Cây cao, bóng cả
(Baonghean) - Thời gian qua, thực hiện lời Bác dạy, dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng người cao tuổi trong toàn tỉnh vẫn miệt mài lao động sản xuất, tiên phong trong các phong trào, sống mẫu mực để nêu gương sáng cho con cháu học tập, noi theo...
Là lớp người thuộc tuổi “xưa nay hiếm” ở huyện Quế Phong, ông Quang Văn Thơ, 88 tuổi, bản Phòng, xã Nậm Giải luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ đối với các bậc phụ lão: “Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì.
Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”; cũng như lời nhắn nhủ của Người đối với đồng bào các dân tộc huyện Quế Phong"... Bác mong rằng, đồng bào và cán bộ huyện nhà ra sức thi đua đạt nhiều thành tích trong tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục học tập để tiến bộ hơn nữa...". Thực hiện mong muốn của Bác Hồ, trong nhiều năm qua, tùy vào sức của mình ông Thơ đã tích cực thi đua, đóng góp. Năm 1996, thực hiện cuộc vận động xây dựng kinh tế trang trại do Hội người Cao tuổi phát động, ông Thơ đã viết đơn xin Ban Quản lý bản Phòng khai hoang vùng đất trồng đồi trọc với tổng diện tích 4 ha để làm vườn kinh tế trang trại. Tuổi cao chí càng cao, sức khỏe càng dẻo dai, sau khi được chấp thuận, ông Thơ đã tiến hành khai hoang, phục hóa và phân chia khu đất nói trên thành ba phần để đầu tư, trồng trọt.
Tham quan mô hình nuôi ong của ông Đàm Văn Phi ở xóm 8, xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ). Ảnh: Tú Oanh |
Phần lớn diện tích, ông Thơ đã trồng quế và xoan đâu, phần còn lại trồng tre mét. Trong những năm 1996 – 2000, ông Thơ đã trồng được 13.000 cây quế, 1.750 cây xoan đâu và 500 bụi tre mét. Lấy ngắn nuôi dài, trên đơn vị diện tích nói trên, từ sản phẩm măng và hoa quả các cây ngắn ngày cho thu hoạch sớm mà rừng đã nên xanh… Sau hơn 10 năm chăm bẵm, rừng hoang năm xưa đã hóa thành vàng dưới bàn tay ông. Năm 2013, ông Thơ bán gần 1.000 cây quế, thu được trên 100 triệu đồng. Và năm 2014 này, thu hoạch từ khoảng rừng 4 ha nói trên cũng mang về trên 100 triệu đồng. Diện tích cây to đã đốn hạ bán cộng thêm diện tích cây nhỏ tỉa quang, ông Thơ tiếp tục trồng thêm dứa, chuối, mít, cà, ớt cay. Ông Thơ cho biết: “Huyện miền núi Quế Phong còn nghèo, để huyện khá lên thì mỗi người dân như chúng tôi cần phải biết tự làm giàu, phát triển gia đình mình. Những gì tôi đã và đang làm hôm qua và hôm nay không chỉ là làm cho mình mà làm cho cháu con, hàng xóm làng giếng nhìn theo học hỏi…”.
Chung một mong muốn như ông Thơ, các ông Thò Giống Nụ, ông Thò Nọ Pó, năm nay đều gần 70 tuổi, ở bản Pà Khổm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cũng đã nêu cao quyết tâm để xây dựng đời sống ổn định, làm gương cho bà con, sống gắn bó và làm giàu trên quê hương, không di dịch cư trái phép. Ông Nụ và ông Pó tâm sự: “Những năm trước đây, cái đói và cái nghèo đã làm cho gần 100 hộ người Mông bản Pà Khổm bỏ đất, bỏ bản phiêu dạt sang Lào. Nhưng ở đất mới, cuộc sống cũng chẳng khá hơn, bà con lại kéo nhau trở về. Trở về bản cũ, vườn tược, nhà cửa đều đã bán hết rồi, bà con trắng tay chẳng biết bắt đầu lại cuộc sống như thế nào.
May nhờ có Đảng, các cơ quan đoàn thể giúp đỡ từ cái ăn cái mặc, giúp dựng nhà, cho đất, cho ruộng, bày cho cách làm ăn mà cuộc sống dần hồi sinh. Bà con cảm kích và biết ơn lắm”. Người Mông vốn siêng năng lại được cán bộ bày cho cách làm ăn thì cứ làm theo thôi. Người già bảo nhau phải làm ăn thật giỏi để trả ơn các cán bộ, để người trẻ nhìn và biết ở Pà Khổm cũng có thể làm giàu, rồi học theo… Nói là làm, từ những con trâu bò, giống được hỗ trợ ban đầu, ông Nụ và ông Pó đã gây dựng nên những đàn trâu bò riêng cho gia đình mình. Đến nay tính ra, gia đình ông Nụ đã có 60 con bò và 20 con trâu, còn gia đình ông Pó nuôi được 65 con trâu, bò.
Để có một Pà Khổm nói riêng và 9 bản Mông khác của xã Tri Lễ hôm nay yên bình phát triển, không trồng cây thuốc phiện, không di dịch cư trái phép thì vai trò của những người cao tuổi đứng mũi chịu sào ở xã là vô cùng to lớn. Ông Vi Văn Nhâm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã là một người như vậy – cả cuộc đời ông gắn liền với công việc của người “vác tù và” từ công tác đoàn thanh niên, đại biểu HĐND, bí thư chi bộ …. Năm nay đã trên 60 tuổi nhưng đôi chân không mỏi của ông Nhâm vẫn đi khắp các bản làng vùng cao biên giới này để tuyên truyền, vận động bà con tham gia phong trào tự quản đường biên mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm lấn lãnh thổ, nhập cư, cư trú trái phép, tàng trữ và buôn bán, vận chuyển các chất ma túy.
Ông Nhâm chia sẻ: “Là người đứng đầu của Hội Người cao tuổi xã, bản thân tôi đã cùng các chi hội xóm bản, phối hợp cùng các già làng trưởng bản, người có uy tín, các đoàn thể quần chúng tích cực vận động người cao tuổi, con cháu và bà con thực hiện, quy chế biên giới Việt – Lào, đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên mốc giới”. Theo ông Vi Văn Nhâm: Đường biên mốc giới Quế Phong dài trên 70 km mà chỉ dựa vào bộ đội Biên phòng và các cán bộ là không đủ. Việc của mình là phải tuyên truyền, vận động để mỗi người dân đều là một chiến sỹ biên phòng.
Không chỉ riêng ở Quế Phong mới có những người cao tuổi tiêu biểu, tích cực như vậy; mà đến đâu chúng tôi cũng gặp các cụ, các bác tuổi đã cao những vẫn hết sức hết lòng lo lắng, chăm chút cho việc nhà, việc xã hội, việc đất nước. Các cụ như cánh chim không mỏi, chỉ mong làm đẹp, làm tốt cho đời… Có thể kể tên một số cụ tiêu biểu như ông Dương Quang Thịnh, 60 tuổi, ở phường Quỳnh Thiện, Thị xã Hoàng Mai. Ông Thịnh vốn là thành viên trong Ban quản lý chùa Bảo Minh nằm trên địa bàn. Năm 2011, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh này bị xuống cấp trầm trọng, thiếu kinh phí để phục dựng, tu bổ.
Ông Thịnh đã đi đầu trong việc vận động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân để xây dựng lại chùa. Từ 3 tỷ đồng vận động được cộng thêm nguồn đóng góp của gia đình ông, đến nay chùa Bảo Minh đã được tôn tạo, xây lại to đẹp hơn. Đó là cụ Trần Ngọc Ánh, Hội NCT xã Thanh Xuân (Thanh Chương) trồng 4,6 ha nguyên liệu giấy, nuôi 300 con vịt đẻ, 200 gà đẻ, 50 con lợn thịt, thu nhập bình quân mỗi năm trên 150 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5 lao động. Hưởng ứng phong trào trồng cây ơn Bác, cụ Nguyễn Trọng Điêng, thôn Chi Lam, xã Thanh Chi (Thanh Chương) ươm và trồng 60 cây xà cừ ở khuôn viên nhà văn hóa, không lấy tiền; Ông Lê Đình Tỵ, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương - tuy bị nhiễm chất độc da cam, tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn nhiệt tình đảm nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện. Vượt lên những đau đớn của bệnh tật, ông miệt mài với công tác Hội, với mong muốn xoa dịu nỗi đau da cam cho con em các đồng chí, đồng đội.
Ở tuổi 64, ông Nguyễn Viết Hạnh, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên vẫn xung phong hiến máu, góp phần sống của mình để cứu người. Đó là vợ chồng giáo dân Nguyễn Liên Thành – Nguyễn Thị Thịnh ở xóm 1, xã Nam Lộc, Nam Đàn giàu lòng nhân ái – từ năm 1982 trở lại đây, vợ chồng ông đã nhiều lần nhận, cưu mang những người bất hạnh. Vợ chồng ông còn vận động nhiều người khác ở địa phương cùng tham gia, chia sẻ khó khăn với những mảnh đời côi cút, bệnh tật. Là các cụ trong Hội Người cao tuổi xã Long Sơn, huyện Anh Sơn đã tích cực động viên con cháu hiến đất giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy tuổi cao nhưng nhiều cụ ở Long Sơn vẫn tham gia hoạt động xã hội. Đó là các cụ người cao tuổi ở xóm Đông Vinh, xã Hưng Đông tự nguyện tháo dỡ bờ rào, nhà cửa, hiến hơn 200m2 để mở tuyến đường dân sinh rộng 4,5m dài 290m. Qua đó đã góp phần vào thành tích chung của Hội người cao tuổi Thành phố Vinh đóng góp trên 3.000m2 đất với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông khối xóm…
Dường như các cụ không muốn nói nhiều về việc mình làm và cũng như không coi đó là việc gì to tát mà chỉ là bổn phận, trách nhiệm cần phải làm. Bình dị, miệt mài, với bản chất thương yêu con cháu, cần cù lao động, ham muốn được cống hiến, người cao tuổi đang nỗ lực cống hiến sức mình vì gia đình, quê hương, đất nước, xứng đáng là cây cao bóng cả, nêu gương sáng cho con cháu noi theo.
Thanh Sơn