Cầu đá Quan Thành
(Baonghean) Về vùng quê xã Trung Thành (Yên Thành), mọi người sẽ được bước chân trên chiếc cầu đá hiếm hoi còn sót lại trên đất xứ Nghệ.
Đó là chiếc cầu đá Quan Thành, nối sông Bàu Rộc (hay còn gọi là Bàu Đá), thuộc xóm 5, xã Trung Thành. Cầu nằm giữa ranh giới 2 xã Nam Thành và Trung Thành (Yên Thành). Toàn bộ mặt cầu và trụ cầu đều bằng đá xanh, lắp ghép rất cẩn thận với những cái mộng khít kháy bởi bàn tay thợ. Cầu có chiều dài gần 30m, 18 nhịp, 18 trụ, rộng 1,37m, được ghép bởi 40 phiến đá. Mỗi nhịp được ghép từ 2-3 phiến đá, mỗi phiến dài 1,67m, phiến rộng nhất 95,5 cm, phiến hẹp nhất 41,5 cm. Các phiến đá được cấu với nhau bằng các mộng đá rất chặt chẽ, vững chãi. Hàng ngày, xe đạp, xe máy và cả xe công nông đi lại rất thuận tiện. Mặc dù qua hơn 90 năm, thăng trầm thiên tai lũ lụt, cầu vẫn nguyên vẹn, không hề bị nghiêng, rung.
Cầu đá Quan Thành
Theo một số tài liệu của địa phương cung cấp, cầu đá Quan Thành làm từ năm Tân Dậu – năm Khải Định thứ 6 (1921), do công của cụ Nguyễn Văn Thuyết. Cầu hoàn thành vào năm Nhâm Tuất – Khải Định thứ 7 (1922). Nguyễn Văn Thuyết tên thường gọi cụ Bá Thuyết (cụ Bá Hoan). Ông vốn ở làng Phù Lưu, nay xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ông Thuyết đưa cha mẹ và em ra ở làng Nhạn Tháp, huyện Yên Thành (Nghệ An). Ở đó, ông ở nhờ nhà ông tộc trưởng Nguyễn Văn Khương rồi theo học thầy là nhà nho Lê Huấn Đạo. Ông được họ Thái chọn làm chàng rể để dạy học cho con cháu trong nhà, vợ ông là bà Thái Thị Chiêu. Vì chưa có con trai, ông dốc tâm vào làm việc nghĩa thiện, cho xây dựng chùa trong vườn nhà mình để cầu Đức Phật độ trì. Vì thấy Bàu Rộc rộng, cản trở việc đi lại của nhân dân trong vùng, ông nghĩ đến việc phải bắc một chiếc cầu đá qua bàu cho thật vững bền. Năm Tân Dậu (1921), ông đứng ra vận động nhân dân đóng góp và bỏ của nhà ra làm cầu đá. Ông tự vẽ bản thiết kế, rồi lên báo cáo xin quan huyện chuẩn y. Được đồng ý, ông Thuyết ra tận Thanh Hóa, vào Hà Tĩnh thuê thợ đá giỏi, huy động nhân công đục đẽo đá làm cầu. Sau khi làm xong cầu, ông Thuyết cũng sinh được con trai, lúc đó ông đã 65 tuổi. Làng cũng đã cho dựng bia để ghi lại công lao của ông Thuyết, ghi tên những người đóng tiền của làm cầu. Do lâu năm, chữ trên bia mờ dần nên chưa có ai dịch được.
Bây giờ dân làng hai bên đã đông đúc, hàng ngày người dân vẫn qua lại rất an toàn. Nhiều cán bộ thuộc các lĩnh vực khác nhau đã về đây nghiên cứu, và có ý kiến cho rằng, cầu đá Quan Thành cần được xếp hạng di tích để bảo vệ, vinh danh cùng quê hương.
Xuân Hoàng