Cảnh báo từ lô hàng chè xuất khẩu bị trả lại

13/05/2015 11:00

(Baonghean) - Đầu năm 2015 đến nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu chè của nước ta vướng vào tình trạng khá bi hài. Đó là việc hàng chục container chè Việt Nam xuất khẩu sang một số nước châu Âu đã bị đối tác trả về vì sản phẩm bị phát hiện còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá mức cho phép. Khi container chè trả về còn bị đánh thuế nhập khẩu.

Theo xác nhận của một doanh nghiệp xuất khẩu chè thì đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm chè có xuất xứ từ Việt Nam bị trả lại. Từ năm 2012, đã có nhiều lô hàng xuất khẩu sang châu Âu cũng từng phạm lỗi nói trên đã buộc phải “hồi hương”. Số sản phẩm chè bị trả lại đều bị tồn dư 2 hoạt chất thuốc BVTV là Acetamiprid và Imidacloprid vượt quá mức cho phép, nên không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mới đây, vào trung tuần tháng 4/2015, thêm 3 container chè Việt Nam xuất sang Đài Loan cũng bị trả lại.

Vườn ươm chè ở xóm 1, xã Hùng Sơn (Anh Sơn).
Vườn ươm chè ở xóm 1, xã Hùng Sơn (Anh Sơn).

Điều đáng nói là ngoài 2 hoạt chất BVTV này, hiện còn có thêm 4 hoạt chất khác (Fipronil, Carbendazim, Cypermethrin, Buprofezin) cũng đang bị các nước nhập khẩu chè, đặc biệt là EU và Đài Loan nghiêm cấm sử dụng, nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng Việt Nam loại khỏi danh sách cấm sử dụng trên cây chè . Tình trạng trên đây, sẽ là một rào cản rất lớn, ngăn không có các sản phẩm chè của nước ta thâm nhập sâu vào thị trường thế giới và khu vực. Đó là điều cần được cảnh báo sớm để có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn khi chưa quá muộn.

Đến hết năm 2015, Nghệ An đang phấn đấu để hoàn thành mục tiêu 12.000 ha chè công nghiệp trong toàn tỉnh. Mặc dù diện tích chè khai thác hiện đạt hơn 8.000 ha, nhưng Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An đã sản xuất được khoảng 7.000 tấn chè khô các loại/năm, trong đó, tổng sản lượng chè khô (chủ yếu là chè đen và chè xanh) sang thị trường các nước Đông Âu cũ, Pakistan, Afghanistan và Trung Quốc (khoảng 6.500 tấn/năm). Lâu nay chè Nghệ An vẫn được xem là vùng chè sạch, người sản xuất đang đầu tư và chăm sóc chè theo hướng dẫn của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, của Trung tâm khuyến nông… Một số vùng chè còn đầu tư theo mô hình VietGap. Nhưng thông tin chè Việt Nam bị trả lại thời gian gần đây vẫn là bài học cho cả người trồng và doanh nghiệp sản xuất chè ở Nghệ An.

Ở Nghệ An, mặc dù tổng diện tích chè toàn tỉnh mới khoảng 9.000 ha, nhưng trên địa bàn tỉnh hiện có tới 5 xí nghiệp chế biến chè trực thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, chưa kể hàng chục cơ sở chế biến chè thủ công của các hộ. Các nhà máy chế biến chè tư nhân hầu hết đều có công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, nên chất lượng sản phẩm chưa cao. Các xưởng chế biến chè thủ công còn lạc hậu hơn. Đây là lý do đầu tiên khiến chất lượng chè và giá xuất khẩu chè của Việt Nam thiếu tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đến nay, để có được vùng nguyên liệu chè rộng lớn, là cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả của Nghệ An là nhờ sự đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn và công sức của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, của người trồng chè bỏ ra. Thế nhưng, khi các nhà máy chè tư nhân và các cơ sở chế biến chè thủ công mọc lên như nấm, cộng với sự cạnh tranh về giá cả thì người trồng chè lại quay lưng với đơn vị đầu tư để chạy theo lợi nhuận thu được trên từng kg chè tươi. Đây cũng là một lý do có thể nhiều người trồng chè bỏ qua thời hạn cách ly đối với các hoạt chất BVTV, nhằm tăng số lần thu hái, tăng năng suất chè tươi mà không quan tâm đến chất lượng của sản phẩm... Theo nhận định của Hiệp hội Chè Việt Nam thì đây là lý do chính khiến lượng chè xuất khẩu của Việt Nam thu mua tại một số địa phương có tồn dư các hoạt chất thuốc BVTV quá mức cho phép.

Để ngăn chặn tình trạng nói trên, đồng thời giúp người trồng chè ở Nghệ An có cuộc sống ổn định lâu dài trên vườn chè của mình, góp phần để ngành chế biến chè phát triển bền vững, ngay từ bây giờ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An và các đơn vị thành viên phải xốc lại các mối quan hệ, chủ động cùng các địa phương có vùng nguyên liệu tổ chức xây dựng chuỗi giá trị từ người trồng chè đến doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ. Làm tốt điều này Nghệ An mới đạt mục tiêu gắn vùng nguyên liệu với từng nhà máy chế biến, tạo điều kiện cho việc quản lý từ quy trình sản xuất, thu hái và chế biến chè nhằm đảm bảo tốt cả 2 vấn đề: an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas) thì giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong nhiều năm qua hiện còn rất thấp so với sản phẩm chè của các quốc gia khác. Ngoài chè đen, chúng ta hiện đang xuất dưới dạng nguyên liệu thô đóng bao 50 kg và 10% xuất dưới dạng thành phẩm nên giá chỉ dừng ở mức 1.695 USD/tấn. Ở Nghệ An các sản phẩm chè xuất khẩu chủ yếu đang xuất thô và giá trị thấp. Chính vì xuất thô nên vấn đề chất lượng khó kiểm soát và dễ bị trà trộn trong quá trình lưu thông.

Theo ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT, để sản phẩm chè của Nghệ An có điều kiện hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, các doanh nghiệp thu mua và chế biến chè trên địa bàn tỉnh cần phải làm tốt cùng một lúc 2 nhiệm vụ sau đây: Thứ nhất, phải đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị để cho ra lò các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, từ đó mới có điều kiện phấn đấu đưa giá chè xuất khẩu của Nghệ An ngang bằng với giá chè bình quân của thế giới. Thứ hai, các doanh nghiệp thu mua, chế biến chè xuất khẩu phải liên kết chặt chẽ với người trồng chè để quản lý tốt ngay từ khâu giống, quy trình sản xuất, đến chất lượng từng kg chè bút tươi và vệ sinh an toàn thực phẩm trên từng lô sản phẩm xuất khẩu. Người trồng chè cần tính đến lợi ích lâu dài của vườn chè, nắm bắt thông tin, thực hành sản xuất sạch để đảm bảo đầu ra và an toàn cho người tiêu dùng. Làm được cả hai vấn đề này thì chắc chắn các loại sản phẩm chè của Nghệ An sẽ vượt qua được các cuộc “sàng lọc” của mọi đối tác để chiếm lĩnh thị trường quốc tế và khu vực.

Võ Thanh Mai (Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Cảnh báo từ lô hàng chè xuất khẩu bị trả lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO