“Cánh én hồng” Ngô Thị Thu Hà
(Baonghean) - Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy đội ngũ cán bộ phụ trách thiếu nhi: “Giáo dục thiếu nhi là một khoa học, vậy các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm để tiến bộ mãi”, 22 năm với vai trò tổng phụ trách Đội, cô giáo Ngô Thị Thu Hà luôn trăn trở về vai trò, về cương vị của một người chị, người mẹ đối với những học sinh thân yêu.
Nhắc đến cô Ngô Thị Thu Hà học sinh Trường THCS Lê Lợi (TP.Vinh) đều rất kính nể vì cô luôn quan tâm, có phương pháp quản lý, giáo dục học sinh phù hợp. Học sinh vi phạm an toàn giao thông hay gây gổ đánh nhau bất kỳ đâu, ngày mai cô Hà đã mời lên “họp”. Vì thế học sinh nhà trường răm rắp nghe “lệnh cô Hà”. Để làm được điều này, cô đã phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình một cách chặt chẽ. Vào đầu mỗi năm học mới, cô cùng với các giáo viên chủ nhiệm khối lớp 6 rà soát danh sách học sinh trong lớp, em nào có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như: bố mẹ ly hôn, con gia đình chính sách, hay đã có dấu hiệu vi phạm ở khối phố, cô đều lưu danh sách riêng.
Để thuận lợi trong việc liên lạc, cô cung cấp cho tất cả học sinh trong trường số điện thoại, địa chỉ e-mail để khi cần có thể liên hệ ngay với cô. Không chỉ vậy, cô còn có cách quản lý học sinh bằng cách thành lập một “tổ an ninh ngầm” trong từng lớp học. Chính vì vậy, học sinh trong trường có chuyện gì khúc mắc, không thể giải quyết được đều tìm gặp cô. Còn nhớ, có lần, vào giờ ra chơi, một học sinh nữ vì buồn chuyện gia đình, leo lên tầng 3 của trường định nhảy xuống, cô đứng dưới thuyết phục. Sau khi làm công tác tư tưởng, học sinh nữ đã hiểu ra vấn đề và dừng ý định dại dột đó. Sau này học sinh ấy luôn xem cô Hà là người mẹ thứ 2. Cô Hà tâm sự: “Làm công tác Đội không đơn giản, phải luôn luôn đổi mới phương pháp, phải sát học sinh từng ly từng tí, tuyệt đối không được cứng nhắc, áp đặt và phải yêu thương chúng như con mình ở nhà thì mới thành công”.
Cô giáo Ngô Thị Thu Hà cùng học sinh Trường THCS Lê Lợi trong một hoạt động ngoài giờ lên lớp. |
Trong suốt những năm làm công tác Đội, chị luôn trăn trở đưa ra những sáng kiến, đề xuất nâng cao chất lượng phong trào, hoạt động. Tiêu biểu như sáng kiến: “Một số biện pháp trong tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp” có tính thực tiễn cao, được ứng dụng rộng rãi trong khối trường học. Theo chị, những hoạt động ngoại khóa là cơ sở cho thành công trong việc trau dồi kỹ năng sống và trong hoạt động làm việc nhóm, đây cũng là yếu tố mà học sinh ngày nay đang thiếu. Những ngày lễ như 22/12, chị đều tổ chức cho học sinh đi tham quan di tích lịch sử, tham gia các hoạt động về nguồn, thăm và giúp đỡ các gia đình chính sách. Từ những hoạt động đó, học sinh có thêm vốn sống, biết yêu thương cộng đồng, có trách nhiệm hơn với thế hệ đi trước, từ đó có thái độ sống tích cực. Đối với chị, việc dạy học trước hết phải dạy làm người, và dạy cách yêu thương người khác.
Từ sáng kiến “Tiết kiệm quà sáng” (mỗi em tiết kiệm 500 đồng quà sáng để hỗ trợ cho các bạn hoàn cảnh khó khăn) của chị mà Trường THCS Lê Lợi đã dấy lên phong trào tương thân, tương ái trong tập thể nhà trường, không những học sinh mà giáo viên cũng đóng góp vào quỹ để giúp đỡ cho học sinh nghèo. Nhờ đó, vào đầu năm học, các học sinh nghèo đều nhận được những phần quà từ quỹ khuyến học do học sinh và phụ huynh đóng góp. Chị tâm sự: “Việc giúp đỡ học sinh nghèo lúc thì sách vở, lúc thì bộ quần áo, tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng qua đó học sinh biết sống tiết kiệm hơn, biết yêu thương nhau. Trong trường, trong lớp ai có hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn đều nhận được sự chia sẻ của bạn bè mình. Việc đó, người nhận cũng hạnh phúc mà người cho cũng thấy vui”. Và cũng chính những sáng kiến đó đã giúp chị đạt được giải thưởng “Cánh én hồng” trao cho 10 tổng phụ trách Đội xuất sắc toàn quốc trong 100 tổng phụ trách Đội được đề cử. Và Liên đội Trường THCS Lê Lợi 5 năm liền đạt danh hiệu Liên Đội xuất sắc cấp tỉnh và cấp Trung ương (giai đoạn 2008 - 2013). Bản thân chị nhiều năm liền là Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, được nhận bằng khen và kỷ niệm chương của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bài, ảnh: Thanh Nga