Cảnh giác với chiêu lừa đảo qua điện thoại

19/02/2012 18:06

(Baonghean.vn) - Trong những ngày giữa tháng 2/2012, chúng tôi liên tục nhận được nhiều thông tin về một thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại. Đã có nhiều người bị mất đến hàng chục triệu đồng. Người dân Nghệ An, đặc biệt tại các huyện miền núi cần hết sức cảnh giác với những âm mưu lừa đảo này.

Thực ra, lừa đảo qua điện thoại, không phải là một thủ đoạn mới. Đầu tiên, có người nhận được một cú ĐT lạ gọi đến, xưng là người của công ty này nọ, thông báo anh (chị) đã nhận được số tiền trúng thưởng do quay số ngẫu nhiên... sau đó khổ chủ sẽ được hướng dẫn nộp một số tiền nhất định, gọi là phần trăm giải thưởng qua hình thức nhắn tin bằng mệnh giá thẻ cào. Sau đó là “úm ba la” mất tăm. Hoặc giả chúng cũng lừa là người của ngân hàng, thông báo khách hàng được giải, sau đó cũng phải gửi vào tài khoản của kẻ lừa đảo số tiền định sẵn, gọi là nộp cho quỹ “Vì người nghèo”. Tất nhiên là sau đó nạn nhân không bao giờ lấy lại được tiền đã mất.

Hãy cảnh giác với tất cả những tin nhắn kiểu này

Ngày 15/2/2012, ông Hà Phi Học (hiện là trưởng bản Huồi Muộng, xã Đồng Văn, Quế Phong) nhận được cú điện thoại từ số máy 01666934533 vào máy bàn không dây Viettel của gia đình ông (số máy 0386652806) tự nhận là người của Tổng công ty Viettel, thông báo ông đã nhận được giải thưởng 180 triệu trong chương trình quay số ngẫu nhiên trúng thưởng. Cơ cấu giải thưởng bao gồm một xe môtô Honda hiệu SH trị giá 110 triệu đồng và 70 triệu đồng tiền mặt. Người thông báo yêu cầu ông Học đọc số CMND, làm hồ sơ nhận tiền mặt và hồ sơ xe máy. Người này cũng hỏi có 3 loại phí... đăng ký xe máy 1 triệu; 1,5 triệu và 3 triệu, ông chọn loại nào. Sau khi ông Học chọn mức phí 1,5 triệu, đối tượng đã yêu cầu ông mua thẻ cào để nộp vào số ĐT trên 1,5 triệu đồng. Đối tượng tiếp tục yêu cầu ông nộp thêm 500.000 đồng (cũng bằng thẻ cào) để “làm cước vận chuyển xe và tiền”.

Đến 15h cùng ngày, số máy này lại yêu cầu ông nộp tiếp 2 triệu đồng để làm từ thiện thông qua quỹ “Vì người nghèo”. 20h tối hôm đó, số ĐT trên lại thông báo “Chúng tôi đang ở Vinh, chuẩn bị vào Đài truyền hình tỉnh để mời PV đi quay phim, đưa tin, vì vậy ông phải nộp tiếp 4 triệu gọi là tiền thuê truyền hình (?)”. Tất cả những yêu cầu này, ông Học đều đáp ứng đầy đủ. Sáng hôm sau (16/2), vào lúc 6h, kẻ lạ mặt yêu cầu ông nộp tiếp 2 triệu đồng (không nêu rõ lý do) và 5 triệu đồng để “hoàn tất hồ sơ”. Một lúc sau nữa, lại yêu cầu ông nộp tiếp 2 triệu, gọi là tiền công quay phim (?). Đến 14h chúng lại tiếp tục yêu cầu ông nạp 3 triệu gọi là chi phí đi lại và 5 triệu tiền làm quà cho đoàn và làm lễ nhận thưởng. Trong quá trình đi mua thẻ và nộp tiền, đối tượng liên tục căn dặn ông phải tuyệt đối bí mật, không cho ai biết, chỉ được thông báo khi đã nhận thưởng xong (?). Tổng số tiền ông Học nộp thông qua thẻ cào cho số ĐT 01666934533 là 25 triệu đồng. Và sau đó, số máy này đã tắt máy, hoặc ra ngoài vùng phủ sóng.

