Cảnh báo tình trạng mạo danh cán bộ để lừa đảo
(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây, các đối tượng phạm tội thường sử dụng thủ đoạn mạo danh cán bộ trong các cơ quan Nhà nước, nhất là người có chức vụ, quyền hạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng với các phương án đấu tranh, ngành chức năng đã nhiều lần khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, tránh “tiền mất tật mang” nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy”.
Thủ đoạn tinh vi
Theo ngành chức năng, các đối tượng lừa đảo thường mạo danh là cán bộ các cơ quan hành chính Nhà nước để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn khác nhau. Có những vụ việc số tiền lừa đảo lên đến hàng chục tỷ đồng.
Cơ quan chức năng làm việc với đối tượng Lê Thanh Hải - cầm đầu đường dây mạo danh cán bộ Sở TN&MT để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Hồng Ngọc |
Điển hình ngày 14/6/2022, Công an Nghệ An phá Chuyên án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức” bắt giữ 3 đối tượng trong đường dây giả danh cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường để lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 15 tỷ đồng của 25 bị hại trên toàn tỉnh. Nhóm đối tượng này do Lê Thanh Hải (đã có 5 tiền án), trú tại phường Trường Thi, thành phố Vinh cầm đầu. Trợ thủ đắc lực cho Hải trong đường dây này là 02 đối tượng cùng trú tại thành phố Vinh, gồm: Lê Kiên Trung (SN 1979), trú tại phường Lê Lợi và Trần Diễn Thương (SN 1976), trú tại phường Hưng Dũng, có 2 tiền án về các tội danh "Mua bán trái phép chất ma túy" và "Mua bán người".
Để điều hành đường dây của mình, Lê Thanh Hải chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho Trung tiếp cận với người dân có nhu cầu liên quan đến lĩnh vực đất đai rồi tự giới thiệu bản thân mình đang làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường, có nhiều mối quan hệ, có khả năng đấu giá thành công các lô đất quy hoạch; hợp thức hóa được việc nhập, tách Giấy chứng nhận QSD đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Khi người dân tin tưởng, Trung trực tiếp nhận tiền và giấy tờ liên quan từ các bị hại đưa cho Hải. Sau đó, Hải phân công Thương liên hệ làm Giấy chứng nhận QSD đất giả rồi đưa cho các bị hại.
Từ trái qua phải, nhóm 3 đối tượng: Lê Thanh Hải, Lê Kiên Trung và Trần Diễn Thương. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc |
Tinh vi hơn, mặc dù đăng ký thường trú tại thành phố Vinh, nhưng để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Hải đã chỉ đạo các đối tượng trong đường dây tạm chuyển vào sinh sống tại các tỉnh phía Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng). Chỉ đến khi phát hiện và liên hệ được “con mồi”, 2 đối tượng Trung và Thương mới quay về Nghệ An, phối hợp Hải để tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau thời gian theo dõi, ngày 8/6/2022, 3 tổ công tác dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Công an tỉnh đã đồng loạt bắt 3 đối tượng trên. Tang vật thu giữ gồm 1 xe ô tô; 5 điện thoại di động; 10 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả; 1 đăng ký xe ô tô giả và nhiều giấy tờ liên quan, cơ quan chức năng cũng đồng thời tiến hành phong tỏa 3 tài khoản ngân hàng.
Đối tượng Nguyễn Thị Vân Anh mạo danh nhà báo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc |
Trước đó, trong tháng 4 năm 2022, Công an huyện Diễn Châu phát hiện trên địa bàn có 1 đối tượng tự nhận mình là phóng viên và có thẻ nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều cán bộ là lãnh đạo ở Trung ương cũng như tỉnh Nghệ An.
Đối tượng có thể chuyển đổi sổ đỏ từ đất nông nghiệp thành đất ở lâu dài và đã có một số người dân chuyển tiền cho đối tượng. Trước tình hình nói trên, Công an huyện Diễn Châu đã xác lập chuyên án đấu tranh. Vào lúc 9 giờ ngày 27/4/2022, tại xã Diễn Hạnh, Công an huyện Diễn Châu phá thành công chuyên án. Bắt đối tượng Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1976), trú trên địa bàn xã về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; thu giữ 53 sổ đỏ và 2 điện thoại di động. Bước đầu điều tra, cơ quan chức năng xác định, từ đầu năm 2021 đến tháng 4/2022, Vân Anh đã giả danh phóng viên của Báo Thanh tra, nói có mối quan hệ quen biết với nhiều cán bộ là lãnh đạo ở Trung ương cũng như tỉnh Nghệ An để nhận làm thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp trái phép sang đất ở lâu dài cho 5 bị hại trú tại địa bàn huyện Diễn Châu và một số địa phương khác; trong đó, các bị hại đã chuyển cho đối tượng hơn 9 tỷ đồng. Điều đáng nói, việc các bị hại sử dụng sổ đỏ giả để xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và đối phó với chính quyền địa phương bằng sổ đỏ giả do Nguyễn Thị Vân Anh làm gây ra nhiều hệ lụy phức tạp.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Diễn Châu đã tiến hành khởi tố Vân Anh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án.
Cá biệt, còn có trường hợp đối tượng là người tỉnh khác nhưng lại mạo danh cán bộ Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An để đi lừa đảo. Điển hình, ngày 16/12/2021, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Tĩnh phối hợp với Cơ quan Công an huyện Lộc Hà bắt giữ đối tượng Lê Văn Phong (SN 1989), trú tại thôn An Lộc, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Đối tượng Lê Văn Phong (giữa). Ảnh: CAND |
Tại cơ quan Công an, Phong khai nhận, đã sử dụng sim rác tạo ra các tài khoản mạng xã hội mạo danh một cán bộ thuộc sở, ngành trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sau đó, đối tượng chủ động liên lạc với một số giám đốc doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh để đưa ra những lời hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp này trúng các gói thầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn trên, Phong đã lừa đảo chiếm đoạt của anh Phan Huy Thiết (SN 1976), là giám đốc của một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh số tiền hơn 56 triệu đồng.
Tại Nghệ An, sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 92 vụ, 122 đối tượng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thu hồi tài sản có tổng trị giá hơn 19,5 tỷ đồng trả lại cho bị hại. Trong đó, khám phá 32 chuyên án, vụ án lớn, góp phần bảo đảm tốt an ninh, trật tự trên địa bàn.
Nâng cao cảnh giác
Trước thực trạng mạo danh cán bộ trong các cơ quan Nhà nước để thực hiện hành vi lừa đảo dưới nhiều hình thức, ngành chức năng đã nhiều lần khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác.Theo Bộ Công an, ngoài các thủ đoạn lừa đảo truyền thống như: Giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”, xin dự án, làm sổ đỏ, vay vốn tổ chức, cá nhân nước ngoài; kêu gọi đầu tư, tài trợ vào các công ty, dự án, chương trình… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng còn sử dụng các dịch vụ có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ của cơ quan chức năng trong các cơ quan thực thi pháp luật gọi điện cho người dân để gây sức ép, làm người dân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để chiếm đoạt. Các đối tượng sử dụng nhiều kịch bản khác nhau như: Giả làm nhân viên Bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước; nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước, dọa cắt điện; Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn… liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân.
Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lực lượng chức năng khuyến cáo: người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo phương thức thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên các phương tiện, thông tin đại chúng. Nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại “lợi nhuận cao”.
Tang vật cơ quan Công an thu giữ trong vụ án mạo danh cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường để lừa đảo. Ảnh tư liệu: Hồng Ngọc |
Nâng cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt, không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản do các đối tượng chỉ định.
Về phía tỉnh Nghệ An, để tiếp tục tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngày 10/11/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản 8963-UBND-NC, trong đó yêu cầu: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản…