Cây chanh leo "bén duyên" đất Tri Lễ

13/06/2011 11:25

Bản, xã làm mô hình


Cây chanh leo không còn lạ đối với đồng bào các bản xã Tri Lễ (Quế Phong), nhưng trồng cây chanh leo cao sản hàng hoá, phục vụ chế biến xuất khẩu thì đây là lần đầu tiên bà con thử nghiệm trồng theo mô hình.

Từ ý tưởng ban đầu của Bí thư Huyện uỷ Trần Quốc Thành, Ban Phát triển nông thôn miền núi (PTNTMN) huyện tập trung chỉ đạo thực hiện. Sau khi lấy mẫu đất phân tích, dựa trên đặc điểm tiểu vùng địa hình khí hậu, Tri Lễ phù hợp với cây chanh leo, Ban đã lập đề án "Trồng cây chanh leo tại xã Tri Lễ" thuộc chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện Nghị quyết 30a/CP của Chính phủ trên diện tích 2ha theo chương trình dự án liên minh xanh. Nhờ được hỗ trợ cây giống, phân bón, nguyên liệu (cột bê tông, dây thép), kỹ thuật..., 21 hộ dân 4 bản thuộc xã vùng cao Tri Lễ gồm Tà Pàn, Yên Sơn, Minh Châu 1 và bản San đã rất hồ hởi trồng loại cây này.

Cán bộ Ban PTNT MN huyện Quế Phong kiểm tra vườn chanh leo.


Chị Hà Thị Kim, bản Yên Sơn vui mừng: "Chanh leo vườn nhà ta phát triển nhanh lắm. Nhà ta trồng 2.000 m2, lúc đầu lúng túng kỹ thuật nhưng nhờ có cán bộ Ban định canh định cư hướng dẫn nên đã thành thạo rồi...". Bản Yên Sơn có 13 hộ đăng ký trồng chanh leo đợt này.

Để có kinh nghiệm đối chứng năng suất, chất lượng từng bản và thẩm định năng lực sản xuất của bà con, Ban PTNTMN huyện đã chọn các gia đình tiêu biểu tại 4 bản thuộc 3 dân tộc trên địa bàn để trồng thí điểm trên diện tích 2 ha; các hộ còn lại tập trung tại các hộ bản Thái: bản Yên Sơn và bản San.

Ông Nguyễn Bá Hiền, Phó Ban PTNTMN Quế Phong cho biết: sở dĩ chúng tôi chọn dàn đều trên 4 bản gồm 3 dân tộc trên địa bàn để các bản, các hộ thi đua nhau học tập trồng đúng kỹ thuật, từ đó để có hướng tiếp tục đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu sau này.


Mô hình liên kết "4 nhà"


Mặc dù cây chanh leo trên đất Tri Lễ - Quế Phong đang xây dựng mô hình nhưng thực sự đây là sự đầu tư có kế hoạch, bài bản từ khâu phân tích chất đất, lựa chọn giống, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc và kể cả thu hoạch. Ban PTNT miền núi huyện đã phối hợp với Công ty CP thực phẩm Nghệ An (Nafoods) chọn giống nhập ngoại (giống Lạc Tiên), bộ phận nông vụ của công ty chịu trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật làm giàn, kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hoạch. Huyện hỗ trợ bà con toàn bộ giống, phân bón, cọc bê tông, dây thép, các hộ trồng bỏ công lao động.

Công ty CP thực phẩm Nghệ An ký biên bản bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con với mức trần không dưới 2.500 đồng/kg. Giống chanh leo (Lạc tiên) bà con Tri Lễ trồng có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan, trồng đúng quy trình kỹ thuật năng suất có thể đạt tới 80 tấn/ ha/ vụ.

Cây chanh leo có chu kỳ sinh trưởng khoảng 4-5 năm và đặc tính lưu gốc có thể kéo dài đến 10 năm. Trừ năm đầu tiên năng suất chưa đạt đỉnh, còn các năm sau nếu năng suất đạt như vậy thì một ha chanh leo bán giá
tối thiểu như cam kết của Nafoods thì giá trị kinh tế đạt trên 150 triệu đồng. Như vậy, cây chanh leo không những là cây xoá đói giảm nghèo mà còn là cây giúp bà con làm giàu.


Tuy nhiên, để cây chanh leo phát triển, thì ngoài thực hiện chính sách hỗ trợ theo Chương trình 30a về hỗ trợ giống, phân bón, cột bê tông, thép dây... ít nhất là 3 năm(1/2 chu kỳ của một lứa cây chanh leo), doanh nghiệp thu mua sản phẩm cần phải có chính sách trợ giá cho bà con 2 năm đầu (khi sản lượng chưa nhiều), để bà con yên tâm và thực sự tạo động lực hào hứng trồng, chăm sóc.

Bên cạnh đó, giai đoạn này khi cây bắt đầu phát triển mạnh, ra hoa, quả rộ, bộ phận kỹ thuật của nhà máy và cán bộ khuyến nông huyện, xã cần phải tập trung hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa, để cành tạo hình trên giàn. Trước mắt, phải tập trung chỉ đạo kỹ thuật đối với 2ha chương trình dự án liên minh xanh, đạt năng suất vượt trội, đảm bảo việc thu mua thì mới tạo được niềm tin và hy vọng về một vùng nguyên liệu bền vững trong tương lai.


Hữu Nghĩa

Mới nhất

x
Cây chanh leo "bén duyên" đất Tri Lễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO