầm hay gió nhiều, gió mạnh cây cũng không phát triển được dễ đổ gãy khi gặp thiên tai.
Một yếu tố nữa để trồng cao su hiệu quả là giống. Vừa qua ở tỉnh Đắc Nông, nông dân đã chặt bỏ hàng ngàn ha cao su bởi không cho mủ, hoặc mủ ít, không hiệu quả. Đắc Nông có 5000 ha cao su tiểu điền thì được biết chỉ 40% trong đó là hiệu quả. Nguyên nhân là giống kém chất lượng. Bởi vậy, nếu trồng cao su mà người dân thiếu hiểu biết về giống hoặc doanh nghiệp cũng cấp giống không đảm bảo thì trồng xong đợi cho được đến lúc thu hoạch rồi lại thất vọng. Quả thật không “dễ ăn” với cây cao su. Nên chăng cần cẩn trọng khi mở rộng diện tích trồng cao su. Hơn nữa cần có cam kết giữa doanh nghiệp và người trồng: Khi gặp thiên tai cao su đổ gãy hết thì chia sẻ trách nhiệm thế nào?
Châu Lan.