Cảng biển - mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển Nghệ An
(Baonghean) - Với 82 km bờ biển và 6 cửa lạch, Nghệ An có một vị trí chiến lược về kinh tế và an ninh quốc phòng. Nơi đây có tiềm năng về phát triển cảng biển vốn đang được Chính phủ quan tâm thu hút đầu tư hàng đầu trong danh mục các dự án đầu tư của chiến lược biển Việt Nam.
Vùng biển Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm của các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng, trên tuyến trục Bắc- Nam và Đông Tây của miền Trung, trên hành lang của tuyến đường hàng hải quốc tế, là một trong những cửa ngõ biển của vùng Bắc Trung bộ, Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Nghệ An lại là vùng có nhiều tiềm năng, giàu có về nguyên vật liệu công nghiệp xây dựng và nông sản. Đó là những thế mạnh để các cảng biển Nghệ An có cơ hội đầu tư và ngày một phát triển.
Hiện nay Nghệ An có 7 cảng biển, trong đó, Cảng Cửa Lò là thương cảng lớn, do trung ương quản lý, còn 6 cảng còn lại do địa phương quản lý (đó là cảng xếp dỡ tổng hợp Bến Thủy, 2 cảng xăng dầu ở Hưng Hòa và 3 cảng cá Cửa Hội, Lạch Quèn , Lạch Vạn.)
Cảng Cửa Lò sau nhiều lần nâng cấp, mở rộng, mở tuyến Container quốc tế, nay có công suất đạt 1,4 triệu tấn/ năm, tổng diện tích 32 ha, với 4 cầu cảng tổng chiều dài 780m. Hiện Cảng đã đầu tư nhiều thiết bị xếp dỡ đồng bộ hiện đại, có cần cẩu chân đế với sức nâng 130 tấn để có thể xếp dỡ hàng siêu trường siêu trọng. Cảng có thể đồng thời tiếp nhận một lúc 4 tàu có trọng tải mỗi tàu 10.000 tấn. Năng lực xếp dỡ một ngày đã đạt 8.000 tấn hàng hóa. Lượng hàng hóa mỗi năm qua Cảng đạt 1,5 triệu tấn. Nếu được đầu tư phát triển kè Bắc, kè Nam và thực hiện nạo vét thì tàu trên 1 vạn tấn có thể ra vào thuận lợi tại các khu vực này. Khi đó cảng Cửa Lò hoàn toàn đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả khu vực và Lào, Thái Lan.
Cảng Bến Thủy đang có kế hoạch di dời đến Hưng Hòa – vùng hạ lưu sông Lam. Đây là cảng chuyên dùng của địa phương, công suất 250 ngàn tấn, với 4 bến, tổng chiều dài 236m. Các bến có độ sâu 3,5-4m, tàu 1.000-1.500 tấn có thể ra vào được. Tuy nhiên, Cảng Bến Thủy hàng hóa không ổn định, nếu phát triển theo hướng phục vụ du lịch hẳn phù hợp hơn.
Các cảng cá của Nghệ An đang là điểm tựa vững chắc cho nghề khai thác khi đây là nơi cập bờ, nơi neo tàu về, nơi tập trung các cơ sở chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Cảng Cửa Hội đang có kế hoạch đầu tư thành cảng cá của khu vực Bắc miền Trung, đảm bảo cho các loại tàu đánh cá đến 800 CV cập bến. Khu vực này hiện nay các loại hình dịch vụ và chế biến nghề cá hết sức sôi động.
Hiện nay cảng Nghệ Tĩnh và VOSA Bến Thủy (đại lý tàu biển, cung cấp dịch vụ môi giới hàng hải) đã cơ bản đáp ứng các dịch vụ hàng hải thông qua cảng biển Nghệ An. Ngoài ra còn trên 10 đơn vị khác đăng ký hoạt động trong lĩnh vực hàng hải. Tuy nhiên, năng lực của các doanh nghiệp còn nhỏ, tàu vận tải ít, thiếu kinh nghiệm.
Để phát triển kinh tế cảng biển, không những tự thân các cảng biển bỏ vốn đầu tư tăng năng lực, chăm sóc, hậu mãi khách hàng, có nhiều dịch vụ thuận tiện, giải phóng tàu nhanh, đảm bảo chữ tín mà các ngành kinh tế chủ lực như công nghiệp, nông nghiệp cũng cần đầu tư phát triển, tạo nguồn hàng lưu thông vững chắc qua cảng. Cùng với việc thu hút các doanh nghiệp lớn làm đầu tàu trong khu kinh tế Đông Nam, phát triển công nghiệp chủ lực như xi măng, bột đá, các loại gạch… thì nông hải sản và thực phẩm chế biến cũng phải phát triển mạnh. Hiện 2 nhà máy bia là Hà Nội và Sài Gòn Sông Lam đã sản xuất ổn định, 2 nhà máy sữa qui mô lớn có hàng hóa qua cảng. Tuy nhiên, nguồn hàng nội tỉnh chưa ổn định qua cảng. Có những thời điểm “giáp hạt”, cảng chờ hàng.
Theo qui hoạch đến 2020: Cảng Cửa Lò sẽ được nạo vét, nâng cấp mở rộng thêm 2 cầu tàu, nâng tổng chiều dài cầu tàu lên 1000m. Phát triển thêm kè chắn cát phía Bắc (kéo dài), thay đổi vị trí kè chắn cát phía Nam, xây dựng mới các bến số 5, số 6 để nâng công suất cảng. Cảng cũng thực hiện nạo vét luồng vào cảng đạt độ sâu ( -7,5m) đảm bảo cho tàu trên 3 vạn tấn cập cảng. Mở rộng diện tích của cảng lên 40 ha, đồng thời xây dựng cầu cảng du lịch ở Cửa Lò để phục vụ khách du lịch đường biển.
Cảng Đông Hồi (Quỳnh Lập – Quỳnh Lưu ) đã được bổ sung qui hoạch xây dựng từ 2009, mục đích để phục vụ nhà máy nhiệt điện Đông Hồi 24MW, khu công nghiệp Hoàng Mai, Nhà máy xi măng Hoàng Mai, mục đích xây dựng trở thành một cảng tổng hợp, đảm bảo tàu 3 vạn tấn cập cảng. Các cảng cá Lạch Quèn, Lạch Thơi, Lạch Vạn đã và đang được nâng cấp phục vụ cho nghề biển vững chắc.
Như vậy, nếu thực hiện thu hút thành công các dự án Cảng biển và các dự án liên quan đến cảng theo qui hoạch, kinh tế cảng biển sẽ đóng góp không nhỏ trong một dây chuyền liên hoàn từ sản xuất đến lưu thông tiêu thụ, góp phần vào tăng trưởng GDP địa phương và thành công của chiến lược kinh tế biển.
Châu Lan