Cậu bé mù ở Huồi Pốc đã được cộng đồng xã hội giúp đỡ
(Baonghean) - Sau khi được Báo Nghệ an điện tử đăng (bài "Cậu bé mù ở Huồi Pốc" - ngày 24/2/2009), em Già Bá Lỳ (lớp 8C, Trường PTCS.DTBT Nậm Cắn I, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã được nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân hết sức quan tâm, giúp đỡ. Cậu bé mù đã không còn đơn độc.
Niềm hy vọng không chỉ của Lỳ
Khám xong, Lỳ không còn đủ nước mắt để khóc.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Lê - Giám đốc Trung tâm Mắt Nghệ An, sau khi đọc bài báo viết về em Già Bá Lỳ đã rất đồng cảm và hứa sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để phẫu thuật mắt cho Lỳ.
Bác sĩ Lê cho biết: “Phía Trung tâm Mắt muốn trực tiếp tiếp xúc với Lỳ để chẩn đoán tình trạng bệnh nhằm có thể đưa ra những giải pháp điều trị tốt nhất. Trước mắt, phía Trung tâm sẽ phối hợp với gia đình, nhà trường và UBND huyện Kỳ Sơn đưa Lỳ xuống T.P Vinh và lo toàn bộ kinh phí đi lại, ăn ở đến nguồn kinh phí hỗ trợ phẫu thuật mắt. Chúng tôi sẽ cố gắng hết khả năng để hoàn trả lại ánh sáng cho cậu bé”.
Khi nghe tin mình sẽ được xuống T.P Vinh khám chữa mắt, trong lòng cậu bé Lỳ nôn nao, cồn cào. Lỳ hồi hộp lắm. Mấy hôm nay, Lỳ bảo bố mẹ biết tin mừng khôn xiết. Thầy Trần Đăng Hùng - Hiệu trưởng nhà trường vội vàng đến từng lớp, giọng lạc hẳn: “Ngày mai Lỳ của chúng ta sẽ được đưa đi khám mắt”.
Tin vui ấy nhanh chóng lan rộng, khiến các bạn học sinh ngước mắt nhìn thầy phấn chấn. Lầu Bá Ca, người bạn thân theo bước trên những đường rừng dìu bạn đến lớp, đến trường nghe tin ấy bật khóc, nước mắt ngấn lệ. Đã nhiều lần, Bá Ca vẫn thường kể cho Lỳ nghe những câu chuyện cổ tích, những điều ban ước của cô tiên. Và khiến Lỳ đôi lúc đã tin câu chuyện kia luôn có “phép màu” như cái kết có hậu.
Tôi còn nhớ, có lần thầy Đào Công Quang - cán bộ Phòng giáo dục Kỳ Sơn gặp Lỳ, động viên: "Những bước chân trong cuộc đời này dường như đều hướng tới hạnh phúc, chắp cánh cho niềm vui. Em cứ bước đi thì "ánh sáng" của niềm vui, ánh sáng của bình minh sẽ soi rọi. Đơn giản chỉ cần một niềm vui nhỏ thôi em sẽ tự cảm nhận được".
|
Tiếng trống trường ngân vang, các bạn đổ dồn quây quần về phía Lỳ, tay nắm chặt tay, nét mặt ai cũng hồ hởi, niềm vui khôn xiết và động viên: "Lỳ cố gắng xuống rồi về với chúng mình nhé". Buổi cơm chiều chia tay, các bạn xúm nhau vào góc bếp lửa tự tạo hì hục nấu cơm. Món cơm thật đạm bạc, có món rau rừng nấu canh; nồi cơm chồng chềnh; cạnh bên "thức ăn" là lọ muối trắng "thiết đãi". Mấy thầy cô giáo cũng góp vui bằng chai nước mắm. “Tiệc” tan, Lỳ bước vội về phòng đợi chờ.
Trời rẻo cao về đêm lạnh đến thấu xương. Hơn 21h, Lỳ nhờ bạn dẫn xuống gặp thầy Hùng mạng dạn “đề xuất”: Thầy cho em xuống Vinh ngay bây giờ nhé, em mong chờ được thấy ánh sáng lắm thầy ơi!. Chiều lòng học trò, thầy Hùng quyết định cử thầy Phạm Mạnh Thường - giáo viên đưa xuống Thị trấn Mường Xén bắt chuyến xe cuối cùng. 23h đêm, bánh xe lăn bánh mang theo một mơ ước cháy bỏng luôn thường trực trong lòng của cậu học trò mù hiếu học.
Niềm hy vọng vụt tắt
5h sáng, Lỳ có mặt tại TP. Vinh. 2 thầy trò thức trắng đêm nên phờ phạc hẳn. Không kịp lót dạ, cả thầy trò vội vàng bắt xe ôm xuống Trung tâm Mắt Nghệ An, nhưng do không hẹn trước, bác sĩ Lê lại bận họp nên chúng tôi đành đưa Lỳ quay trở về tìm chỗ trú chân.
|
Buổi chiều, nhận điện thoại từ bác sĩ Lê, chúng tôi đều khấp khởi mừng thầm. Trước khi vào khám, các cán bộ y, bác sĩ của Trung tâm mắt đã vận động từng người quyên góp ủng hộ để động viên cậu bé Lỳ. Thế nhưng, niềm động viên ấy không thể làm tan đi nỗi đau khi kết quả khám mắt đem lại thất vọng biết nhường nào. Lỳ bị khô mắt do thiếu Vitamin A, teo giác mạc, sẹo mờ đục gây mù, teo nhãn cầu.
Nước mắt cậu bé tuôn trào trên đôi chân ngàn dặm, Lỳ đã đặt niềm tin... nhưng tất cả đã vụt tắt. Trên đường về, bước chân chúng tôi và Lỳ cứ yên lặng, miên man, day dứt mãi.... Thầy giáo Thường khích lệ: “Cuộc đời này rộng lớn lắm, thầy tin em chắc chắn em sẽ đi hết được con đường thênh thang ấy. Hãy tự tin lên, rồi cuộc đời em sẽ được chắp cánh bởi có những thầy cô, bạn bè và mọi người bên cạnh”.
Cuộc đời Lỳ không đơn độc
Sau khi biết tin Lỳ không thể phẫu thuật mắt, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng đã đến tặng quà, động viên. Bù đắp thêm nổi đau, nổi mất mát ấy, phía Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đang liên hệ để cố gắng chuyển em vào Trung tâm khuyết tật Nghệ An, tạo điều kiện tốt nhất để Lỳ tiếp tục nuôi ước mơ đến trường.
|
Có 1 doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Nghệ An (xin được dấu tên) cũng hứa sẽ hỗ trợ một phần vật chất để giúp em vượt qua khó khăn. Như vậy, nỗi mất mát, đau đớn đang cuốn chặt bước đường đi tìm con chữ của cậu bé đã không còn đơn độc.
Sáng nay (26/2/2009), Bí thư Đoàn Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An Nguyễn Đình Hùng cùng với Công ty Tư vấn quy hoạch thiết kế xây dựng tỉnh; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Vinh đã lên tặng em Già Bá Lỳ 1 máy ghi âm và 2 triệu đồng. Bác sĩ Nguyễn Hữu Lê, đại diện Trung tâm Mắt cũng tặng Lỳ 2 triệu đồng.
Bí thư Hùng cho biết: em Lỳ sẽ được Đoàn Doanh nghiệp nhận giúp đỡ trong suốt quá trình học tập, sắp tới sẽ vận động một số đơn vị cùng vào cuộc, chung tay góp sức để biến ước mơ tiếp tục được đến trường của Lỳ thành sự thật. Đây cũng là một trong những nội dung “ làm theo” lời Bác và hưởng ứng cuộc vận đồng “ Vì miền Tây” của tuổi trẻ khối Doanh nghiệp Nghệ An.
Chúng tôi tin, dẫu trên đường đời còn lắm chông gai, gian khổ nhưng Lỳ sẽ can đảm đứng lên và đi tiếp hành trình mình đã lựa chọn. Giống một điều giản dị đã trở thành chân lý trong tác phẩm nổi tiếng của O.Henry: “Chiếc lá cuối cùng chưa hẳn là sẽ rụng, nó sẽ kiên cường ngự trị trong lòng mỗi người nếu như tin rằng trên cuộc đời này niềm vui và sự sống vẫn còn tồn tại”.
Bài, ảnh: Ngọc Bình