Cây cao su bén duyên đất Quế…

10/03/2014 14:46

(Baonghean) - Khi UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 3.089 ha cao su trên đất Quế Phong, thì hẳn nhiều người ngoài cuộc vẫn cho Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An (thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam) là “hão”, vì trước đó có bao dự án trồng rừng, bao nhiêu loại cây dài ngày từng là kỳ vọng cho tiềm năng đất đai ở đây, đa phần chưa bao giờ trở thành hiện thực, phần bị thay thế, đốn đẵn dần vì không hiệu quả…

Thế nhưng, những cánh rừng nghèo của Tổng đội TNXP 7 cũ (nay là Nông trường cao su Quế Phong đã sáp nhập vào Công ty CP Đầu tư - Phát triển cao su Nghệ An) và đồi trọc rừng trống của các xã Tiền Phong, Hạnh Dịch hôm nay đã tươi màu đất mới dồn phì nhiêu những lô, những hàng cao su. Theo Phó Tổng giám đốc Công ty CP ĐTPT cao su Nghệ An – ông Lê Hữu Huy, thì ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch cho công ty trồng 3.089 ha cao su vào tháng 9/2013, đơn vị đã huy động toàn bộ nguồn lực để có 450 ha cây “đứng” đã xanh tán như bây giờ.

Giống cao su mà công ty lực chọn trồng ở đây vừa hợp chất đất, vừa đảm bảo chống chịu sương muối và khả năng chống gió bão cao, thì chất lượng sinh trưởng của cây cao su trên đất Quế Phong không thua kém ở vùng Đông Nam bộ. Quá trình phát triển cây cao su trên vùng đất nào thì công ty sẽ tuyển nhân lực tại chỗ gồm công nhân và lao động thời vụ. Hiện tại công ty đã tuyển chính thức 88 công nhân là con em đồng bào các dân tộc Thái ở các xã Hạnh Dịch, Tiền Phong, Đồng Văn, với mức lương bình quân 5,8 triệu đồng/tháng. Khi ổn định khép kín quy trình sản xuất của trên 3.000 ha (gồm cả nhà máy chế biến mủ công suất 5000 tấn/năm) có thể sẽ tiếp nhận được khoảng trên 1.000 công nhân con em đồng bào Thái, Khơ mú… trên địa bàn.

Về lao động thời vụ, hiện mỗi ngày sử dụng hơn 200 người là dân bản, trả công từ 120 – 150 nghìn đồng/người/ngày. Với kế hoạch trồng 1.200 ha trong năm 2014, thì sắp tới công ty dự kiến sẽ sử dụng 4 – 5 trăm lao động thời vụ/ngày. Đồng thời, công ty cũng cho phép công nhân nhận lô được trồng các loại cây kinh tế phụ dưới tán, công ty sẽ cho vay không lấy lãi vốn đầu tư giống, hỗ trợ kỹ thuật và đặc biệt là đảm bảo bao tiêu đầu ra cho sản phẩm (như ở Thanh Chương, có lô công nhân trồng cây rễ hương thu nhập 120 – 130 triệu đồng /ha/năm)…

Chuyển cao su từ vườn ươm Na Bón về các lô trồng cao su.
Chuyển cao su từ vườn ươm Na Bón về các lô trồng cao su.

Chúng tôi được ông Hồ Văn Mười – Giám đốc Nông trường cao su Quế Phong dẫn lên thăm các lô cao su trên đỉnh Pù Mai ở độ cao gần 900m so mực nước biển, thuộc xã Tiền Phong. Quả thực nếu cây cao su không “về” với Quế Phong, thì có lẽ Pù Mai tiếp tục là rừng nghèo loang lổ rẫy tự phát, quanh năm lặng lẽ trong mây phủ. Trước hết là con đường rộng rãi được mở lên đỉnh núi, đầu tư hết 4 tỷ đồng, đã thức dậy miên man Pù Mai nay điệp điệp các lô cao su. Sức sống của Pù Mai còn ở những ngôi lán xinh xắn của công nhân trẻ lên thức dậy đất đai rừng núi quê hương.

Em Lương Thị Hòa, dân tộc Thái (SN 1985) ở bản Đồng Mới, xã Đồng Văn vừa được công ty tuyển làm công nhân từ tháng 2/2014, đang cùng các công nhân trẻ khác kết hợp làm cỏ cho cao su, xới đất để sắp tới dự kiến trồng sả, gừng và lúa nếp dưới tán trên lô cao su nhận khoán. Hương cho biết: “Chúng em rất vui được công ty cao su tuyển làm công nhân, sẽ được trả lương ổn định và nhất là có thêm nguồn thu đáng kể từ trồng cây kinh tế phụ. Nói chung là chúng em rất yên tâm lao động, cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao”.

Xuôi xuống vườn ươm cao su ở Na Bón, các công nhân trẻ đang khẩn trương phủ ni lông chống cỏ mọc cho bầu ươm, vừa chuyển lứa cao su đã xòe tán lên ô tô chở về các lô để trồng. Ông Hồ Văn Mười cho biết, riêng vườn ươm này đã có 7 chục vạn bầu, sắp tới sẽ mở thêm vườn ươm nữa nếu tìm được mặt bằng. Hỏi chuyện anh Vi Văn Mùi, dân tộc Thái (SN 1979) ở bản Cắng, Mường Nọc, anh cho biết: “Tôi được công ty tiếp nhận vào làm công nhân từ tháng 12/2013. Tháng đầu được trả lương 4,5 triệu đồng, tháng thứ 2 được trả 5 triệu đồng. Tôi và gia đình vui lắm, cứ như thế này tương lai nhà sẽ sớm thoát khỏi đói nghèo!”. Lao động ở vườn ươm Na Bón, còn có những nhân công thời vụ như Vi Văn Duyến ở bản Om, Hạnh Dịch, được trả công 120.000 đồng/ngày. Duyến cho biết nhà làm ruộng, thiếu đói quanh năm, nay làm công cho công ty ngày nào được trả tiền ngày đó, đủ mua gạo ăn no!.

Bén duyên trên đất Quế Phong, cây cao su đã sớm góp phần làm nên tình đất, đất tình người nơi đây. Không những thế, còn tác động mạnh mẽ giúp đồng bào các dân tộc thay đổi tập quán lao động cũ và con em họ có thêm những cơ hội việc làm tốt khi Quế Phong thực sự trở thành một “trọng điểm” cao su của tỉnh và khu vực.

Anh Vũ

Mới nhất
x
Cây cao su bén duyên đất Quế…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO