Góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững
(Baonghean) - Trong những năm qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu đã đem lại những thành công nhất định, được lao động nông thôn ghi nhận, đánh giá cao. Qua đó, góp phần thực hiện chính sách công bằng xã hội về cơ hội học nghề đối với mọi lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nông nghiệp thuộc nhóm đối tượng người nghèo, góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng giá trị gia tăng, thu nhập kinh tế và xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, nhiều lao động nông thôn sau học nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước đầu tư phát triển theo quy mô lớn…
Gia đình anh Nguyễn Đình Lâm xóm 2 (xã Diễn An, huyện Diễn Châu) là một gia đình thuần nông. Năm 1999, từ số vốn tích lũy của gia đình, anh quyết định nhận đất khoán của xã để đầu tư làm trang trại chăn nuôi tổng hợp. Bước đầu làm trang trại, anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu kinh nghiệm và kiến thức trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi bò lợn, gà,... Năm 2011, anh được UBND xã tạo điều kiện cho tham gia học nghề chăn nuôi lợn tại địa phương. Anh rất mừng và xác định đây là cơ hội để anh nắm bắt, tiếp cận các thông tin khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, đặc biệt là những kinh nghiệm về chăn nuôi lợn.
![]() |
Đàn lợn thịt của nhà anh Lâm xóm 2, Diễn An, Diễn Châu. |
Sau gần 3 tháng học nghề, tích cực học hỏi, tìm tòi, chia sẻ kinh nghiệm cùng các học viên trong lớp, anh đã tích lũy được vốn kiến thức chăn nuôi lợn cần thiết để tự tin đầu tư vào chăn nuôi một cách có hiệu quả. Anh phấn khởi cho biết: "Nhà nước tạo điều kiện cho học nghề là cơ hội rất quan trọng để có thêm kiến thức, kinh nghiệm phát triển sản xuất nông nghiệp. Trước đây, khi chưa được học nghề, trong quá trình nuôi dưỡng chăm sóc lợn, cá, .. thường không chú ý đến khâu kỹ thuật, nên khi dịch bệnh xẩy ra không biết cách phòng trị và xử lý như thế nào. Sau khi được học nghề, việc tính toán lựa chọn loại thức ăn, giống, phương thức nuôi dưỡng chăm sóc, kỹ thuật tiêm, thiến lợn, cách phòng và trị các bệnh thường gặp tự tôi có thể xử lý được".
Khi chưa học nghề anh chỉ dám nuôi mỗi năm 2 lứa lợn (15 - 20 lợn/lứa), 50 - 100 con gà; bây giờ khi đã có kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, anh mạnh dạn quyết tâm đầu tư phát triển trang trại, nuôi mỗi năm 3 lứa lợn thịt (25 - 30 con/lứa), cho tổng thu nhập từ nuôi lợn từ 240 - 250 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó anh còn nuôi thêm 3 con lợn nái để chủ động nguồn giống lợn con tại chỗ, 400 - 500 gà thịt/lứa và 1 ao cá với gần 1.000 m2 mặt nước. Anh biết là Quyết định 1956/TTg chỉ cho lao động nông thôn trong độ tuổi lao động có cơ hội học nghề 1 lần, muốn chuyển đổi nghề khác phải được sự đồng ý của UBND tỉnh và tối đa không quá 3 lần. Nhưng nếu được đề xuất nguyện vọng, anh còn muốn học thêm nhiều nghề khác nữa như trồng trọt, nuôi cá, sửa chữa máy nông nghiệp...
Chị Đoàn Thị Lương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn An, cho biết: “Trong xã nhiều người sau khi học nghề đã đầu tư, phát triển sản xuất như quy mô của anh Lâm. Mỗi năm UBND xã được tạo điều kiện mở từ 2 - 3 lớp nghề tại địa phương, chúng tôi khẳng định và đánh giá cao về tính thiết thực và hiệu quả của Đề án 1956/TTg này. Thông qua việc học nghề đã giúp cho lao động nông thôn có thêm được kiến thức khoa học kỹ thuật và cách thức trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và chung tay cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn rất lớn, Nhà nước cần đa dạng hóa ngành nghề để người dân lựa chọn, tăng số lớp học nghề hàng năm và cần có chính sách hỗ trợ vay vốn, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người sau học nghề thì mới đảm bảo hiệu quả và tính bền vững cao”.
Thiết nghĩ, Quyết định 1956/TTg của Thủ tướng Chính phủ đang tiếp tục khẳng định về tính hiệu quả và thành công của Đề án. Dạy nghề nông nghiệp hiện nay đang là nhu cầu cần thiết và mong đợi của mọi lao động nông thôn. Giúp họ có thêm cơ hội học nghề, nâng cao năng lực, kỹ năng tay nghề, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập kinh tế trên một đơn vị diện tích, chuồng nuôi. Tuy nhiên, để đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo được tính hiệu quả và bền vững, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm về quy hoạch, định hướng nghề nông nghiệp cho từng vùng, từng địa phương, cần có cơ chế, chính sách riêng cho những người sau học nghề, đồng thời huy động tối đa mọi nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia, đồng hành cùng nông dân trong việc đào tạo, bao tiêu sản phẩm đầu ra để hỗ trợ họ duy trì, phát triển nghề sau học...
Hà Thảo
(Trung tâm Khuyến nông tỉnh)