Cậu sinh viên có bàn tay "vàng"

08/06/2014 17:47

(Baonghean) - Lần đầu tiên sau rất nhiều năm Nghệ An có một thí sinh đạt giải nhất tại Hội thi tay nghề quốc gia dành cho các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề trên toàn quốc. Đó là em Cao Đăng Tuấn, sinh viên trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc…

Hiệu trưởng nhà trường chúc mừng em Cao Đăng Tuấn nhận giải Nhất tại Hội thi Tay nghề quốc gia.
Hiệu trưởng nhà trường chúc mừng em Cao Đăng Tuấn nhận giải Nhất tại Hội thi Tay nghề quốc gia.

Tôi gặp Tuấn khi em mới trở về từ Hà Nội sau khi vừa hoàn thành xuất sắc buổi phỏng vấn và kiểm tra tay nghề của Công ty Vikotex Hàn Quốc. Với kỹ năng vượt trội, Tuấn đã vượt qua 4 thí sinh khác đạt điểm cao nhất tại Hội thi tay nghề quốc gia để giành suất học bổng 80.000 USD cho 15 tháng nâng cao tay nghề tại Hàn Quốc do Công ty Vikotex tài trợ. Hai niềm vui đến quá bất ngờ, khiến cậu sinh viên đến từ xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương không khỏi ngỡ ngàng.

Tự nói về mình, Tuấn kể ngày còn học ở Trường THPT Đô Lương 2, lực học của em rất bình thường. Vì thế, khi nhận kết quả trượt đại học, em không bất ngờ. Do đó, trong khi bạn bè cùng trang lứa, người đậu đại học thì tổ chức liên hoan, người trượt thì bảo nhau xuống Vinh ôn thi lại, còn Tuấn âm thầm nộp đơn vào Trường Cao đẳng nghề Việt Hàn. Em chọn nghề hàn cũng bởi một lý do rất đơn giản: Ngày ở nhà em thường theo chú ruột làm thợ hàn ở xưởng. Vì vậy, chú khuyên em học nghề này sau dễ có nghề. Sau này, nhìn vào thực tế ở quê nhiều anh chị tốt nghiệp đại học xong nhưng không xin được việc làm hoặc làm trái nghề, Tuấn càng tin vào sự lựa chọn của mình.

Những ngày đầu mới nhập học, cuộc sống với một sinh viên xa nhà thật khác với mường tượng của Tuấn. Bởi lẽ, trong những hình ảnh mà Tuấn xem trên phim, trên sách vở, sinh viên thường gắn với giảng đường, với những bộ áo quần sạch sẽ, đẹp đẽ… Nhưng với Tuấn và các bạn trong lớp, thời gian ngồi trên lớp học chỉ là số ít còn lại phần lớn là làm ở xưởng, trong những bộ quần áo bảo hộ lao động, mặt mũi tay chân chẳng mấy khi được tươm tất. Nhưng bù lại, em được các thầy giáo truyền cho kiến thức thực, tay nghề thực và những kiến thức em mới được tiếp thu khác xa nhiều so với xưởng cơ khí nhỏ của chú ở nhà. Học được một năm thì em bắt đầu thực sự yêu nghề này và đặt ra quyết tâm phải học thật tốt, để ít nhất nếu không được sinh viên giỏi thì phải có một tay nghề thật “chín” để có cơ hội xin được công việc tốt. Thầy giáo trực tiếp dạy Tuấn là thầy Phạm Văn Việt nhận ra cậu học trò này rất có tố chất, vì Tuấn không chỉ có bàn tay khéo léo mà còn có tính kỷ luật cao. Trong suốt quá trình giảng dạy, chưa bao giờ thấy Tuấn bỏ học, chưa bao giờ thấy Tuấn lơ là dù chỉ là một mối hàn đơn giản. Thầy “chấm” Tuấn để vào đội tuyển của trường khi cậu mới bắt đầu là sinh viên năm thứ 2.

Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ của riêng thầy giáo Phạm Văn Việt, còn trên thực tế chưa bao giờ thầy để Tuấn và các học sinh khác biết điều này. Bởi thế, khi chọn đội tuyển của trường để đi thi cuộc thi tay nghề của tỉnh, của quốc gia, Tuấn cũng như 10 thành viên khác phải trải qua nhiều bài luyện tập, bài thi căng thẳng. Nhưng Tuấn đã không để mọi người thất vọng bởi ở phần thi nào em cũng đã thể hiện xuất sắc và trở thành sinh viên duy nhất đại diện cho trường, cho tỉnh đi thi môn Công nghệ Hàn. Quá trình ôn thi để đến với cuộc thi này cũng hết sức gian nan bởi từ khi chuẩn bị đến khi đi thi mất một năm rưỡi. Còn thời kỳ tập trung gắt gao cho kỳ thi là trọn 7 tháng. Thời gian đó, thầy giáo Phạm Văn Việt nói rằng liên tục từ thứ 2 đến thứ 7, ngày nào thầy và trò cũng phải làm việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều ở xưởng, một ngày chỉ nghỉ trưa chừng 2 tiếng. Riêng Tuấn, dù rất nhớ nhà nhưng chẳng mấy khi em dám về vì yêu cầu của cuộc thi tay nghề quốc gia quá cao, rất nhiều kiến thức nằm ngoài chương trình học.

Đơn cử, như đề thi yêu cầu thí sinh phải biết hàn múi hàn 6G trên cả ba nguyên liệu thép đen, thép trắng và nhôm. Vậy mà học suốt hơn một năm nhưng trước khi thi khoảng 1 tháng Tuấn mới hoàn thành được mối hàn trọn vẹn. Áp lực quá lớn, nếu như không có nghị lực, không có quyết tâm thì khó có thể hoàn thành. Rất may, thầy giáo Phạm Văn Việt cũng là sinh viên của trường và đã từng đạt giải nhì ở hội thi tay nghề 4 năm trước. Vì thế cả hai thầy trò vừa làm, vừa học, vừa truyền đạt kinh nghiệm. Tuấn cũng đã học được nhiều từ thầy ở sự nghiêm túc, chuyên cần, tính kỷ luật và nhiệt tình hết mình vì công việc dù thầy vẫn còn rất trẻ và đi dạy chưa lâu.

Sự chuẩn bị chu đáo cuối cùng đã có kết quả khi vào cuộc thi dù có tới 46 đối thủ ở nhiều trường đại học, cao đẳng dạy nghề lớn nhưng Tuấn vẫn tự tin làm bài. Thậm chí, khi đề thi có một câu hỏi nằm ngoài đề cương em vẫn không lo lắng mà bình tĩnh làm hết bài thi của mình. Khi nhận được kết quả, báo về gia đình và nhà trường, mọi người không khỏi vui mừng. Thầy giáo hiệu trưởng còn đích thân đem xe ra Hà Nội để đón Tuấn và cả đoàn chiến thắng trở về. Đây cũng là chiến thắng vẻ vang nhất của Nghệ An từ trước đến nay, lần đầu tiên ở một hội thi tay nghề quốc gia tỉnh ta có một sinh viên đạt giải Nhất.

Với những kết quả đã đạt được, với một suất học bổng “trong mơ”, trước mắt Tuấn là một tương lai đang rộng mở. Tuy vậy, nói về mình, Tuấn chỉ khiêm tốn: “Em chỉ nghĩ mình đã làm tốt thôi. Còn công lớn thuộc về thầy cô giáo và nhà trường...” Cuối tuần này, Tuấn sẽ bay sang Hàn Quốc, môi trường mới, thầy cô mới chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ nhưng em tin rằng mình sẽ làm tốt mà mục tiêu đầu tiên đó chính là đại diện cho Việt Nam chinh phục Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 tại Việt Nam được tổ chức vào tháng 10/2014 và Hội thi tay nghề Thế giới lần thứ 43 tại Brazil được tổ chức vào năm 2015.

Mỹ Hà

Mới nhất
x
Cậu sinh viên có bàn tay "vàng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO