Cần xem xét, điều chỉnh giá nước sinh hoạt ở thị trấn Hòa Bình(Tương Dương)

22/09/2014 09:19

(Baonghean) - Thời điểm vừa qua, ở Thị trấn Hòa Bình và bản Chắn, bản Phòng của xã Thạch Giám (Tương Dương), việc giá nước sinh hoạt tăng cao gây bức xúc trong nhân dân và trong các cơ quan đứng chân trên địa bàn...

Rất nhiều hộ dân ở dọc Quốc lộ 7, đoạn Thị trấn Hòa Bình bày tỏ sự không đồng tình khi Nhà máy nước thực hiện mức thu mới là 5.800 đồng/m3 nước sinh hoạt cho 10m3 đầu, lũy tiến theo từng thang 10m3 sau đó. Như ông N.V.P (theo yêu cầu của ông nên chúng tôi chưa tiện nêu tên đầy đủ - PV) vì phải đóng tiền nước sinh hoạt cao hơn gấp đôi trước đây nên đã bức xúc: "Hết sức vô lý. Ở đây, toàn bộ hạ tầng nước đều do Chính phủ Luých - xăm - bua cho không, nước nguồn lấy từ núi về, chỉ qua lọc thô rồi cung cấp cho dân theo hệ thống đường ống tự chảy. Nhà máy nước chỉ mất ít tiền đầu tư duy tu, sửa chữa, hóa chất lắng lọc và coi sóc bảo vệ, tại sao tính giá nước ở Tương Dương ngang bằng với Thành phố Vinh. Trước đây, khi giá nước 2.500 đồng/m3, gia đình tôi trả khoảng 200 - 350 nghìn đồng. Bây giờ giá nước là 5.800 đồng, lại tính lũy tiến theo khung 10m3 một lần, mỗi tháng tôi phải trả đến trên 600 nghìn đồng”. Theo ông N.V.P, vì bất bình nên nhân dân thị trấn và 2 bản của xã Thạch Giám đã kêu lên chính quyền thị trấn, xã, huyện để đề nghị tỉnh chỉ đạo công ty nước điều chỉnh...

Hệ thống bể chứa của Nhà máy nước Thị trấn Hòa Bình.
Hệ thống bể chứa của Nhà máy nước Thị trấn Hòa Bình.

Tính theo giá nước hiện tại, Bệnh viện huyện Tương Dương sẽ phải trả từ 30 - 40 triệu đồng tiền nước mỗi tháng. Theo ông Lương Văn Phùng - Giám đốc Bệnh viện, nước sinh hoạt nơi đây lấy từ đường ống dẫn nước nguồn về trạm nước huyện, chưa qua xử lý. Vì vậy, nước được đưa về bể chứa, bệnh viện phải mua hóa chất xử lý, sau đó mới sử dụng. "Trước đây, tiền nước hàng tháng khoảng từ 2,8 - 3 triệu đồng. Khi có giá nước mới, người của trạm nước về tính giá trên 8.000 đồng/m3. Bệnh viện thắc mắc họ giảm xuống cho 10%, còn trên 7.000 đồng/m3. Hiện nay, bệnh viện Tương Dương chưa trả tiền nước...".

Trước vấn đề giá nước sinh hoạt tăng cao gây bức xúc trong nhân dân, HĐND, UBND Thị trấn Hòa Bình đã báo cáo UBND huyện. Chị Lương Thị Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Hòa Bình cho rằng bức xúc của nhân dân là chính đáng, cần được cấp thẩm quyền quan tâm giải quyết. Về cảm quan cá nhân, chị Ngọc nói: "Nhà tôi gồm 2 gia đình, 9 khẩu chung một đồng hồ nước. Trước đây, mỗi tháng hết khoảng 100 nghìn đồng, nay hết 250 - 300 nghìn đồng. Nhiều hộ dân thị trấn bây giờ phải trả đến 500 - 600 nghìn đồng/tháng, cá biệt có người phải trả đến 1 triệu đồng. Không ai đồng ý tính giá nước như vậy. Công trình cấp nước là tiền dự án chứ công ty nước có phải bỏ ra đâu. Nước đâu đã phải được lắng lọc đạt chuẩn, lại có phải vận hành gì, trong khi đó, đời sống nhân dân còn khó khăn...".

Làm việc với Phòng Công Thương huyện Tương Dương, được biết, ngày 8/7/2014, UBND huyện Tương Dương đã có Công văn số 619/UBND-CT gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính đề nghị xem xét giá tiêu thụ sản phẩm nước sạch trên địa bàn Thị trấn Hòa Bình và 2 bản thuộc xã Thạch Giám. Theo Công văn 619, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 về việc quy định giá tiêu thụ sản phẩm nước sạch, nhân dân Thị trấn Hòa Bình có nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng giá quy định chưa phù hợp. Cũng tại Công văn 619 nêu, Nhà máy nước Hòa Bình hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12/2006, nguồn vốn do Dự án phát triển nông thôn miền Tây Nghệ An VIE/208 tài trợ không hoàn lại, với công suất 800m3/ngày đêm. Nguồn nước cung cấp bằng phương pháp tự chảy, hệ thống xử lý đơn giản, có xử lý vi sinh bằng chích clo. Nhà máy nước Hòa Bình cung cấp nước cho 843 hộ dân thị trấn, 360 hộ dân xã Thạch Giám và 38 cơ quan, đơn vị hành chính, bệnh viện, trường học... Tháng 3/2012, Nhà máy nước Hòa Bình được giao lại cho Công ty TNHH 1TV cấp nước Nghệ An theo Quyết định số 1947/QĐ-UBND ngày 2/6/2011 của UBND tỉnh. Từ đó đến nay, Công ty TNHH 1TV cấp nước Nghệ An đã đầu tư thêm 200 triệu đồng để lắp đặt thêm hệ thống chích phèn, hệ thống chích giaven và cải tạo lại bể lắng cặn. Giá tiêu thụ sản phẩm trước khi có Quyết định số 39 của UBND tỉnh, thì được tính theo Quyết định số 1051/QĐ-UBND ngày 25/12/2006 của UBND huyện Tương Dương, 2.500 đồng/m3 đối với hộ dân và cơ quan đơn vị trên địa bàn thị trấn; 1.500 đồng/m3 đối với hộ dân xã Thạch Giám.

  Người dân bản Phòng, xã Thạch Giám sử dụng nước sinh hoạt tự chảy từ Nhà máy nước Thị trấn Hòa Bình về.
Người dân bản Phòng, xã Thạch Giám sử dụng nước sinh hoạt tự chảy từ Nhà máy nước Thị trấn Hòa Bình về.

Và vì người dân có ý kiến Công ty TNHH 1TV cấp nước Nghệ An không phải tính khấu hao tài sản; vận hành bằng phương pháp tự chảy; công nghệ xử lý nước đơn giản, thủ công; nước cung cấp cho địa bàn thị trấn, một bộ phận dân nghèo xã Thạch Giám của huyện nghèo thuộc khu vực 3, nên UBND huyện Tương Dương đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính "nghiên cứu, xem xét để thực hiện tốt công tác quản lý và khai thác có hiệu quả Nhà máy nước Thị trấn Hòa Bình".

Trả lời kiến nghị của UBND huyện Tương Dương, tại Công văn số 2404 ngày 24/8, Sở Tài chính cho rằng, Nhà máy nước Thị trấn Hòa Bình đã bàn giao về Công ty TNHH 1TV cấp nước Nghệ An. Công ty này "có trách nhiệm đầu tư các hạng mục phục vụ sản xuất nước sạch đạt tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền ban hành và thực hiện hạch toán chi phí, trích khấu hao tài sản đối với mọi nguồn vốn để đảm bảo tái đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Giá tiêu thụ sản phẩm nước sạch do Công ty TNHH 1TV cấp nước Nghệ An cung ứng phải tuân theo mức giá tiêu thụ sản phẩm nước sạch quy định tại Quyết định 39/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND tỉnh. Như vậy, các hộ dân trên địa bàn Thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương tiêu thụ sản phẩm nước sạch do Công ty TNHH 1TV cấp nước Nghệ An cung ứng thực hiện theo Quyết định số 39...". Theo đánh giá của cán bộ Phòng Công Thương Tương Dương thì Sở Tài chính ra công văn, nhưng chưa đánh giá đúng tình hình thực tế.

Gặp gỡ cán bộ Nhà máy nước Thị trấn Hòa Bình, họ cũng chẳng mấy vui với việc điều chỉnh giá, vì việc thu tiền nước gặp khó khăn và luôn bị người dân phản ứng. Tại nơi đặt bể chứa nước trên đỉnh đồi cao (thuộc bản Phòng, xã Thạch Giám), anh Trần Minh Sử - Trạm trưởng cho biết, nước được lấy từ khe Chi qua hệ thống tự chảy. Sau đó, được xử lý và rồi qua hệ thống tự chảy về người sử dụng. "Tôi cho rằng, ý kiến của người dân không sai. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá là do tỉnh quyết định, chúng tôi chỉ là những người thực hiện. Chúng tôi nói với người sử dụng, có gì thì nên kiến nghị để trên xem xét. Bây giờ tạm thu, nếu sau này có điều chỉnh thì sẽ tính lại. Hiện nay, tình hình thu rất khó khăn, mới chỉ non 1/2 người sử dụng nước nộp tiền. Dù vậy, chúng tôi cũng không cắt nước sinh hoạt của họ, chỉ yêu cầu xác nhận, nêu lý do và tổng hợp có báo cáo thường xuyên để công ty biết...", anh Sử nói.

Theo Thông tư 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012 của Bộ Tài chính về việc ban hành khung giá tiêu thụ nước sinh hoạt, thì mức giá tối thiểu của nước sạch khu vực nông thôn là 2.000 đồng/m3, tối đa là 11.000 đồng/m3; Nghiên cứu Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 về việc Hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn (là Thông tư mà Sở Tài chính trích dẫn tại Công văn số 2404). Tại Điểm 2, Điều 9, Chương IV (Thẩm quyền quyết định giá nước sạch) nêu: "...UBND cấp tỉnh thực hiện hướng dẫn về thẩm quyền quản lý, thẩm quyền quy định giá nước và mức giá nước cụ thể đối với công trình nước sạch, giá nước ở các công trình cấp nước quy mô nhỏ do cộng đồng quản lý, giá nước ở khu vực nông thôn do công đồng dân cư tự thỏa thuận bỏ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh".

Với quy định tại Thông tư số 88, Thông tư liên tịch số 75 của Bộ Tài chính, và với những gì được nghe, được thấy, rõ ràng, việc người dân Thị trấn Hòa Bình và 2 bản xã Thạch Giám cùng chung giá nước sinh hoạt với người dân khu vực đô thị là bất hợp lý. Sự bất hợp lý này cần được cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh.

Tại Thông báo số 1252 - TB/TU ngày 11/9/2014 của Thường trực Tỉnh ủy kết luận Hội nghị giao ban các huyện, thành, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc tháng 9/2014 nêu rõ: Về xem xét lại giá nước sạch áp dụng đối với Thị trấn Tương Dương: Giao UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính và các ngành tham mưu xem xét điều chỉnh hợp lý.

Nhật Lân

Mới nhất

x
Cần xem xét, điều chỉnh giá nước sinh hoạt ở thị trấn Hòa Bình(Tương Dương)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO