Cha con Quốc Tuấn - những câu chuyện lay động về tình phụ tử

26/09/2017 09:34

Mấy ngày nay, chỉ cần vào Google gõ hai chữ “cha con”, trang tìm kiếm sẽ hiện ra ngay kết quả “cha con Quốc Tuấn” ở những dòng đầu tiên. Chỉ chừng ấy đã cho thấy câu chuyện cảm động về tình yêu thương, sự hi sinh chăm lo cho con không chút oán thán của diễn viên - đạo diễn Quốc Tuấn đã lay động và thu hút lòng người như thế nào.

Suốt 15 năm ròng kể từ lúc đón nhận sự có mặt của cậu bé Bôm (Nguyễn Anh Tuấn) và cũng là lúc đón nhận căn bệnh hiểm nghèo và hiếm gặp của con trai, Quốc Tuấn đã dừng hẳn việc đóng phim để ở bên con của mình, để vừa làm cha, làm mẹ, làm bạn, làm thầy… Tình cảm thiêng liêng ấy của anh đã giúp cho cậu bé Bôm có một nghị lực sống phi thường.

Tiếng đàn dương cầm mà Bôm đánh lên trong chương trình Điều ước thứ 7 trên VTV3 vừa rồi, cũng như thành tích Top 5 đầu vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam làm Quốc Tuấn rơi nước mắt. Nó không chỉ là những thành quả ngọt ngào, như đền đáp phần nào những thăng trầm, cực khổ của anh, mà còn cho thấy cuộc đời vẫn còn đó những điều kỳ diệu, những phép màu.

“Cảm ơn anh Tuấn, anh thấy em mặc bộ vest này có đẹp không? Anh đừng căng thẳng quá nhé. Em rất cảm ơn anh vì anh đã ở bên động viên. Em sẽ chơi nhiều bản nhạc thật hay cho anh nhé” - lời nói của Bôm hôm đó không chỉ làm Quốc Tuấn rơi nước mắt.

Cùng với câu chuyện hy sinh lặng thầm ấy của người cha Quốc Tuấn, mới đây nhờ chương trình Kỳ tài lộ diện trên THVL1 mà người cha của thí sinh Nguyễn Văn Việt (nghệ danh Minh Long) đã tìm lại được con trai mình.

Đây cũng là một câu chuyện hy hữu về tình cha con, sau cuộc lưu lạc 17 năm trước – cuộc lưu lạc khiến người cha khôn nguôi ân hận vì để lạc con, còn người con thì cứ ngỡ mình bị cha bỏ rơi.

17 năm có thể không làm thay đổi gương mặt của người cha, nhưng với đứa trẻ thì cả một sự thay đổi lớn. Vậy mà, khi nhìn thấy Minh Long trên truyền hình, người cha ấy lập tức nhận ra con mình. Ngay sau đó ông xuống tận Vĩnh Long, rồi lên Sài Gòn mới xin được số điện thoại của con trai mình. Dù chưa gặp mặt, chỉ nghe qua điện thoại nhưng người cha ấy đã không giấu niềm xúc động và lặp đi lặp lại câu nói: “Không gặp được con, buồn quá!”

Cả hai câu chuyện trên cùng với rất nhiều chuyện đã được lưu lại trong sách, trong cuộc sống này về tình phụ tử cho thấy đây là một tình cảm thiêng liêng. Dù khó cắt nghĩa, nhưng như người xưa đã nói: “Dưỡng tử phương tri phụ mẫu ân” - nuôi con mới biết lòng cha mẹ.

Nhiều người làm cha, làm mẹ xem câu chuyện của cha con Quốc Tuấn, của cha con nghệ sĩ xiếc Minh Long, hoặc bất kì câu chuyện tương tự nào cũng dễ rơi nước mắt vì thấy mình trong đó. Còn những ai làm phận con cũng nhờ những câu chuyện như thế này mà hiểu được rằng ở đời người ta có thể bán đi nhiều thứ, kể cả giá trị vật chất, sinh mạng, lẫn tinh thần của mình… nhưng tình cảm cha mẹ hy sinh cho con là thiêng liêng, bất tử, không gì mua nổi và cũng không ai bán đi được.

Khi bộ truyện “Thần điêu hiệp lữ” được in lại thành sách lần đầu, nhà văn Kim Dung của Trung Quốc đã viết lời bạt cho cuốn sách của mình. Đại ý rằng: “Những tình cảm và phẩm đức, như tình ruột thịt giữa cha mẹ con cái anh em, tình bạn chân thành, tình yêu nam nữ, chính nghĩa, nhân thiện, dũng cảm cứu người, hiến thân cho xã hội... tôi tin rằng từ nay trở đi trong một thời gian lâu dài vẫn sẽ được mọi người ca ngợi. Những thứ ấy, không một thứ lý luận chính trị, chế độ kinh tế, cải cách xã hội, tín ngưỡng tôn giáo nào thay thế được.”

Chỉ nói riêng về góc độ tình ruột thịt mà cha mẹ dành cho con cái đến nay, vẫn thấy ông nói chưa sai nửa lời.

Theo Thể thao văn hóa

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cha con Quốc Tuấn - những câu chuyện lay động về tình phụ tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO