Cây bồ đề 3 lỗ độc nhất Việt Nam vừa trở thành cây di sản
Trải qua biến cố của thời gian, ngôi đền xuống cấp, sụp đổ thì cây bồ đề mọc lên và bám rễ từng chùm chặt bao quanh 3 cửa chính nhà thờ xưa, tạo thành ba lỗ trống (ba cửa vào).
Ông Hồ Văn Tiến, Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên cho biết, chiều 11-8, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) vừa xét duyệt và công nhận cây bồ đề trồng ở đền thờ Lương Văn Chánh (thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, Phú Yên) là cây di sản Việt Nam.
Cây bồ đề trên có tên khoa học là Ficus religiosa, thuộc họ Ficus, có 3 thân, cao 21m, chu vi 12m, đường kính 3,8m. Căn cứ tính tuổi cây được xác định dựa vào lịch sử xây dựng mộ và đền thờ danh nhân Lương Văn Chánh.
Theo các sử liệu ghi chép, vào khoảng năm 1597, ông Lương Văn Chánh đang là Tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên, nhận sắc lệnh của chúa Nguyễn Hoàng đưa chừng 4.000 lưu dân vào khai khẩn vùng đất phía Nam của Đại Việt (từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, thuộc địa bàn Phú Yên ngày nay). Ông cùng lưu dân từng bước khẩn hoang, lập ấp; tạo nên những làng mạc đầu tiên trên châu thổ sông Đà Diễn, sông Cái. Ông mất ngày 19 tháng 9 năm Tân Hợi (1611) tại thôn Long Phụng, thuộc xã Hòa Trị ngày nay. Để tưởng nhớ người có công khai hoang vùng đất Phú Yên, nhân dân địa phương lập đền thờ nhớ ơn, cung tế và suy tôn ông là Thành hoàng.
Trải qua biến cố của thời gian, ngôi đền xuống cấp, sụp đổ thì cây bồ đề mọc lên và bám rễ từng chùm chặt bao quanh 3 cửa chính nhà thờ xưa, tạo thành ba lỗ trống (ba cửa vào). Đến năm 1822, ngôi đền được xây lại để thờ tự, sau đó tiếp tục được tôn tạo như ngày nay. Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) đã công nhận khu mộ và đền thờ Lương Văn Chánh là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Cây bồ đề trước đền thờ Lương Văn Chánh ngày nay |
Cây bồ đề xưa kia bao quanh 3 cửa chính của đền thờ cũ, tạo thành ba lỗ trống độc đáo, người dân địa phương gọi nôm na là cây bồ đề ba lỗ |
Du khách nào đến thăm quan chụp ảnh lưu niệm trước cây bồ đề độc đáo |
Theo soha.vn