Cánh tay nối dài của Ngân hàng Chính sách

13/11/2012 16:20

Với đặc thù cho vay vốn thông qua các đơn vị ủy thác, thời gian qua, nhiều tổ chức nhận ủy thác đã thực hiện nhiệm vụ tốt, đưa đồng vốn đến với gia đình chính sách và người nghèo, quản lý tốt nợ quá hạn, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

(Baonghean) Với đặc thù cho vay vốn thông qua các đơn vị ủy thác, thời gian qua, nhiều tổ chức nhận ủy thác đã thực hiện nhiệm vụ tốt, đưa đồng vốn đến với gia đình chính sách và người nghèo, quản lý tốt nợ quá hạn, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Ở xóm 7, Nghi Công Nam (Nghi Lộc), có hộ có hoàn cảnh khó khăn như gia đình ông Nguyễn Giáo Thắng, chị Nguyễn Thị Kiểu (bị tật nguyền, không biết làm ruộng) nên tổ vay vốn đã hướng dẫn cụ thể, tư vấn nuôi bò vỗ béo, từ đó đã thu được nợ kịp thời trả cho ngân hàng. Gia đình các chị Đinh Thị Thắm, Nguyễn Thị Huệ nhờ được vay 20 triệu đồng vốn, nay đã thoát nghèo và trả nợ đầy đủ cho ngân hàng. Giám đốc Chi nhánh ngân hàng CSXH Nghi Lộc- Lê Xuân Hiếu cho biết: Hàng tháng, hàng quý, chi nhánh đã hướng dẫn cho các tổ vay vốn về hồ sơ, thu lãi, lập một xóm 2 tổ vay vốn, một tổ từ 1-2 người. Vai trò của các tổ vay vốn rất quan trọng trong bình xét, triển khai các chương trình vay vốn, thu lãi…



Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 7 (Nghi Công Nam- Nghi Lộc) kiểm tra tình hình vay vốn ở các hộ nghèo trong xóm.

Trên toàn tỉnh, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách đến được người nghèo là nhờ vào các tổ chức ủy thác Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Mặc dù một tháng, hoa hồng cho tổ vay vốn chỉ khoảng 400 ngàn đồng/người, nhưng các chị, các bác là hội viên các tổ chức hội đã tích cực, không quản ngại đường sá xa xôi vất vả để giúp ngân hàng chính sách triển khai cho vay vốn. Có những địa bàn vùng cao như Kỳ Sơn, Quế Phong… các cấp hội đã vượt rừng, vượt suối kiểm tra các chương trình vay vốn, đánh giá lại hiệu quả đồng vốn vay, báo cáo Ngân hàng Chính sách kịp thời xử lý những món nợ xấu. Dư nợ thông qua ủy thác đến tháng 10/2012 đã đạt 5.533 tỷ đồng, chiếm 99,47% tổng dư nợ của ngân hàng chính sách xã hội Nghệ An, tăng 422 tỷ đồng so với đầu năm 2012, tốc độ tăng trưởng 8,26%. Trong 9 tháng đầu năm có hơn 23.000 hộ nghèo, 2,3 ngàn hộ kinh doanh vùng khó khăn, 67.000 lượt sinh viên được vay vốn, 24.696 hộ nghèo được hỗ trợ vốn làm nhà ở.

Hiện có 278.000 khách hàng đang dư nợ tại NHCS, bình quân 17 triệu đồng/hộ, cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của các đơn vị nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách (NHCS), đưa đồng vốn ý nghĩa của ngân hàng đến với người nghèo khắp vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhờ các tổ chức cấp hội làm cầu nối, như Hội Phụ nữ đã cho vay trên 2000 tỷ đồng vốn chính sách, chiếm tỷ trọng gần 40%, Hội Nông dân cho vay xấp xỉ 1.900 tỷ đồng, Hội CCB gần 1.200 tỷ, Đoàn thanh niên gần 500 tỷ…

Chất lượng tín dụng thông qua ủy thác tiếp tục được đảm bảo. Tổng nợ quá hạn ủy thác là 10.608 triệu đồng, chiếm 0,19% tổng chi nợ ủy thác. Hội LHPN là đơn vị nhận ủy thác nhiều, song nợ quá hạn có tỷ lệ thấp nhất là 0,14%, Đoàn thanh niên 0,2%, Hội Cựu chiến binh 0,21%, Hội Nông dân 0,22%.

Có thể nói, nếu không có các tổ chức nhận ủy thác, NHCS không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Từ khâu phổ biến chương trình vay, xét duyệt đối tượng, thu lãi, thu nợ, quản lý nợ… mạng lưới các tổ chức hội ở các huyện đã san sẻ gánh nặng trong việc đưa đồng vốn chính sách đến với mọi miền. Kết quả nổi bật của các tổ chức nhận ủy thác đó là thu lãi các chương trình tín dụng và huy động tiền gửi tiết kiệm. Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên là một chương trình lớn, 5 năm qua, đã thực hiện cho gần 30.000 hộ vay, và đây là chương trình có dư nợ lớn nhất của NHCS ở Nghệ An và Nghệ An cũng là tỉnh có dư nợ tín dụng học sinh sinh viên lớn nhất của cả nước. Doanh số thu lãi của chương trình này đảm bảo.

Để đồng vốn phát huy hiệu quả, các tổ chức cấp hội đã đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, 9 tháng đầu năm, các cấp hội đã kiểm tra được 1.701 lượt xã, 6.787 lượt tổ, trên 243 ngàn khách hàng. Mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn tiếp tục được củng cố thường xuyên, ngân hàng và các tổ chức cấp huyện, cấp xã tiếp tục chỉ đạo và dự sinh hoạt trực tiếp được 6.164 tổ, đạt 74%. Hoạt động giao dịch tại xã được tăng cao, nhu cầu vay vốn tăng mạnh, khách hàng tăng nhiều. Tỷ lệ bút toán thực hiện tại điểm giao dịch giải ngân đạt 95,6% thu nợ đạt 79,2%.

Thời gian tới, NHCS Nghệ An sẽ nghiên cứu nghiêm túc nội dung Đề án nâng cao chất lượng thu hồi nợ đến hạn & xử lý nợ xấu để hoàn thiện và nâng cao chất lượng phương án thu hồi, xử lý nợ tại đơn vị. Dự kiến doanh số cho vay trong quý 4/2012 của NHCS Nghệ An năm 2012 là 546 tỷ đồng, trong đó vốn tăng trưởng 321 tỷ đồng và 225 tỷ đồng nguồn vốn thu hồi nợ đến hạn trong quý.


Trân Châu

Mới nhất

x
Cánh tay nối dài của Ngân hàng Chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO