Câu chuyện bó đũa của các nước nghèo!
(Baonghean) - Xu thế toàn cầu hóa kinh tế thế giới đặt ra muôn vàn khó khăn đối với các nền kinh tế có sức cạnh tranh thấp. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, tốc độ phát triển của lực lượng sản xuất và nền kinh tế thế giới đã khiến nhiều quốc gia đang phát triển đứng trước nguy cơ trở nên tụt hậu với khoảng cách ngày càng xa. Tình trạng thiếu đói, nghèo nàn, lạc hậu, hoang mạc hóa… đang là những vấn đề phải đối mặt thường xuyên của nhiều quốc gia châu Phi. Trước tình hình đó, ngày 30/11 các nhà lãnh đạo Uganda, Kenya, Tandania, Ruanda và Burundi đã ký Nghị định thư thành lập Liên minh tiền tệ Đông Phi.
(Baonghean) - Xu thế toàn cầu hóa kinh tế thế giới đặt ra muôn vàn khó khăn đối với các nền kinh tế có sức cạnh tranh thấp. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, tốc độ phát triển của lực lượng sản xuất và nền kinh tế thế giới đã khiến nhiều quốc gia đang phát triển đứng trước nguy cơ trở nên tụt hậu với khoảng cách ngày càng xa. Tình trạng thiếu đói, nghèo nàn, lạc hậu, hoang mạc hóa… đang là những vấn đề phải đối mặt thường xuyên của nhiều quốc gia châu Phi. Trước tình hình đó, ngày 30/11 các nhà lãnh đạo Uganda, Kenya, Tandania, Ruanda và Burundi đã ký Nghị định thư thành lập Liên minh tiền tệ Đông Phi.
Xu hướng nhất thể hóa kinh tế khu vực đang diễn ra như một tất yếu, và Liên minh tiền tệ Đông Phi ra đời không nằm ngoài xu thế đó. Tuy có diện tích rộng lớn, trữ lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào, là nơi tồn tại của nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm và nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp và những danh thắng lớn, nhưng nhiều quốc gia Đông Phi vẫn trong tình trạng kinh tế đình đốn, khó khăn. Tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang xảy ra ở các quốc gia Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia và Uganda. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), hạn hán kéo dài khiến số người ở các nước Đông Phi cần viện trợ lương thực khẩn cấp hiện tăng lên hàng chục triệu. Từ cuối năm ngoái, lượng mưa ít ỏi ở Đông Phi đã dẫn đến tình trạng mùa màng thất bát, mực nước các sông cạn kiệt, đồng cỏ khô cằn, kéo theo gia súc chết hàng loạt… Tình trạng lạm phát tăng, nợ công lớn, trong khi tốc độ tăng trưởng giảm đã làm cho quy mô kinh tế các nước Đông Phi ngày càng nhỏ lại, đó là những cơ sở để các quốc gia này nảy sinh nhu cầu thành lập liên minh để tìm kiếm sức mạnh tổng hợp thông qua lộ trình nhất thể hóa nền kinh tế khu vực mà nền tảng quan trọng là liên minh về tiền tệ.
Ảnh minh họa. Nguồn: news.cn |
Theo đó, nội dung Nghị định thư Liên minh tiền tệ Đông Phi đưa ra các điều kiện để gia nhập Liên minh tiền tệ này là các quốc gia thành viên sẽ phải duy trì tỉ lệ lạm phát ở mức trần 8%. Các quốc gia dự kiến sẽ phải hạn chế tỉ lệ nợ công không quá 50% tổng sản phẩm quốc nội và tỉ lệ thuế trên Tổng sản phẩm quốc nội không quá 25%. Trong tình hình hiện nay, những điều kiện ràng buộc nói trên cũng có thể được xem là những mục tiêu để các quốc gia Đông Phi hướng tới. Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cho biết, việc ký kết Nghị định thư về Liên minh tiền tệ Đông Phi đã mở đường cho việc triển khai sử dụng đồng tiền chung của khu vực.
Có thể xem, việc ra đời Liên minh tiền tệ Đông Phi là một bước tiến mang tính lịch sử của các quốc gia khu vực này. Phấn khởi vì đã đặt nền móng quan trọng cho tiến trình hợp lực, nhất thể hóa kinh tế khu vực để tạo nên sức mạnh mới, Tổng Thư ký Cộng đồng Đông Phi Richard Sezibera cho rằng Đông Phi đã sẵn sàng bước vào giai đoạn tăng tốc của sự hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, theo giới phân tích, trên thực tế, còn quá sớm để nói đến chuyện “cất cánh”, bởi đây mới chỉ là mốc thời gian ghi dấu thời điểm thông qua Nghị định thư, để thực hiện hoàn chỉnh Nghị định thư trên và hiện thực hóa nó trong đời sống kinh tế thì có thể phải mất ít nhất 10 năm nữa.
Chí Linh Sơn