Cảnh báo tai nạn từ bến thuyền không phép vào đảo chè Thanh Chương
(Baonghean) - Đảo chè - hồ Cầu Cau (xã Thanh An, huyện Thanh Chương) đang là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng, do hoạt động vận chuyển hành khách chưa được cấp phép, chưa đủ điều kiện về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, nên đang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
» Nhiều nỗi lo ở các bến đò ngang
Bến thuyền tự phát
Gần nửa năm trở lại đây, vào những dịp cuối tuần hoặc ngày lễ, số lượng du khách đến với đảo chè - hồ Cầu Cau ngày càng đông. Theo anh Hoàng Văn Lâm ở xóm 1, xã Thanh An, chủ thuyền chở du khách tham quan đảo chè cho biết, ngày bình thường thì khoảng 100 khách, nhưng những ngày cuối tuần hay như Tết Dương lịch vừa rồi có 500 - 600 khách, có khi gần 1.000 khách về tham quan. Các thuyền hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ nhu cầu nên phải thuê thuyền của người khác để chở khách.
Mặc dù có áo phao trên thuyền nhưng cả lái thuyền và hành khách đều không mặc. (Ảnh chụp vào sáng 12/1). |
Trước sức hút của đảo chè, nhiều hộ dân xã Thanh An vay mượn tiền mua sắm, đóng mới thuyền để làm dịch vụ chở hành khách tham quan. Như gia đình anh Lâm hiện đang chung vốn với 2 hộ khác đầu tư đóng mới 4 chiếc thuyền, trong đó có 1 chiếc thuyền lớn và 3 chiếc thuyền nhỏ.
Theo anh Lâm, thuyền nhỏ chở được khoảng 15 người/chuyến, còn thuyền lớn khoảng 25 người/chuyến. Thuyền to còn được đầu tư thêm hệ thống âm thanh, màn hình hát karaoke để phục vụ du khách. Nhận thấy nhu cầu khách du lịch sẽ tăng trong dịp tới nên hiện anh Lâm và một số người khác đang chung vốn đóng mới thêm 2 con thuyền nữa, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong tháng tới.
Tính đến nay, trên địa bàn xã Thanh An có khoảng 20 chiếc thuyền lớn, nhỏ, tập trung ở 3 bến tự phát do người dân tự mở ra. Để có chỗ cho du khách đợi thuyền, nghỉ ngơi, người dân còn đổ đất xuống hồ để mở rộng địa hình. Sáng 12/1, mặc dù thời tiết không được thuận lợi nhưng vẫn có nhiều người đến hồ Cầu Cau để tham quan các đảo chè.
Theo bảng niêm yết, giá mỗi lần chở khách đi, về là 30.000 đồng/khách (trẻ em từ trên 6 tuổi đến dưới 15 tuổi là 15.000 đồng/lượt). Theo quan sát, trên thuyền mặc dù có áo phao nhưng tuyệt nhiên không thấy người nào mặc, kể cả chủ thuyền. Nhiều người còn đứng trên mũi thuyền, ngồi vắt vẻo 2 bên mạn thuyền...
Tìm hiểu được biết, dù hoạt động hơn nửa năm nay nhưng bến thuyền ở hồ Cầu Cau chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Ngày 28/12/2016, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các ngành chức năng của huyện Thanh Chương tiến hành kiểm tra và kết luận việc hoạt động vận tải bằng phương tiện thủy nội địa, phục vụ khách tham quan là chưa đúng với quy định.
Các phương tiện thủy chưa được đăng ký, đăng kiểm; hầu hết người điều khiển phương tiện chưa có chứng chỉ chuyên môn, bằng lái phương tiện thủy nội địa. Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản và đề nghị UBND huyện Thanh Chương kiên quyết đình chỉ hoạt động của bến thủy tự phát, chưa được cấp phép và các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp cố tình vi phạm.
Du khách đứng vắt vẻo trước mũi, mạn thuyền. (ảnh chụp vào sáng 12/1). |
“Không phát triển du lịch bằng mọi giá”
Đánh giá việc vận tải hành khách khi chưa đủ các điều kiện theo quy định sẽ tiềm ẩn tai nạn giao thông đường thủy rất cao, ông Nguyễn Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Ngay sau khi có công văn của Sở GTVT, UBND huyện Thanh Chương đã yêu cầu UBND xã Thanh An đình chỉ ngay các hoạt động vận tải chở khách trái quy định của pháp luật; tổ chức tuần tra, phát hiện kịp thời, xử lý kiên quyết không để vi phạm và tái vi phạm; Ký cam kết với các chủ thuyền không hoạt động khi chưa đủ điều kiện theo quy định.
Mặc dù vậy, việc yêu cầu đình chỉ hoạt động dường như không có hiệu lực khi hàng ngày, các thuyền vẫn vô tư chở khách tham quan đồi chè”. Còn ông Nguyễn Cảnh Nam - Chủ tịch UBND xã Thanh An cho rằng: “Người dân hoạt động theo kiểu tự phát nên khó có thể cấm tuyệt đối được”.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Thanh Chương có công văn gửi UBND tỉnh, Sở GTVT đề nghị cho phép được bổ sung quy hoạch bến thủy nội địa tại hồ Cầu Cau; đồng thời cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa hồ Cầu Cau cho UBND xã Thanh An để đảm bảo hoạt động theo quy định.
“Để được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, hiện 20/20 thuyền đã được thực hiện kiểm định; lập hồ sơ đăng ký phương tiện và tổ chức khóa học cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện cho các chủ phương tiện. UBND xã đã tổ chức cho các chủ thuyền ký cam kết bảo vệ môi trường, trật tự an toàn, an ninh khi chở du khách tham quan đảo chè. Đồng thời, tổ chức khóa học cho 51 người dân trong xã được đào tạo lái thuyền, hiện đang chờ cấp chứng chỉ đủ điều kiện điều khiển phương tiện”, ông Nguyễn Đình Thanh cho biết thêm.
Được biết, hiện khu vực hồ Cầu Cau được UBND tỉnh chấp thuận cho phép lựa chọn địa điểm khảo sát lập dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) làm chủ đầu tư. Hiện chủ đầu tư đang tiến hành khảo sát lập quy hoạch chi tiết 1/500 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Người dân tự ý đổ đất để mở rộng địa hình, mở bến thuyền trái phép. |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương, đơn vị quản lý hồ thủy lợi Cầu Cau, công năng chính của hồ là phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp cho 3 xã: Thanh Thịnh, Thanh An và Thanh Chi. Việc đầu tư khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng là cần thiết để khai thác tiềm năng du lịch của huyện Thanh Chương nhưng cần tính toán phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích. Về vấn đề người dân tự ý chở khách du lịch khi chưa được cấp phép, theo ông Hùng, cần có biện pháp mạnh, tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho du khách.
“Khu vực lòng hồ có nơi sâu đến 6-7 m, trong khi các phương tiện chưa đảm bảo điều kiện, chưa có sự quản lý, giám sát chặt chẽ nên nếu xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ rất khó lường” - ông Hùng nêu ý kiến.
“Không phát triển du lịch bằng mọi giá” - đó là quan điểm của UBND huyện Thanh Chương đối với phát huy tiềm năng du lịch của hồ Cầu Cau. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng ở hồ Cầu Cau hiện nay, có thể thấy, đang có những mối nguy hiểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường thủy.
Trong khi các cấp, ngành đang đẩy nhanh công tác tổ chức quản lý hoạt động du lịch tại đây thì người dân vẫn vì lợi nhuận trước mắt mà “bỏ qua” những quy định bắt buộc về vận tải hành khách. Thực tế, trong thời gian qua trên cả nước đã có nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là do sự kiểm soát lỏng lẻo của cơ quan chức năng đối với các điều kiện hoạt động theo quy định. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho du khách đến với hồ Cầu Cau và chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch ở điểm đến này, rất cần những biện pháp mạnh mẽ, hợp lý./.
Nguyên Hưng
TIN LIÊN QUAN |
---|