Ông Hà Phi Học chưa hết bần thần vì mất số tiền lớn

Theo thông tin chúng tôi nắm được, để chạy theo “canh bạc” trời ơi đất hỡi này, ông Hà Phi Học đã phải vay mượn một số tiền kha khá. Toàn bộ tiền trong nhà tổng cộng được 16 triệu đồng, chưa đủ nên ông phải vay của ông Vy Văn Quốc (bí thư chi bộ bản Huồi Muộng) 7 triệu đồng và một vài người khác. Điều bi hài ở chỗ, trong quá trình đi mua thẻ cào để nộp tiền, gần như toàn bộ thẻ cào của các điểm bán khu vực này đã bị gia đình ông... quét sạch. 25 triệu đồng không phải là nhỏ, dùng nó để mua từ loại thẻ có mệnh giá 20.000 đồng đến 200.000 thì số lượng thẻ phải lên đến hàng trăm chiếc. Ông Học cho biết, đã phải mua 1,4 triệu tiền thẻ ở ngã 3 Xốp Chảo, còn lại đều mua ở Huồi Muộng. Toàn bộ 4 máy điện thoại di động của các thành viên gia đình đều đem ra để... cào và nộp. Liên tục trong 2 ngày trời, cả gia đình ông phải thay nhau để làm một việc vô vọng. Tổng cộng, ông đã phải nộp thành 9 đợt tiền thẻ cào. Hiện tại, trong nhà ông vẫn còn nguyên 9 gói giấy, gói số lượng thẻ đã nộp của mỗi đợt với dòng chữ chú thích ngày tháng, số thứ tự rõ ràng. Cũng trong ngày 16/2, có vẻ bắt đầu “tỉnh ra” vì thấy có dấu hiệu lừa đảo, ông Học đã điện cho ông Lang Văn Tuần (chủ tịch xã Đồng Văn) thông báo và nhờ gọi đến cấp cao hơn, mọi người đều bảo ông đã bị lừa.

Một điều hết sức trớ trêu là sau khi chờ đợi tiếp 2 ngày, đến ngày 18/2, điện thoại vào số máy trên, có tín hiệu thông máy, ông Học đề nghị “xin” lại tiền, chủ máy cho biết nếu muốn lấy lại tiền thì phải nộp tiếp 2,5 triệu đồng, gọi là cước chuyển tiền về ngân hàng (?). Đến 11h30 phút, ngày 19/2, khi đang thực hiện bài viết này, chúng tôi đã thử liên lạc với số máy 01666934533. Sau khi vờ hỏi “ Đây phải số anh Quang không?”. Đầu dây bên kia trả lời bằng giọng lơ lớ kiểu Bắc “ Không phải anh ạ! Đây là số máy của văn phòng công ty quay số trúng thưởng”. Văn phòng nào vậy ?

Trước đó không lâu, tại huyện Quỳ Hợp, bà Lô Thị Hương (xã Bắc Sơn) được số ĐT 01648044589 gọi tới, xưng là người của Tổng công ty Viettel, thông báo bà đã trúng giải một chiếc ĐT IPhone trị giá 18 triệu đồng, và yêu cầu bà Hương nộp một thẻ cào mệnh giá 500.000 đồng để xác nhận trúng thưởng. Bà Hương đi vay tiền để nộp thẻ cào và tất nhiên không bao giờ liên lạc được với số đó nữa. Cũng tại huyện này, một phụ nữ đã điện vào số di động của chị Trương Thị Hoa (Thọ Hợp), tự xưng là nhân viên của chi nhánh ngân hàng Agribank từ số máy 01656496927, thông báo chị đã trúng thưởng 1 điện thoại và 1 thẻ tín dụng của ngân hàng này với tổng giá trị 84 triệu đồng, đồng thời yêu cầu chị phải ra Hà Nội nhận tiền hoặc nộp 500.000 đồng qua thẻ cào để làm phí vận chuyển giải thưởng về tận địa chỉ của chị Hoa. Rất may, nhờ cảnh giác, nên chị này đã không mất oan số tiền trên.



Hàng trăm chiếc thẻ cào ông Học và gia đình đã mua để nộp cho kẻ gian



Một thông báo khuyến cáo của hãng Viettel

Việc lừa đảo qua ĐT di động và ĐT cố định là chuyện không mới, nhưng vẫn còn không ít người bị dính bẫy, bởi thủ đoạn của chúng ngày một tinh vi hơn. Trong đó, việc nắm bắt thông tin của bà con vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế.

Thiết nghĩ, việc này cần sự vào cuộc của cơ quan công an ngay (nhất là khi số máy trên vẫn còn hoạt động thì việc dùng nghiệp vụ để truy tìm không phải là quá khó). Như chúng tôi đã tư vấn cho ông Học, rằng hãy thông báo ngay số máy trên cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn và truy tìm.

Mong rằng, đây cũng là một bài học cho tất cả những người nhẹ dạ.

Hãng viễn thông Viettel Telecom ngày 17/5/2011 đã đưa ra cảnh báo sau khi hãng viễn thông này nhận được phản ánh của khách hàng về việc họ bị spam tin nhắn với những lời chào mời tham gia các chương trình trúng thưởng, quà tặng âm nhạc. Thậm chí, không ít khách hàng đã "dính" bẫy lừa từ người tự xưng là nhân viên Viettel thông báo họ được trúng thưởng có giá trị lên tới nhiều triệu đồng.

Thông báo của Viettel khẳng định: Đây là trò lừa và các thuê bao di động cần cảnh giác để tránh bị mất tiền oan. Khi gặp các trường hợp trên, khách hàng cần liên hệ ngay tới tổng đài chăm sóc khách hàng của hãng để được hướng dẫn.Trước đó, hai mạng di độnglớn khác là VinaPhone và MobiFone cũng đồng loạt đưa ra lời cảnh báo về những cái bẫy mà thuê bao không cẩn thận rất có thể mất tiền oan.


Trần Hải

Mới nhất
x
Cảnh giác với chiêu lừa đảo qua điện thoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO