Cần xử nghiêm xây dựng nhà trái phép ở Quỳnh Lưu

03/01/2017 11:34

(Baonghean) - Lợi dụng địa bàn xa khu dân cư và sự lỏng lẻo trong quản lý tài nguyên đất ở cơ sở, từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có 99 trường hợp lấn chiếm đất và xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp và rừng phòng hộ với diện tích hàng nghìn m2.

Ngôi nhà kiên cố khang trang xây trái phép tại đê sông Hào, xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu).
Ngôi nhà kiên cố khang trang xây trái phép tại đê sông Hào, xã Quỳnh Bá. (Ảnh: Như Thủy)

Năm 2009, thực hiện chương trình chuyển đổi đất, xã Quỳnh Thạch đã chuyển đổi toàn bộ cánh đồng Láng trồng lúa không hiệu quả sang mô hình nuôi vịt sinh học. Hầu hết các hộ dân đều phấn khởi và tuân thủ các quy định pháp luật về quy hoạch chuồng trại.

Tuy nhiên gần đây, người dân địa phương bức xúc trước tình trạng hộ ông Nguyễn Sỹ Luân, xã Quỳnh Thạch tự ý xây dựng công trình kiên cố gồm 1 nhà ở cấp 4, nhà bếp, bể cạn, mái tôn, thậm chí còn lắp cả máy điều hòa phục vụ sinh hoạt gia đình ngay trên đất nông nghiệp.

Một người dân bức xúc: “Trên địa bàn Quỳnh Thạch có hộ nhà ông Luân xây nhà ở trên đất nông nghiệp mà UBND xã không có biện pháp ngăn chặn kịp thời nên bà con xã viên rất phản đối. Theo tôi nghĩ người dân chưa hiểu luật pháp xây nhà ở trên đất 2 lúa thì sai. Nhưng đây là một đảng viên, là cán bộ mà làm thế thì người dân rất bất bình.

Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, tự ý xây dựng, cơi nới công trình trái phép trên đất nông nghiệp không chỉ xảy ra trên địa bàn Quỳnh Thạch mà ngay tại xã Quỳnh Hồng cũng đang là vấn đề nóng. Vào năm 2010, thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất, cánh đồng rộng gần 20ha được UBND xã Quỳnh Hồng giao cho 17 hộ dân tham gia mô hình nuôi cá rô phi đơn tính.

Trung bình mỗi hộ được nhận từ 5 đến 6 sào đất với mức thuế phải đóng cho UBND xã là 1 triệu đồng/sào/năm. Tuy nhiên trên thực tế, người dân thực hiện mô hình thì ít mà nhà ở mọc lên thì nhiều. Đặc biệt, có những hộ còn đưa cả gia đình ra sinh sống, thậm chí sắm cả máy xay xát phục vụ “khu dân cư bất hợp pháp”.

Ngôi nhà ở của hộ ông Hồ Sỹ Luân Xóm 4, Quỳnh Thạch xây trái phép trên đất nông nghiệp. (Ảnh Như Thủy)
Ngôi nhà ở của hộ ông Hồ Sỹ Luân ở xóm 4, Quỳnh Thạch xây trái phép trên đất nông nghiệp. (Ảnh Như Thủy)

Mặc dù tình trạng trên đã diễn ra trong thời gian dài nhưng việc xử lý, giải quyết của chính quyền địa phương còn hết sức chậm chạp, lúng túng. Ông Hồ Nghĩa Đường - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hồng cho biết: “Mặc dù đã có kết luận thanh tra của huyện Quỳnh Lưu đề nghị xử lý hành vi vi phạm của các hộ dân. Tuy nhiên, vì công trình người dân xây dựng đều rất kiên cố cho nên cưỡng chế tháo gỡ rất khó khăn? Hiện nay, địa phương cũng đang làm tờ trình đề nghị huyện giúp đỡ về mặt pháp lý, hướng dẫn cụ thể để tiến hành xử lý các hộ dân vi phạm xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, tránh dư luận xấu trong nhân dân”.

Theo báo cáo từ phòng Tài nguyên và Môi Trường huyện, tính đến nay, toàn huyện đã phát hiện 99 trường hợp vi phạm với tổng diện tích gần 38.000m2 đất, tập trung nhiều ở các xã Quỳnh Bá, Quỳnh Hồng, Quỳnh Hưng, Quỳnh Đôi và Quỳnh Tân. Trong đó lấn chiếm đất có 11 trường hợp và 88 trường hợp là sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ sai mục đích.

Hầu hết địa hình xảy ra lấn chiếm, xây nhà, trang trại trái phép chủ yếu là vùng sâu, vùng xa. Lợi dụng đặc điểm này nên các hộ dân tự ý tập kết nguyên vật liệu, thuê nhân công tiến hành xây nhà ở, công trình sinh hoạt, trang trại chăn nuôi trái với quy định của Nhà nước. Điều đáng nói ở đây là hầu hết các vụ việc chỉ được phát hiện khi có đơn thư tố cáo, tranh chấp hoặc nguồn tin báo của nhân dân, còn vai trò giám sát quản lý nhà nước của các xã, thị trấn thì vẫn rất hạn chế nên gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo quy định pháp luật mỗi mô hình chăn nuôi gồm cá lúa, gia súc, gia cầm trên đất nông nghiệp chuyển đổi sẽ được phép xây một lều canh giữ với diện tích nền không quá 30m2 và chiều cao không quá 4m. Còn các hộ dân nhận khoán chăm sóc rừng phòng hộ có quyền tận thu nguồn củi khô, cây tạp, măng rừng. Đồng thời có nghĩa vụ chăm sóc bảo vệ, trồng rừng phòng hộ theo quy định.

Tất cả mọi hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, xây dựng nhà ở, trang trại kiên cố đều bị xử lý theo pháp luật. Theo lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Lưu thì, để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc để xử lý hoặc xử lý nhưng còn mang tính hình thức. Còn trách nhiệm của ngành là chưa chỉ đạo quyết liệt.

Một trang trại nuôi lợn xây trái phép trên rừng phòng hộ tại xóm 4, xã Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu
Một trang trại nuôi lợn xây trái phép trên rừng phòng hộ tại xóm 4, xã Quỳnh Tân. (Ảnh: Như Thủy)

Phá rừng phòng hộ để lập trang trại, nhân dân đua nhau đưa nhà ra đồng, xây công trình kiên cố trên đất 2 lúa. Đó là thực trạng đang diễn ra trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, báo động việc quản lý tài nguyên đất ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai mục đích.

Thiết nghĩ đã đến lúc cần có những giải pháp mạnh xử lý các hộ vi phạm, đồng thời tăng cường vai trò giám sát từ cơ sở để giải quyết triệt để tình trạng này. Theo ông Năm trong thời gian tới, UBND huyện Quỳnh Lưu sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành rà soát lại tất cả các hộ vi phạm, đo đếm từng hạng mục công trình để đồng loạt cưỡng chế, tháo gỡ vi phạm, trả lại hiện trạng cho đất rừng phòng hộ, cũng như đất nông nghiệp./.

Như Thủy

(Quỳnh Lưu)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cần xử nghiêm xây dựng nhà trái phép ở Quỳnh Lưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO