Câu chuyện về ông đồ Nghệ 'khác lạ'
(Baonghean.vn) - Tôi chưa từng tham gia một lễ ra mắt sách nào kỳ lạ như lễ ra mắt cuốn sách “Từ nhân cách đến văn cách”. Nó như là một lễ tri ân, một cuộc hội ngộ, một diễn đàn chung về Nhà giáo Ưu tú, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lê Thái Phong… Nó bắt đầu bằng những cảm xúc tuôn rơi không ngừng và cứ thế, cảm xúc đó không thể dừng ngay cả khi sự kiện đã kết thúc.
ÔNG THẦY “KHÁC LẠ”
Lễ ra mắt cuốn sách “Từ nhân cách đến văn cách” có sự tham gia của hơn 100 người, hầu hết là những đồng nghiệp, học trò của thầy giáo Lê Thái Phong. Trong số họ, rất nhiều người thành công trong cuộc sống, có học vị, địa vị cao, có người là chính khách, có người là giáo viên, có người là nhà văn, có người là nhà báo… Điểm chung lớn nhất của họ chính là sự trân quý, yêu kính mà họ dành cho tác giả cuốn sách. Tình yêu đó đủ lớn để kéo họ trở về quê hương, dù kẻ Nam - người Bắc, đủ lớn để họ xem nhau như anh em trong một nhà, dù chưa từng gặp nhau trước đó, đủ lớn để họ chăm chút cho từng tiểu tiết sự kiện, dù bận trăm công nghìn việc… Tình yêu đó lớn đến mức, ngay khi người thầy của họ vừa cất lời chào trên sân khấu, phía dưới, những giọt nước mắt cứ thế lã chã tuôn rơi. Với họ, được nhìn thấy thầy của mình đứng ở đây, ngay lúc này, đã là một hạnh phúc.
Dù đã ra trường nhiều chục năm nhưng những lứa học trò của thầy Lê Thái Phong vẫn thường xuyên thăm hỏi thầy. Ảnh: Nguyễn Đạo |
Trong tâm trí những người học trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thầy Phong mãi là người thầy với “dáng gầy thư sinh đi nghiêng trên bục giảng”. Là người thầy với phong cách dạy lạ lùng với cái bảng ít chữ, nhiều hôm chỉ là những hình tròn xoắn, mỗi lần xoắn là một phân tích. Là người thầy nhiều lần bối rối giấu những giọt nước mắt khi giảng một áng thơ xúc động. Là người thầy dạy hết ruột gan, không chấp nhận những bài Văn sáo rỗng và căm ghét căn bệnh trầm kha “đọc cho học sinh chép”… Chính phong cách dạy lạ lùng đó đã khiến lũ học trò há hốc mồm nghe say sưa mà quên cả ghi bài, cuối buổi còn nán lại để làm Văn mà không cần ra đề, và dù rất sợ thầy mắng xéo nhưng lại rất thích học thầy…
Nói về tình yêu của thầy Phong với văn chương, người bạn, người đồng nghiệp của thầy - PGS.TS Đỗ Lai Thúy thổ lộ: "Tình yêu của của nhà giáo Lê Thái Phong đối với văn chương vượt qua những quy cách thông thường, truyền sang các thế hệ học trò”.
Nếu thầy Lê Thái Phong chỉ giảng hay, dạy giỏi thôi có lẽ sẽ không nhiều thổn thức, nghẹn ngào trong lễ ra mắt như vậy, sẽ không có những đồng nghiệp tôn vinh thầy đến thế, sẽ không có những thế hệ học trò đầu 2 thứ tóc đi hàng nghìn km chỉ để được nắm bàn tay của thầy… Thầy Phong không chỉ dạy bằng câu chữ, bản thân thầy đã là một tấm gương. Nhận xét về “Cụ Cử Phong”, nhà giáo Nguyễn Hữu Quyền nói: “Anh Phong vừa mang tinh thần của một nhà Nho, vừa đậm chất nghệ sỹ lại có những tư tưởng, kiến thức rất hiện đại. Hơn hết, không một cuốn sách nào có thể lột tả hết cuộc đời khác lạ, nhân văn, ân tình và sống hết mình của anh”.
Thầy Lê Thái Phong ký tặng sách cho độc giả tại lễ ra mắt sách. Ảnh: Nguyễn Đạo |
Cuộc đời “khác lạ” của thầy Phong là cuộc đời của một ông giáo không biết sợ, luôn thẳng thắn nói lên quan điểm của mình, là cuộc đời của một ông chồng tôn sùng giá trị gia đình, là cuộc đời của một ông thầy khiến lũ học trò tự hào khi được gọi là “Phong con”…
Sau 40 năm ra trường, anh Thái Văn Sinh khẳng định: “Với thầy Lê Thái Phong, dạy Văn chính là dạy làm người. Việc làm người của chúng tôi mang đậm dấu ấn của thầy. Chúng tôi không bao giờ quên được lời thầy: “Hàn vi chi giao bất khả vong”. Nên cả lớp trên 30 bạn dù đã gần 40 năm ra trường mà tình cảm vẫn gắn bó như ngày xưa, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Ứng xử trong cuộc sống, chúng tôi vẫn nhớ nguyên lý thầy từng dạy: “Cái quan định luận” (Khi người ta mất đi, đóng nắp hòm lại mới có thể kết luận người ấy tốt xấu ra sao) để không hồ đồ, hấp tấp trong việc nhìn người, ứng xử với người. Thầy còn khuyến khích chúng tôi sống phải có cá tính, có góc cạnh, bản sắc riêng, không được “mài hết góc cạnh để tròn như hòn bi ve” (nguyên văn lời thầy hay dùng). Chính vì vậy mà giữa bao biến động của cuộc đời chúng tôi vẫn là chính mình, sống theo luân thường đạo lý và biết tôn trọng sự khác biệt”.
Sự xúc động của những người học trò cũ khi được nghe người thầy kính yêu của mình chia sẻ. Ảnh: Nguyễn Đạo |
Tại lễ ra mắt “Từ nhân cách đến văn cách”, một người học trò đã viết tặng thầy Lê Thái Phong một bài thơ. Khi bài thơ được ngâm lên, phía dưới khán giả, những đôi mắt lại ướt nhòe, những nghẹn ngào không thể nén lại. Đoạn cuối bài thơ viết:
… “Kìa thầy ơi, bao ánh nhìn tỏa sáng
Đang ngước nhìn thầy bằng mắt những người con!
Nắng vẫn long lanh, cả khi nắng không còn!”
CUỐN SÁCH ĐỜI NGƯỜI VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ VƯỢT THỜI GIAN
Tác giả bài thơ đó là anh Nguyễn Sỹ Đại. Chia sẻ về người thầy kính yêu của mình, anh nói: “Khi giới lý luận chưa bàn nhiều đến thi pháp, từ những năm 1967 - 1968, thầy đã làm cho học sinh hiểu sâu về những thủ pháp nghệ thuật, vẻ đẹp tuyệt mỹ của hình thức bên cạnh vẻ đẹp tư tưởng, khơi gợi cho học trò cách nghĩ mới để phát hiện ra nhiều trường nghĩa trong một tác phẩm văn học chứ không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ sách giáo khoa. Thầy không nói nhiều về đạo đức, nhưng tấm gương của thầy, tình yêu đối với cái đẹp từ văn chương đã đào tạo nên lớp lớp học trò biết thương người, thương nước sâu sắc, ai theo nghề văn đều nổi danh sáng tạo, theo nghề chính trị và nghề khác đều vững vàng, có đạo đức trong sáng”.
Cuốn sách "Từ nhân cách đến văn cách" của Nhà giáo Ưu tú Lê Thái Phong. Ảnh: Diệp Thanh |
Cuốn tiểu luận phê bình “Từ nhân cách đến văn cách” gồm 3 phần, là kết tinh của một cuộc đời say đắm văn chương, tận tụy với giáo dục. Phần 1, gồm 9 bài tham luận viết về Nguyễn Du đã dựng chân dung một đại thi hào của dân tộc. Phần 2 bao gồm 13 bài viết về các nhà văn xứ Nghệ nổi danh khác như Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Trương Đăng Dung, Nguyễn Thế Quang... Phần 3 bao gồm 10 bài viết về lĩnh vực giáo dục với tâm huyết của một nhà sư phạm, nhà quản lý giáo dục – Đây cũng chính là những chìa khóa tạo nên những thế hệ học trò đáng tự hào của thầy Phong.
Với thầy Phong, người thầy là người “Dạy cách học, giúp học sinh học cách học”, “đánh động, khơi dậy và hình thành phương pháp suy nghĩ, cách tư duy, phương pháp luận khoa học cho học sinh”. Thầy dạy học trò phải biết nghi ngờ, biết tìm tòi, trăn trở, dám “cãi” và đi ngược lại với số đông… Tại lễ ra mắt, rất nhiều lứa học trò thành đạt của thầy Phong thừa nhận, họ đã sáng tạo, đã viết văn, làm báo, đã nghĩ, đã sống, đã làm việc… bằng chính phương pháp học và nền tảng kiến thức mà thầy Phong truyền đạt. Nền tảng đó không hề lạc hậu, lỗi thời, trái lại, khiến họ ngày một vững vàng, phát triển.
Đồng nghiệp và học trò chụp ảnh lưu niệm cùng thầy giáo Lê Thái Phong. Ảnh: Nguyễn Đạo |
“Sau khi sang nước ngoài du học, tôi thật sự kinh ngạc khi nhận ra mình đã được chuẩn bị rất tốt, thậm chí tốt hơn cả những người bạn Châu Âu. Nhờ những giá trị thầy trao, tôi bình thản đi qua những vấn đề thời cuộc, những vận hành thế giới dựa trên những giá trị trường tồn. Ở thời đại đó, một ông thầy ở Nghệ An mà làm được điều này là điều không tưởng. Với những ai không may mắn được học thầy thì có thể tiếp cận tri thức quý giá này thông qua cuốn sách. Bởi, cuốn sách của thầy không đơn thuần là chữ nghĩa, văn chương, nó là cả một hệ tư tưởng khai phóng, là nhân sinh quan sâu sắc” - chị Trần Thị Ngọc Hoa, giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
TS Lê Thị Sao Chi - người chuyên đào tạo giáo viên Văn cấp THPT thổ lộ: “Những giờ học với thầy năm đó, 1 câu hỏi nhưng 10 học sinh được gọi trả lời, rồi 10 học sinh đó tự trao đổi, phản biện với nhau, thầy nói rất ít. Sau này tôi mới biết đó là sự tiên phong ngay từ những năm tháng đổi mới giáo dục chưa được triển khai. Không chỉ có ích cho học sinh, cuốn tiểu luận của thầy Phong còn là một tư liệu quý mà những nhà nghiên cứu, những nhà giáo… có thể học hỏi”.
Những giá trị thầy Lê Thái Phong trao lại cho học trò nay lại được học trò tiếp tục trao cho thế hệ sau. Ảnh: Diệp Thanh |
Nhìn lại cuộc đời làm giáo dục của người đồng nghiệp đáng mến, nhà giáo Nguyễn Hữu Quyền xúc động: “Anh Phong quan niệm nghề dạy học, cụ thể là nghề dạy Văn, là một nghề sang trọng và anh đi đến cuối đường dạy học của mình với suy nghĩ đó, để rồi anh tìm thấy cho mình sự tự do, tự tại và hạnh phúc”.
Trong sự kiện ra mắt sách của mình, thầy Lê Thái Phong là người nói ít nhất. Cho đến cuối sự kiện, giữa đong đầy yêu thương, thầy nghẹn ngào và giản dị: “Tôi tri ân cuộc đời, không phải vì cuộc đời không có những bất hạnh, mà vì hạnh phúc tôi nhận được là rất lớn”. Niềm hạnh phúc mà thầy Phong nói đến có lẽ chỉ những nhà giáo chân chính mới cảm nhận được.