Cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản B

16/07/2014 22:49

(Baonghean.vn) - Khoa Lây nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, từ đầu mùa hè đến nay tiếp nhận 10 trường hợp bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản B. Số ca bệnh tuy không nhiều, song điều đáng chú ý là bệnh nhân mắc viêm não Nhật bản B có hiện tượng bị biến chứng và có thể để lại di chứng nặng nề sau này. Được biết, các trường hợp này lại là trẻ em ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và chưa được tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản B.

Trường hợp bệnh nhân Lô Văn Xao (10 tuổi) ở xã Lục Dạ - huyện Con Cuông. Cháu nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật, hôn mê dần, được chẩn đoán viêm não Nhật Bản B. Cháu điều trị đã được 2 tuần, có lúc tưởng cháu đã ổn định thế nhưng trong 4 ngày nay cháu lại có hiện tượng nặng trở lại như: sốt, lơ mơ, tay chân xoắn lại, lúc mê lúc tỉnh, đi tiểu tiện không tự chủ. Tương tự, trường hợp bé Và Xinh Chùa (3 tuổi) ở xã Tri Lễ - huyện Quế Phong, cháu Chùa nhập viện trong tình trạng như cháu Xao: sốt, lơ mơ, mê man và hiện cũng đang được điều trị tích cực tại khoa Lây nhiễm – Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An.

Đánh giá 02 trường hợp trên, bác sỹ Trần Thái Phong – khoa Lây nhiễm, bệnh viện Sản – Nhi nhận định: Đây là những trường hợp nặng có biểu hiện di chứng của bệnh sau này như: tay chân xoắn vặn, tinh thần trì trệ, vận động kém, thậm chí có thể nằm liệt giường. Vì khi bệnh nhi bị bệnh phụ huynh lại để các cháu ở nhà tự điều trị lâu ngày và khi có biểu hiện không bình thường thì mới đưa đến nhập viện nên dẫn đến tình trạng bệnh rất nặng. Hiện nay, hướng điều trị cho các cháu chủ yếu là phòng và theo dõi không để bệnh tiến triển nặng thêm vì chưa có thuốc đặc hiệu để chữa trị nên thời gian có thể kéo dài.

Đồng thời bác sỹ Trần Thái Phong khuyến cáo để đề phòng bệnh viêm não Nhật Bản B cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở và chuồng trại gia súc sạch để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đề phòng bị muỗi đốt. Đáng chú ý viêm não Nhật Bản là bệnh lây nhiễm và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, tiêm phòng được xem là giải pháp hữu hiệu nhất. Vắc xin phòng viêm não Nhật Bản được tiêm 3 mũi cơ bản, mũi 1 tiêm khi trẻ đủ 1 tuổi, mũi 2 cách mũi 1 từ 1 - 2 tuần, mũi 3 tiêm sau mũi 2 là một năm và sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc 1 lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Hiền Trang (Trung tâm TT – GDSK tỉnh)

Mới nhất
x
Cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản B
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO