"Cánh chim lạ"

26/07/2015 11:24

(Baonghean) - Ở các trận đấu của SLNA mùa giải năm nay, Thế Cường chỉ thỉnh thoảng xuất hiện nhưng bao giờ cũng vậy, khi có mặt trên sân, tiền vệ nhỏ con này đều tạo ra dấu ấn. Như “cánh chim lạ”, Thế Cường mang đến nhiều nét mới, tạo nên lối chơi khá biến tấu của đội bóng chủ sân Vinh mùa giải V.League 2015.

Tiền vệ có chiều cao khá khiêm tốn (1m66) này sinh ra ở Vinh nên Thế Cường được tiếp xúc với bóng đá thuận tiện hơn. Ngoài bóng đá học đường phát triển mạnh thì các sân bóng ở thành phố cũng tiện nghi hơn nhiều. Dù thể hình hạn chế nhưng bù lại, đôi chân của Thế Cường rất khéo. Cường là cầu thủ hiếm ở SLNA hiện tại có thể dứt điểm tốt bằng hai chân. Sau khi gia nhập “lò” Sông Lam và gặt hái được nhiều thành công ở các giải trẻ, Thế Cường được đôn lên đội 1 từ năm 2010. Thế nhưng thời điểm ấy, vì nhiều lý do nên chỉ sau một mùa, Cường xin phép lãnh đạo SLNA cho trở lại đội trẻ.

Tiền vệ Thế Cường (số 14) trong màu áo SLNA.
Tiền vệ Thế Cường (số 14) trong màu áo SLNA.

Trường hợp của Thế Cường là hiếm và có lẽ là chưa có tiền lệ ở đội bóng xứ Nghệ. Vì thông thường, lên đội 1 là vinh dự lớn và ai cũng khát khao nên việc tiền vệ này xin trở lại đội trẻ thực sự gây sốc. Ngoài khả năng chơi bóng tốt thì Thế Cường còn là người trầm tính với những phong cách rất đặc biệt. Lý do chính xin xuống đội trẻ chỉ đơn giản là thấy mình chưa đủ sức, cần “thử lửa” nhiều hơn nữa. Sự thẳng thắn, coi trọng danh dự đôi khi là điểm nhấn về tính cách, giúp Thế Cường nhận được rất nhiều tình cảm của mọi người.

Thế Cường là người biết coi trọng nghề nghiệp nên tập luyện rất chăm chỉ. Biết điểm yếu của mình là thể hình và thể lực nên Cường xác định, bản thân phải nỗ lực gấp đôi người khác. Vì thế, có những hôm đội nghỉ, Thế Cường vẫn một mình vác giày ra sân tự tập luyện với các lứa U.

Năm 2012, Thế Cường xuất hiện trở lại trong màu áo U.21 SLNA dự vòng chung kết U.21 toàn quốc ở Ninh Thuận. Không có danh hiệu cá nhân nhưng đây là giải đấu mà từ lãnh đạo cho đến các đồng đội đều phải thừa nhận, Thế Cường là cầu thủ chơi “có nét” và đóng góp công sức lớn nhất, giúp U.21 SLNA vô địch, sau 10 năm chờ đợi. Ở trận chung kết gặp chủ nhà Ninh Thuận, Thế Cường là người chuyền bóng để Đình Bảo ghi bàn và sau đó, chính tiền vệ này đánh đầu đóng đinh trận đấu.

Sau giải đấu năm ấy, một loạt cầu thủ được đôn lên đội 1 trong khi Thế Cường chọn một hướng khác là xa quê, tìm cảm giác và có nhiều hơn cơ hội được ra sân, cọ xát. Điểm đến của Thế Cường là XSKT.Cần Thơ và những ngày tháng ở đây trở nên rất giá trị, khi tiền vệ này có cho mình nhiều trải nghiệm cần thiết để trưởng thành.

Chuẩn bị cho mùa giải 2014, HLV Hữu Thắng gọi Thế Cường trở về, chính thức trở lại đội 1 SLNA. Quý tính cách và tài năng của Cường, HLV Hữu Thắng nhiều lần cho ra sân và hầu như khi nào xuất hiện, tiền vệ phải này cũng để lại dấu ấn. Vòng đấu thứ 3 của V.League 2014 trên sân Vinh, Thế Cường đã có pha di chuyển không bóng và đá nối ghi bàn cực kỳ đẳng cấp khiến cả sân Vinh vỡ oà.

Chơi tốt nhưng chọn lối sống khép kín, nên rất ít người hiểu rõ về Thế Cường. Mùa giải này, cứ lâu lâu, HLV Quang Trường lại cho Thế Cường ra sân và Cường không làm mọi người thất vọng. Trận đấu ở Cao Lãnh, Thế Cường là người ghi bàn ấn định chiến thắng cho đội bóng xứ Nghệ. Mới đây, khi đá ở sân Vinh và SLNA đang bế tắc trước Than Quảng Ninh thì ngay khi vừa vào sân, Thế Cường đã có pha đánh đầu đẳng cấp, giúp SLNA vượt lên.

“Ở Việt Nam, không nhiều người đánh đầu được như vậy, chưa nói Thế Cường là người hạn chế về chiều cao. Đó là tình huống điển hình và phải là người có tài năng mới xử lý được”, một chuyên gia thể thao đã nhận xét về pha lập công của Thế Cường.

Rất ít khi ra sân trong đội hình chính nhưng khi xuất hiện, Thế Cường thường mang đến những điều khá đặc biệt. Thế nên, với NHM xứ Nghệ, tiền vệ này, giống như “cánh chim lạ” mang đến những nét mới trong lối chơi của SLNA. Mới 25 tuổi và chỉ cần làm tốt vai trò tạo ra sự khác biệt, Thế Cường sẽ dần có chỗ đứng và tương lai rộng mở.

VĨNH LIÊM

Mới nhất

x
"Cánh chim lạ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO