Canada gồng mình chống khủng bố trên "sân nhà"!
(Baonghean) - Sau 2 vụ tấn công khủng bố khiến dư luận Canada rúng động hồi tuần trước, chính phủ nước này đã buộc phải điều chỉnh các chính sách liên quan đến công cuộc chống lại mối nguy này. Theo đó, một dự thảo Đạo luật Bảo vệ Canada vừa được chính phủ nước này thông qua.
![]() |
Thủ tướng Canada Stephen Harper tăng cường các nỗ lực chống khủng bố từ trong nước. (Nguồn: Reuters) |
Liệu đố có phải là biện pháp hiệu quả để Canada tự bảo vệ mình, khi mà mối nguy khủng bố không dừng lại ở biên giới Syria hay Iraq mà đang từng bước len lỏi vào bất kỳ quốc gia nào trên toàn thế giới?
Hình ảnh một quốc gia an toàn hàng đầu thế giới, hiếm khi xảy ra tình trạng bạo lực của Canada đã hoàn toàn bị phá vỡ trong tuần vừa qua, với các vụ tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra ngay tại Thủ đô Ottawa và gần tòa nhà Quốc hội nước này. Các vụ khủng bố đã buộc chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper phải có những điều chỉnh chính sách liên quan đến khủng bố, sau rất nhiều tuyên bố khẳng định: “Canada không bao giờ bị đe dọa bởi các vụ khủng bố”. Những lo lắng về an ninh cũng đã khiến Thủ tướng Stephen Harper phải hủy kế hoạch tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
Không thể phủ nhận thực tế là trong nhiều năm qua, Canada đã rất thành công với chiến lược chống khủng bố của mình. Một thông tin ấn tượng mà Cơ sở dữ liệu chống khủng bố toàn cầu thông báo mới đây rằng, chỉ có duy nhất 1 người Canada bị thiệt mạng do khủng bố trong suốt giai đoạn hơn 10 năm (2002 - 2013). Kinh nghiệm là Chính phủ Canada đã liên tục đầu tư tài chính và nguồn lực vào công tác phát hiện sớm các nguy cơ và thách thức do các nhóm khủng bố có thể gây ra trong nước. Thế nhưng một điều dễ thấy rằng, bối cảnh hiện nay đã khác trước. Dư luận đã đặt ngay vấn đề này khi các vụ khủng bố tại Canada diễn ra chỉ ít ngày sau khi nước này tham gia chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tại Iraq do Mỹ đứng đầu. Bên cạnh đó, giới phân tích còn cho rằng, việc Canada liên minh với Mỹ chống khủng bố trong suốt 12 năm qua hay can thiệp quân sự vào Afghanistan đã khiến Canada đã trở thành đối tượng “trong tầm ngắm” của các tổ chức khủng bố toàn cầu. Nguy hiểm hơn là ở chỗ, chủ nghĩa khủng bố đã không chỉ chĩa mũi nhọn từ bên ngoài lãnh thổ Canada, mà còn trở thành những quả bom nổ chậm ngay trong lòng đất nước, thậm chí đã có cả những kẻ khủng bố có quốc tịch Canada. Theo thống kê, hiện có hơn 130 người Canada ở nước ngoài bị nghi ngờ tham gia các hoạt động khủng bố ở Iraq, Syria và các quốc gia khác.
Với mối nguy hiểm rõ ràng như vậy, Chính phủ Canađa đã thông qua dự luật tăng quyền hạn cho các cơ quan an ninh nước này. Theo đó, đạo luật đã tăng thêm quyền hạn cho Cơ quan tình báo, cho phép cơ quan này tiến hành điều tra cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đưa ra các điều khoản sửa đổi về mặt kỹ thuật đối với Đạo luật Tăng cường quyền công dân. Canada cho phép Bộ Công dân và Nhập cư Canada thu hồi quyền công dân đối với những người Canada có 2 quốc tịch bị buộc tội khủng bố, phản quốc hoặc gián điệp quốc phòng tùy theo tội danh phán quyết. Vào lúc này, chưa biết hiệu quả của các sửa đổi này ra sao, tuy vậy, chắc chắn trong nội bộ Canada vẫn sẽ còn nhiều tranh cãi khác như: liệu lực lượng cảnh sát đã được trang bị đầy đủ vũ khí để ứng phó với các vụ khủng bố tương tự như tuần trước hay không? Liệu luật quản lý và sử dụng vũ khí ở Canada có được siết chặt và liệu chính sách đối ngoại của Canada sẽ phải điều chỉnh theo hướng nào để tránh tình huống “thù trong giặc ngoài”?... Đây không chỉ là những việc mà chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper sẽ phải cân nhắc mà còn là vấn đề nan giải đối với rất nhiều nước khác, đặc biệt là các nước phương Tây đang cùng Mỹ tham gia sứ mệnh chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tại Iraq và Syria.
Thực tế cho thấy, mặc dù chiến dịch chống IS bước đầu đã có những kết quả khả quan, nhưng những “con sói đơn độc” - phần tử hồi giáo thánh chiến cực đoan lại đang len lỏi trở lại và “đánh bom” ngay trên quê hương mình. Đây quả thực là những mối nguy khó lòng có ngay lời giải, khiến các nước đang phải tự tìm các giải pháp để bảo vệ mình. Ví dụ như Pháp đang trong quá trình thông qua một đạo luật cho phép áp đặt lệnh cấm di chuyển với bất kỳ đối tượng nào bị tình nghi và đưa ra án phạt cho “những con sói độc hành”; Australia cũng đã thông qua dự thảo sửa đổi Luật An ninh quốc gia với những quy định mới tăng cường phòng chống khủng bố; trong khi nhiều quốc gia khác cũng đang xem xét các biện pháp ngăn ngừa hành vi khủng bố và tăng cường an ninh nội địa. Chắc chắn, đây sẽ còn là một trận chiến cam go và lâu dài của tất cả các quốc gia trên toàn cầu.
Phương Hoa