Căng thẳng tại Ai Cập tiếp tục bùng phát dữ dội
Trụ sở của Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng bị đốt phá ở nhiều thành phố của Ai Cập.
Làn sóng phản đối tuyên bố hiến pháp của Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi đã bị đẩy lên một nấc thang mới khi hôm 5/12, hàng nghìn người ủng hộ và phản đối Tổng thống đã đụng độ nhau trước phủ Tổng thống ở thủ đô Cairo.
Trong khi đó, trụ sở của Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng bị đốt phá ở nhiều thành phố của Ai Cập. Diễn biến bạo lực mới này cho thấy, Ai Cập đang bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới.
Tối qua, đụng độ đã xảy ra bên ngoài Phủ Tổng thống tại quận Heliopolis, thủ đô Cairo khi phe đối lập và lực lượng Anh em Hồi giáo cùng kêu gọi biểu tình tại địa điểm này.
Các nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, những người ủng hộ ông Morsi với số lượng đông đảo đã xông vào phá các lều bạt và đánh đuổi những người ủng hộ lực lượng biểu tình đối lập. Hai bên đã dùng súng tự chế, bom xăng và gạch đá tấn công lẫn nhau. Trước tình hình này, Bộ Nội vụ Ai Cập đã phải điều động 3.000 cảnh sát chống bạo động tới tăng viện và sử dụng hơi cay để thiết lập lại trật tự.
Bạo động ở một thành phố Ai Cập (ảnh: deskofbrian) |
Theo báo chí địa phương, đến cuối ngày hôm qua, có ít nhất 4 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các vụ đụng độ này. Đây là ngày bạo lực đẫm máu nhất kể từ khi Tổng thống Mursi ban hành sắc lệnh Tuyên bố Hiến pháp gây tranh cãi vào ngày 22/11 vừa qua, kéo theo làn sóng biểu tình rầm rộ của phe đối lập.
Cũng vào hôm qua, tại thành phố cảng Suez, những người biểu tình chống đối đã đốt trụ sở của Tổ chức Anh em hồi giáo tại đây. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số thành phố khác như Ismailia, Alexandria, Mahalla.
Hiện nay chưa rõ có ai bị thương sau các vụ đụng độ ở các thành phố này hay không.
Trong bối cảnh như vậy, Phó Tổng thống Ai Cập Mahmoud Mekki kêu gọi Tổng thống Mursi và lực lượng đối lập tiến hành đối thoại nhằm tìm kiếm sự nhất trí về các điều khoản gây tranh cãi của bản hiến pháp - vốn là tâm điểm của những cuộc bạo động tại Ai Cập gần đây. Các nhà lãnh đạo Tổ chức anh em Hồi giáo của Tổng thống Mursi đã đồng ý với đề xuất của Phó Tổng thống Mekki. Tuy nhiên, phe đối lập thì tuyên bố, sẽ chỉ tham gia vào một cuộc đối thoại dân tộc nghiêm túc với Tổng thống Mursi nếu Tuyên bố Hiến pháp gây tranh cãi được hủy bỏ và tiến trình trưng cầu ý dân được hoãn lại. Lực lượng đối lập cũng đổ lỗi cho Tổng thống Mursi về tình trạng bạo lực tại nước này những ngày qua.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Cairo hôm qua, ông Mohamed El Barade, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế và là thành viên chủ chốt của Mặt trận Cứu quốc đối lập nhấn mạnh: “Tổng thống Mursi và chính phủ của ông ấy phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những vụ bạo lực xảy ra tại Ai Cập những ngày gần đây. Chúng tôi cũng đã và luôn sẵn sàng để đối thoại, nếu cuộc đối thoại dựa trên cơ sở bình đẳng, hợp pháp. Chúng tôi sẽ chỉ đối thoại nếu sắc lệnh hiến pháp bị hủy bỏ và cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp cũng phải ngừng lại.”
Trong khi đó, hôm 5/12, Đại hội đồng các thẩm phán hành chính Ai Cập ra tuyên bố bác bỏ hoàn toàn Tuyên bố Hiến pháp gây tranh cãi của Tổng thống Mursi, đồng thời khẳng định các thành viên của Đại hội đồng sẽ không tham gia giám sát cuộc trưng cầu ý dân về Dự thảo Hiến pháp sắp tới nếu sắc lệnh của Tổng thống Mursi không bị hủy bỏ.
Ngoài ra, tổ chức này cũng tuyên bố sẽ tẩy chay bất cứ cuộc trưng cầu ý dân nào nếu toàn bộ các cơ quan tư pháp không cùng tham gia giám sát. Trong khi đó, theo nhật báo “Almasry Alyoum”, tối qua, 4 cố vấn của Tổng thống đã tuyên bố từ chức để phản đối các vụ tấn công người biểu tình bên ngoài Phủ Tổng thống cũng như các quyết định gần đây của ông Mursi.
Trước tình hình phức tạp hiện nay, Chủ tịch Hội đồngLập hiến Ai cập cho biết, Tổng thống Mursi có thể sẽ hủy bỏ hai điều gây tranh cãi trong bản Tuyên bố hiến pháp được ban hành ngày 22/11 vừa qua, đó là điều khoản 2 và 6, trong đó quy định các cơ quan tư pháp không có quyền xem xét, hủy bỏ bất kỳ quyết định nào của tổng thống./.
Theo VOV - ĐT