Cảnh giác với những chiêu lừa quái dị
Một mùa “nhập cư” mới đang cận kề khi người thân dẫn tân sinh viên ra các thành phố lớn nhập học thì cũng là lúc các chiêu lừa được tung ra để kiếm chác…
Chiếc máy ảnh có giá trị sử dụng ngang đồ chơi trẻ con mà nhóm bạn Thu Hoài bị lừa. |
Sểnh ra là bị lừa
Tại Hà Nội, chiêu lừa phổ biến nhất là hành vi bán đồ công nghệ rởm. Đồng hồ, máy tính, máy ảnh, điện thoại… là những vật phẩm được các đối tượng bất hảo dùng để lừa đảo những người cả tin, ít kinh nghiệm. Sinh viên Đinh Thu Hoài (Trường ĐH KHXH&NV) ngậm ngùi: “Ngày mới nhập học, tôi và đám bạn đang đi qua bến xe Hà Đông cũ thì gặp một người đàn ông trung niên, tay cầm cái mũ tiến lại gần với bộ dạng lén lút. Tới nơi, ông ta thò ra chiếc máy ảnh và giở chiêu trò bấm chụp tanh tách rồi rao bán. Đèn flash sáng lóa khiến ai thấy cũng tin là đồ xịn. Ông ta bảo, món đồ đó ông vừa nhặt được và muốn bán với giá 2 triệu đồng. Nghe xong đám bạn lắc đầu lè lưỡi, ông ta liền hạ giá xuống còn một nửa. Một anh bạn đi cùng vốn không ưa cảnh gạ gẫm liền nói “cháu chỉ còn 200.000 đồng thôi”, nào ngờ ông ta đồng ý bán. Thấy quá rẻ nên anh bạn nọ mua luôn”. Một lúc sau cuộc mua bán chớp nhoáng đó, đám bạn trẻ mới té ngửa bởi giá trị sử dụng của chiếc máy ảnh “xịn” chỉ ngang ngửa món đồ chơi trẻ con khi chỉ có duy nhất cái đèn flash hoạt động, còn các bộ phận khác thì đã hỏng be bét. “Cả nhóm hý hửng chụp ảnh, được không quá 20 kiểu thì chiếc máy giở chứng, màn hình tối om rồi “chết” hẳn” - Hoài nói.
Sinh viên Lê Văn Lương (Trường ĐH Khoa học tự nhiên) thì gặp một trường hợp khác: “Em và mẹ đi nhập học qua ngã tư Khuất Duy Tiến, bỗng nhiên có một cô đi sát sau lưng nói chuyện điện thoại rất to khiến ai nấy xung quanh đều nghe rõ mồn một. Cô ta nói rằng vừa nhặt được điện thoại của một ai đó, chủ nhân của chiếc điện thoại xin chuộc lại không đến ngay được, trong khi đó cô này lại phải ra bến xe về quê vì nhà có việc gấp. Nói xong cô ta xán lại mẹ con em rồi hỏi bán. Cô ấy nói nhanh như chém chả: “Nhặt được điện thoại cảm ứng mà không biết dùng, giờ phải về quê gấp, mẹ con mua thì bán rẻ. Giá chỉ mấy trăm ngàn đồng thôi”. Sau khi đỗ đại học, mẹ hứa sẽ mua điện thoại cho, chiếc điện thoại chị ta gạ bán lại đúng chiếc mà em thích thế là mẹ móc ví trả tiền lấy luôn. Cầm chiếc điện thoại mới mà lòng rộn ràng, hai mẹ con tới cửa hàng để mua sim mới. Lắp sim vào, khởi động thì máy chạy mượt mà nhưng khổ nỗi không báo cột sóng. Ra tiệm sửa chữa mới biết điện thoại tuy mới nhưng ngấm nước, hỏng bộ phận thu phát sóng, thay mới cũng ngót nửa tiền mua theo giá của hãng. Vậy là mẹ con mặt mũi ỉu xìu vì hóa ra lại ăn quả lừa như trong phim”.
“Chết oan” vì được… tuyển dụng
Những tờ rơi tuyển dụng với thông tin mập mờ “phủ” khắp các điểm xe buýt, cổng trường... Ảnh: TG
Nghe có vẻ bất hợp lý nhưng không ít sinh viên mới nhập học, lao động trẻ mới ra trường đã lâm vào cảnh phải ngậm đắng nuốt cay với các nhà nhà tuyển dụng “ma”. Do nắm được thời điểm sinh viên mới ra trường, sinh viên mới nhập học là lúc nhu cầu việc làm ổn định, việc làm thêm tăng cao. Không ít công ty, tổ chức “ma” đã đăng tin tuyển dụng với nội dung hấp dẫn trên mạng Internet, đi kèm là hứa hẹn công việc nhàn hạ, lương hấp dẫn. Tuy nhiên, khi các ứng viên tới nộp hồ sơ thì đều bị buộc phải đóng phí tuyển dụng hoặc đặt cọc một số tiền “theo quy định của công ty”. Sau đó, họ giao cho sinh viên những việc không thể hoàn thành nổi hoặc chối bay về số tiền đã nhận. Chiêu này không mới nhưng vẫn có không ít bạn mắc phải, đặc biệt những bạn năm nhất.
Anh Nguyễn Nam Hải (Hải Hậu, Nam Định) cho biết: “Tôi đã bị lừa làm công việc nhặt bóng tennis với thù lao 300.000 đồng/3h ở một địa chỉ trên phố Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Đầu tiên tôi bị yêu cầu nộp 400.000 đồng tiền hồ sơ, sau đó họ chỉ dẫn đến một địa chỉ khác để nhận việc. Khi tới nơi, nhân viên tại đây bảo muốn được làm phải nộp thêm 250.000 đồng ký kết hợp đồng và phải qua một bài kiểm tra. Sau khi nộp tiền xong họ bảo về nhà học 5 ngày coi như là thử việc và sẽ được nhận 1,5 triệu đồng khi quay lại. Lúc đó vì quá hồi hộp, nộp tiền mà không làm bất cứ biên nhận nào, vì vậy 5 ngày sau khi quay lại thì tôi gặp một nhân viên khác và ngay lập tức bị nhân viên này chối bay chối biến là tôi chưa đóng tiền. Cãi nhau biết mình đuối lý vì… trót dại nên tôi đành ra về trong ấm ức”.
Ngoài hình thức quảng bá việc làm trên mạng, điểm xe buýt, cổng trường đại học, cao đẳng… là địa điểm điển hình dán tờ rơi tuyển dụng. Thế nhưng đằng sau những mức lương hấp dẫn, kiếm tiền ngon ơ... là những chiêu lừa khiến sinh viên, lao động trẻ mất tiền oan ức. “Tôi nhận được tờ rơi phát ở cổng Trường ĐH Quốc gia Hà Nội với nội dung tuyển nhân viên bán hàng, làm chỉ 2 tiếng, lương 200.000 đồng/buổi. Khi đến địa chỉ ghi trên tờ rơi thì được yêu cầu nộp CMND để bảo đảm và hẹn hôm sau tới đi làm. Hôm sau tới “công ty”, họ lại bắt mình phải nộp 200.000 đồng tiền rút CMND và giao việc… phát một xấp tờ rơi y như tờ hôm trước tôi nhặt được”, Thành Trung, cựu sinh viên ĐH Kiến trúc Hà Nội bức xúc “tố”.
Các bạn trẻ vừa từ quê ra các thành phố lớn nên cảnh giác trước các thông tin tuyển dụng không rõ ràng, ghi theo cách chung chung mà không rõ là tuyển nhân viên cho bộ phận nào, không yêu cầu trình độ, hoặc công việc nhàn hạ, mức lương cao thì chắc chắn chỉ là… mồi nhử cho lừa đảo. Không nên nộp tiền hay ký vào những giấy tờ mà không có căn cứ pháp lý rõ ràng, đặc biệt là các phiếu thu tiền, hợp đồng…
Theo Gia đinh.net